[ad_1]

Trước khi chết Lưu Bị có nói rằng sau này không thể trọng dụng Triệu Vân, vì sao lại như vậy?
Ảnh: Dân Việt

Vào cuối thời Đông Hán, nước Thục có 2 nhân tài là “văn Gia Cát, võ Triệu Vân”, Triệu Vân là “thường thắng tướng quân”, sau khi đi theo Lưu Bị, tham gia vào các trận chiến như Bác Vọng, Trường Bản, Hán Thủy, và đều đạt được thành tích vượt trội.

Lưu Bị cũng đánh giá rất cao Triệu Vân, phong làm thái thú Quế Dương. Ngày thường ban thưởng cho Triệu Vân thì ông hay từ chối, ông cho rằng quốc gia còn chưa dẹp yên, bản thân làm sao có thể hưởng phúc được. Chiến công của Triệu Vân cao như vậy, Lưu Bị lại hết sức tín nhiệm, vậy vì sao lại không chịu trọng dụng Triệu Vân? Phải chăng Triệu Vân có khuyết điểm mà không ai biết? Hay là Triệu Vân không trung thành? Kỳ thực cũng đều không phải.

Lúc Tào Tháo cho quân xuống phía Nam, từng bức bách Lưu Bị phải bỏ trốn. Trận chiến Trường Bản, Lưu Bị vội vàng bỏ chạy, bỏ lại mọi thứ và đưa thuộc hạ rời khỏi. Trên đường chạy trốn chưa từng thấy bóng dáng của Triệu Vân, có thuộc hạ nhìn thấy Triệu Vân chạy về phía Tào Tháo, nhưng Lưu Bị tin chắc Triệu Vân sẽ không phản bội, Lưu Bị tin rằng, dù ông có bị thất thế thì Triệu Vân vẫn luôn ở bên cạnh ông.

Đúng như dự đoán, chỉ một lát sau Triệu Vân đã xuất hiện trước mặt Lưu Bị cùng với phu nhân và A Đấu (con của Lưu Bị), điều này làm cho Lưu Bị rất cảm động. Cho nên nguyên nhân Lưu Bị không trọng dụng Triệu Vân tuyệt đối không phải vì nhân phẩm Triệu Vân có vấn đề, vậy thì là vì sao? Kỳ thực nhìn tổng quát cả đời Triệu Vân, có 3 lý do quan trọng.

1. Triệu Vân không màng danh lợi

Lưu Bị chiếm Hán Trung và xưng vương, thuộc hạ và tướng lĩnh của ông đương nhiên sẽ nhận được nhiều phần thưởng và thăng chức. Duy chỉ có Triệu Vân là vẫn chưa nằm trong số các tướng lĩnh cao cấp, 3 năm sau Lưu Bị xưng Đế, các tướng lĩnh lại một lần nữa được phân phong, nhưng Triệu Vân vẫn cứ là Dực quân tướng quân, cho đến khi Lưu Thiện kế vị, Triệu Vân mới lên làm Chinh nam tướng quân.

Triệu Vân là người rất chính trực, tuy chức quan không cao nhưng lại có địa vị cao trong lòng người dân địa phương. Ông không mưu cầu lợi ích cá nhân, yêu dân như con, bình dị, khiêm tốn, trong thời chiến loạn trôi dạt khắp nơi mà lại được người dân ghi nhận thì đó là một thành tựu rất cao.

2. Triệu Vân làm hộ vệ quá lâu, tài năng quân sự không có cơ hội được thể hiện

Triệu Vân đảm nhiệm “chủ kỵ” trong quân, nói đơn giản thì chính là đội trưởng đội vệ binh, phụ trách bảo hộ Lưu Bị, giám sát binh mã của Lưu Bị. Từ điểm này có thể thấy, Lưu Bị rất tín nhiệm Triệu Vân, có thể đặt sự an nguy của mình vào tay Triệu Vân, từ đây có thể thấy Triệu Vân là người chính trực, ngay thẳng.

Chính việc làm hộ vệ đã ảnh hưởng đến tài năng quân sự của Triệu Vân, chủ soái không thể lúc nào cũng ở tiền tuyến, Triệu Vân tự nhiên sẽ có rất ít cơ hội thể hiện tài năng của mình, tài hoa trong trận Trường Bản của vị tướng quân này cũng vì vậy mà bị mờ nhạt dần.

Sau khi Lưu Bị lấy được Kinh Châu, Triệu Vân phụ trách bảo vệ an toàn ở hậu phương, việc bảo vệ cơ quan chính trị được giao lại cho thuộc hạ của Triệu Vân, vừa thống lĩnh “Trung hộ quân”, vừa phụ trách thống soái cấm vệ quân, nói trắng ra là trông nhà.

Có một người tài năng như vậy giữ nhà thì Lưu Bị cũng yên tâm hơn ở tiền tuyến. Rời xa trận chiến, Triệu Vân tự nhiên sẽ không được thăng chức nhanh, mất đi cơ hội để lập thêm chiến công, tài năng của Triệu Vân thì cũng chỉ có Lưu Bị biết mà thôi.

3. Triệu Vân vốn không muốn tham gia chính trị

Từ xưa, chốn quan trường vẫn luôn chứa đầy những thứ mờ ám mà không muốn cho ai biết, tính cách của Triệu Vân vốn không thích tranh luận, ông đi theo Lưu Bị vào chốn dầu sôi lửa bỏng là để cứu thiên hạ bách tính, chứ không phải là để truy cầu danh lợi. Lưu Bị từng phân đất phong hầu trong nước Thục, chỉ có Triệu Vân ra mặt phản đối, ông đề nghị ngay lúc lòng dân bất ổn không nên phân đất phong hầu, quan tâm đến cảm nhận của bách tính, ngôi vị như thế mới có thể bền lâu.

Lưu Bị cũng là từ lê dân bách tính từng bước đi lên, ông đương nhiên hiểu đạo lý, nhưng huynh đệ của ông vào sinh ra tử giành thiên hạ, lẽ nào lại không phân đất phong hầu. Triệu Vân không hiểu việc này, nên Lưu Bị phải cân nhắc. Nguyên nhân không trọng dụng Triệu Vân không phải là Triệu Vân không muốn tham gia chính trị, mà là Triệu Vân không thích hợp để tham gia chính trị.

Lời kết

Triệu Vân là người chính trực, một lòng vì bách tính quyết không sai khác, nhưng đánh lấy thiên hạ dù sao cũng không phải là bách tính, tướng lĩnh quân sĩ xung quanh đều cần phải chú ý an bài cẩn thận. Triệu Vân không màng danh lợi, đem lợi ích quốc gia và bách tính đặt lên trên cùng, đã chú định là không thể nào cùng với tướng soái của Thục Hán phối hợp, Lưu Bị hiểu rõ hành động và suy nghĩ của Triệu Vân thì không có nghĩa là người khác cũng có thể hiểu được, trọng dụng Triệu Vân nhất định sẽ làm rối loạn trong quân. Vì để tránh phiền toái về sau, Lưu Bị đã chọn cách là không trọng dụng.

Triệu Vân nhờ cá tính chính trực của mình mà được bách tính yêu mến. Ông không phải là không ưu tú mà là quá ưu tú, cố chấp mà lại ngay thẳng, nhưng ông không đủ khéo léo để phối hợp với người khác, nên cũng không thể chiếm được một vị trí trong các tướng lĩnh cấp cao.

Tiểu Phàm biên dịch
Theo: Hạ Vũ Hà – Aboluowang

Xem thêm

[ad_2]