[ad_1]

Trong Quý II/2022, TP Hà Nội phải thực hiện xong công tác hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để đến hết Quý IV/2022 xử lý xong các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, chây ỳ, vi phạm.

Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều dự án bỏ hoang đang được kiến nghị thu hồi. (Ảnh: Một dự án bất động sản bỏ hoang lâu năm tại Hoài Đức)

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội ban hành. Theo đó, HĐND TP giao UBND TP tập trung xử lý dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Nghị quyết cũng yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Ôm đất chậm triển khai

Mặc dù, việc xử lý “dự án treo”, dự án chậm triển khai đã được nhắc tới nhiều năm nay và tốn không ít “giấy, mực” của giới truyền thông, nhưng việc để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội.

Điển hình như quận Hoàng Mai, có 9 dự án chậm triển khai, 9 dự án chậm nộp nghĩa vụ tài chính, 17 dự án chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ phát chậm triển khai.

Một khu vực khác là quận Nam Từ Liêm, từ năm 2018 đến nay có 48 dự án chậm triển khai như: Dự án Trung tâm Dạy nghề Cửu Long (phường Xuân Phương), dự án khách sạn Hoa Sen ( phường Mễ Trì), dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng (phường Trung Văn)… Quá trình thanh tra, kiểm tra của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, đến nay, chỉ có 5 dự án đã xây công trình đưa vào sử dụng, còn lại vẫn chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Huy Cường – Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trong số các dự án chậm triển khai, có một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch phân khu. Bên cạnh những vướng mắc chính sách, cũng phải kể đến thực trạng nhà đầu tư năng lực hạn chế, chưa phối hợp với UBND quận hoàn thiện hồ sơ…

Ngoài hai khu vực trên, tại ngõ 80 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), người dân cũng gồng mình chịu đựng quy hoạch treo gần 20 năm nay tại dự án công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1NO và 5.5NO.

Hay tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp – một khu đô thị hình thành hơn chục năm nay, nhưng các ô đất xây dựng trường học, nhà trẻ vẫn bỏ hoang hoặc cho thuê làm bãi để xe.

Tương tự, các huyện ngoại thành như Mê Linh, Quốc Oai… cũng là tâm điểm tồn tại hàng chục dự án chậm triển khai trong nhiều năm gây dư luận bức xúc và thất thu nguồn ngân sách.

Nói “không” với điều chỉnh quy hoạch

Để giải quyết tình trạng “ôm đất chậm triển khai” ở nhiều địa phương, HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Một trong những biện pháp, theo Nghị quyết, với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật liên quan đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm.

Tình trạng hàng trăm mảnh đất vàng tại Thủ đô để hoang hóa, có dự án lên tới hàng chục năm đã cho thấy cơ chế giám sát còn khá lỏng lẻo (Ảnh: LV)

HĐND cũng cho rằng, cần rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm, cụ thể từng dự án theo quy định pháp luật về quy hoạch và xây dựng đối với các dự án xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng (đối với công trình phải có giấy phép xây dựng), vi phạm trật tự xây dựng.

“Không thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo đề nghị của chủ đầu tư khi chưa nghiên cứu, rà soát, báo cáo về sự phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; không xem xét đề xuất điều chỉnh dự án, tham gia đấu giá, đấu thầu để thực hiện dự án đầu tư khác đối với các chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật đầu tư, quy hoạch, đất đai, thuế, xây dựng mà chưa khắc phục các vi phạm, chưa chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền”, Nghị quyết nêu.

Để loại bỏ những dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả.

Từ đó, ngân sách thu được thêm, nhà đầu tư dự án bị “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng dự án cho người khác. Theo giải pháp này, việc xử lý các dự án treo sẽ dễ dàng và thuận lợi, không thể ùn tắc theo thời gian.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/ha-noi-ra-toi-hau-thu-voi-du-an-treo-109229.html

[ad_2]