[ad_1]
Người ôm chí lớn thường là người rất kỷ luật. Những người tự kỷ luật vừa đáng khâm phục lại vừa đáng kính. Nếu là bạn bè, họ sẽ là tấm gương cho bạn học hỏi. Nếu là bậc trưởng bối, họ sẽ là động lực cho bạn thêm cảm hứng hoàn thiện mình.
Trước đây tôi từng nghĩ nhân sinh khổ đoạn, thế sự vô thường, nên chỉ muốn tận hưởng niềm vui trước mắt. Cuộc sống tươi đẹp này quá ngắn ngủi, giờ không tận hưởng, chết rồi chẳng phải uổng phí sao? Hôm nay có rượu ta say đã, người chẳng phong lưu uổng thanh xuân. Cho đến sau này, tôi dần dần phát hiện ra rằng mỗi một hành vi vô kỷ luật đều là tự làm khổ bản thân mình.
Không cam chịu làm nô lệ của ham muốn tầm thường, tự kỷ luật sẽ thúc đẩy chúng ta sống tích cực và thành công hơn.
Vì sao cần phải tự kỷ luật?
Hầu hết chúng ta chỉ nhìn kết quả thành công của người khác mà bỏ quên nỗ lực đằng sau thành công đó.
Có thể bạn cho rằng: Những người giữ nguyên tắc đến tận xương tủy, xem chừng thật là nhàm chán! Khi người ta xúng xính rong chơi vui vẻ thì họ kiếm một chỗ vùi đầu đọc sách. Khi người ta rủ nhau thưởng thức của ngon vật lạ thì họ lại đổ mồ hôi như mưa trong phòng tập thể hình. Ngày cuối tuần, người ta lười biếng ngủ nướng đến tận trưa thì họ vẫn kiên trì như mọi ngày: Dậy sớm, chạy bộ, đọc sách, làm việc… Người như vậy thật chẳng có gì thú vị, thậm chí cứ như là đang ngược đãi bản thân vậy, cuộc sống cũng chẳng còn chút thoải mái, tự do nào.
Nhưng sự thật là người tự kỷ luật lại tự do hơn nhiều so với người vô kỷ luật.
Nếu một người chỉ luôn làm những gì mình muốn, coi trọng hưởng thụ mà không biết nỗ lực, người khác chơi họ cũng chơi, người khác làm việc họ vẫn còn phóng túng bản thân… thì rõ ràng họ không có trách nhiệm với bản thân mình. Hiện tại dường như là tự do, nhưng một ngày kia, họ sẽ phát hiện rằng mình đã trì trệ quá lâu, không còn theo kịp những người biết kỷ luật nữa rồi.
Khoảng cách giữa người biết kỷ luật và người không kỷ luật là rất tinh tế. Một ngày, hai ngày có thể bạn sẽ không nhìn ra. Một tháng, hai tháng e rằng vẫn chưa thể nhận ra. Nhưng một năm, hai năm, thậm chí mười năm, hai mươi năm, chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng. Người tự kỷ luật và người không kỷ luật cuối cùng rồi sẽ đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau.
Càng tự kỷ luật, lời nói càng có trọng lượng, đường đời càng thành công và cuộc sống càng hạnh phúc
Người vô kỷ luật vui vẻ với những thú vui hời hợt tầm thường, trong khi người tự kỷ luật lại hiểu rõ bản thân thực sự mong muốn gì. Cho nên họ sẽ không để thời gian và năng lượng phung phí vào những thứ vô nghĩa. Họ thực sự sử dụng mảnh thời gian quý báu để hoàn thiện chính mình, tương lai sẽ đạt được những điều đáng giá thật sự.
Rất nhiều người chỉ biết kỷ luật trên miệng, nhưng người thật sự kiên trì bằng hành động thì lại rất hiếm hoi. Giống như trèo lên một ngọn núi cao hiểm trở, càng gần sát đến đỉnh càng còn lại ít người cắn răng kiên trì tiến tiếp.
Có thể kiên trì được, đó chính là kỷ luật.
Tác gia Haruki Murakami bắt đầu viết từ năm 30 tuổi, đến nay ông đã viết gần 40 năm, sáng tác một lượng lớn tác phẩm kinh điển nổi tiếng cả trong và ngoài Nhật Bản.
Haruki Murakami có thói quen chỉ viết 4.000 từ mỗi ngày, 400 từ một trang, và khi viết được 10 trang thì dừng lại.
Ngoài ra, mỗi ngày ông đều dành một giờ để chạy bộ, ngày nào cũng đều đặn như vậy. Nhờ đó ông có năng lượng để tiếp tục tạo nên những tác phẩm xuất sắc.
Tính kỷ luật của các ông lớn trong lĩnh vực thương mại lại càng đáng nể hơn. Một vị tỷ phú danh tiếng của châu Á là một người như thế. Mặc dù đã là một ông chủ thành danh, nhưng ông vẫn học tập không ngừng, ngày nào cũng kiên trì xem truyền hình bằng tiếng Anh, không chỉ xem mà còn học nói theo vì ông sợ rằng không học tập thì chính mình sẽ lạc hậu. Ngoài ra ông vẫn luôn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Một vị tỷ phú bên kia trái đất là Bill Gates cũng đặc biệt yêu thích đọc sách. Suốt mấy chục năm qua ông đều kiên trì mỗi tuần đọc xong ít nhất hai cuốn sách. Phải yêu cầu bản thân nghiêm khắc, ông mới duy trì được thói quen ấy thường hằng.
Không phải người xuất sắc mới tự kỷ luật mà là tự kỷ luật rồi mới trở thành người xuất sắc
Những người có thể chân chính vươn đến đỉnh cao, chắc chắn luôn là người chuyên tâm dồn chí, luôn luôn kiên trì tiến lên phía trước.
Muốn đạt thành công không thể đi đường gần, nhưng lại không thể hấp tấp vội vàng, mỗi bước đi hãy luôn là những bước chắc chắn. Chân chính tự kỷ luật, chúng ta có thể trở thành hình tượng mà mình yêu thích, sống cuộc sống mà mình mong muốn.
Thay vì để những giấc mơ bị bóp nghẹt trên giường, hãy tự yêu cầu bản thân dậy sớm và nỗ lực trong tất cả mọi việc, tương lai đón chờ bạn sẽ là một tâm hồn tự do và cuộc sống hạnh phúc.
Càng chăm chỉ, càng nỗ lực, càng kỷ luật, càng xuất sắc. Đây chính là lý do vì sao chúng ta nên tự kỷ luật bản thân mình.
[ad_2]