[ad_1]

Trong tuần vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã liên tiếp phê duyệt 4 cụm công nghiệp mới trên địa bàn các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ và Ân Thi. Tổng quy mô diện tích các dự án khoảng 140 ha, tổng vốn dự kiến gần 1.200 tỷ đồng

Cụ thể, ngày 12/5, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định thành lập ba cụm công nghiệp mới, bao gồm: Cụm công nghiệp Di Chế, cụm công nghiệp Đình Cao và cụm công nghiệp Đa Lộc.

Trong đó, cụm công nghiệp Dị Chế thuộc địa phận xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ; tại vị trí khu đất diện tích khoảng 30 ha, phía bắc giáp quốc lộ 38 và khu dân cư hiện có, phía nam giáp đất sản xuất nông nghiệp, phía tây giáp đất sản xuất nông nghiệp, phía đông giáp khu dân cư và các dự án hiện có.

Ngành nghề gồm sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng tiết kiệm đất, có hiệu quả và sử dụng nhiều lao động địa phương. 

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp là CTCP Quốc tế VIP – Hưng Yên (trụ sở tại số 294 đường Triệu Quang Phục, phường An Tảo, TP Hưng Yên).

Tổng mức đầu tư dự án là 160 tỷ đồng, trong đó vốn tự có nhà đầu tư là 30 tỷ đồng, chiếm 18,75%, còn lại là vốn vay và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. 

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án bắt đầu từ quý II – quý III/2022, thực hiện đầu tư từ quý III/2021 – quý III/2023.

Hưng Yên thành lập loạt cụm công nghiệp tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng

 Khu công nghiệp Yên Mỹ 2, Hưng Yên. (Ảnh: IIP Việt Nam)

Cụm công nghiệp Đình Cao tại khu đất có diện tích 19,5 ha thuộc địa phận xã Đình Cao, huyện Phù Cừ. Phía đông bắc khu đất giáp hành lang đường ĐT 386, phía tây bắc giáp đất nông nghiệp, phía tây bắc giáp đất nông nghiệp và xã Tống Phan, phía đông nam giáp đất nông nghiệp. 

Ngành nghề trong cụm công nghiệp gồm chế biến lương thực và công nghiệp nhẹ, công nghiệp cao sử dụng tiết kiệm năng lượng, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chính xác; công nghiệp điện, điện tử; công nghiệp may mặc; các ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hưng Yên. 

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP thiết kế và xây dựng GIZA Việt Nam (trụ sở chính tại số 3A ngõ 324/10 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ). Tổng mức đầu tư dự án là 152 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 32 tỷ đồng, chiếm 21% tổng vốn đầu tư. 

Theo quyết định giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án từ quý II/2022, thực hiện đầu tư từ quý III/2022 – IV/2023. Kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng vào quý IV/2023.

Cụm công nghiệp Đa Lộc được thành lập tại khu đất có diện tích khoảng 70,5 ha thuộc địa phận xã Đa Lộc, huyện Ân Thi (đã bao gồm diện tích Dự án mở rộng Smart Shirt Hưng Yên cơ sở 2 của Công ty TNHH Smart Shirt Hưng Yên tại Thông báo số 351 ngày 11/11/2022 của UBND tỉnh).

Khu đất dự án phía đông bắc giáp đường TL 386 và khu dân cư; phía tây nam giáp đất nông nghiệp và đất xã Nguyễn Trãi; phía đông nam giáp đất nông nghiệp; phía tây bắc giáp đất sản xuất nông nghiệp và đất xã Văn Nhuệ.

Ngành nghề trong cụm công nghiệp gồm sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cơ khí; công nghiệp công nghệ cao… các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường. 

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CTCP HAPLAST (trụ sở tại thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

Tổng mức đầu tư hạ tầng là 655 tỷ đồng, trong đó vốn tự có nhà đầu tư chiếm 15,26%. 

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án từ quý II –  quý III/2022, giai đoạn thực hiện đầu tư từ quý III/2022 đến quý IV/2023, giai đoạn quản lý khai thác từ quý IV/2023. 

Gần đây nhất, ngày 18/5, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành văn bản số 1066 quyết định thành lập cụm công nghiệp Thiện Phiến tại khu đất có diện tích khoảng 30 ha thuộc địa phận xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ.

Vị trí khu đất phái Bắc giáp xã Hải Triều, phía nam giáp đất thổ cư và đường tỉnh 376, phía tây giáp đất nông nghiệp, phía đông giáp sông T2. 

Ngành nghề cụm công nghiệp là công nghiệp nhẹ – công nghiệp sạch, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, ngành nhựa, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, xe máy… các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả trong sử dụng thân thiện với môi trường.

Mục tiêu phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào cụm công nghiệp nhắm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là công ty TNHH Sơn Tùng (trụ sở chính là thôn Du Tràng, xã Vĩnh Phúc, huyện Văn Giang).

Tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng, vốn tự có của nhà đầu tư là 33,6 tỷ đồng, chiếm 15% tổng bón đầu tư, còn lại là vốn vay, vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác. 

Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ quý II/2022 – quý IV/2023. Kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng từ quý IV/2023.

Theo các quyết định, chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và chủ đầu tư đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 68 ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan. 

[ad_2]

Nguồn: https://vietnammoi.vn/hung-yen-thanh-lap-loat-cum-cong-nghiep-tong-von-gan-1200-ty-dong-202251910475043.htm