[ad_1]
Manh nha từ năm 1990, đến nay, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không những rơi vào trì trệ mà còn lùi xa so với giai đoạn xuất phát. Chẳng những không đủ về lượng theo mục tiêu đã đề ra, nhiều chuyên gia, nhà quản lý còn nhận định cổ phần hoá thời gian qua không đảm bảo về “chất”…
Theo báo cáo “Cải cách, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) công bố, quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước sau khi đạt tới đỉnh điểm năm 2004-2005 thì bắt đầu chậm dần.
Giai đoạn 2008 – 2011, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế nên cổ phần hoá giảm tốc. Cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng được đẩy mạnh hơn trong giai đoạn 2012-2015.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016-2021, nền tảng vĩ mô ngày càng được củng cố, kinh tế lấy lại đà tăng trưởng song quá trình cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ngày càng “hụt hơi”. Thậm chí, năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ có 4 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá.
ĐIỂM NGHẼN TỪ ĐẤT ĐAI VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” vừa được tổ chức ở Hà Nội, hàng chục đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đều nhận định lực cản lớn nhất của quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021 chính là đất đai và định giá doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hoá trong danh mục của Chính phủ là doanh nghiệp lớn có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, sở hữu nhiều đất đai. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, Nhà nước đang tiến hành siết chặt kỷ cương trong quản lý kinh tế, nhiều cán bộ lợi dụng cổ phần hoá để chiếm đoạt tài sản nhà nước bị pháp luật xử lý. Vì vậy, những người quản lý và đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước thường có tâm lý thận trọng hơn trong cổ phần hoá để đảm bảo an toàn.
Nhìn lại chặng đường cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hàng chục năm qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét: “Đáng chú ý là sự thất thoát tài sản công, ví dụ như đất đai trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không chỉ bị định giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, “tư nhân hoá ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá”.
Theo ông, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường.
Do đó, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến thường trực Hội đồng nhân dân và không báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.
Trên thực tế, sau khi nhiều sai phạm đất đai trong cổ phần hoá, thoái vốn được pháp luật xử lý, đến nay, nhiều đơn vị né việc này.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đa số các doanh nghiệp nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hoá mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hoá. Sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn rất chậm, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Sau đất đai, định giá doanh nghiệp cũng là một vấn đề cản trở tiến trình cổ phần hoá thời gian qua.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính, cho rằng về lý thuyết cũng như trên thực tế, rất khó để xác định giá trị của doanh nghiệp một cách chính xác, bởi các yếu tố làm cơ sở cho việc định giá như lãi suất, triển vọng kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp… luôn biến động theo thời gian và phải ước tính, dự báo. Hơn nữa, giá bán vốn cổ phần của Nhà nước còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Theo TS. Độ, chính vì khó xác định chính xác giá trị doanh nghiệp cũng như giá bán vốn của Nhà nước, các cấp quản lý luôn thận trọng trong việc phê duyệt các phương án cổ phần hoá, do lo ngại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu kết quả cổ phần hoá bị coi là không thành công như kỳ vọng. “Nỗi lo trách nhiệm càng được nhân lên khi các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến cổ phần hoá còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Điển hình là các cơ chế chính sách trong việc định giá các tài sản như đất đai, thương hiệu”, chuyên gia đến từ Học viện Tài chính nói.
NGẠI CỔ PHẦN HÓA VÌ MINH BẠCH?
Ngoài hai chướng ngại vật lớn nhất là đất đai và định giá, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhà nước hiện nay không có nhiều động lực để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá. Bởi lẽ, họ vẫn đang hoạt động có lãi nhờ được độc quyền trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; nhờ các lợi thế về đất đai, tài nguyên… cũng như đơn đặt hàng của Nhà nước.
Khi cổ phần hoá, doanh nghiệp nhà nước buộc phải tuân thủ các yêu cầu về công bố thông tin, công khai minh bạch chặt chẽ hơn. Như vậy, nhiều yếu kém của doanh nghiệp có thể bị lộ diện và chịu sự giám sát gắt gao hơn của dư luận. Điều này cũng làm giảm động lực cổ phần hoá của các doanh nghiệp nhà nước.
Ở góc độ cá nhân, cổ phần hoá sẽ khiến quyền lực của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị giảm khi có sự tham gia và kiểm soát của các cổ đông ngoài nhà nước: “Cổ phần hoá có thể khiến một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị thiệt hại về lợi ích kinh tế, vì mặc dù thu nhập chính thức không cao, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể thu lợi thông qua việc chuyển đơn hàng, lợi nhuận sang các công ty sân sau”, TS. Nguyễn Đức Độ nói về sự mờ ám trong làm ăn, khiến cổ phần hoá bị tắc.
Cùng đó, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn chỉ ra công tác cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua chưa đảm bảo về chất. Câu chuyện hiệu quả hoạt động doanh nghiệp hậu cổ phần hoá chưa được quan tâm đúng mức.
Mục tiêu của cổ phần hoá là khiến cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn. Lý tưởng thì sau khi cổ phần hoá, công ty phải tạo thêm được công ăn việc làm, sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ có chất lượng cao hơn với giá thấp hơn cho người tiêu dùng trong nước.
Song, theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, một số doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá thì tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ còn cao nên hoạt động sau cổ phần hoá chưa có thay đổi nhiều về quản trị điều hành cũng như hiệu quả hoạt động. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thụt lùi sau khi cổ phần hoá, điển hình như Tổng Công ty cổ phần lương thực miền Nam, Tổng Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng…
Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hoá không tiếp tục duy trì việc làm cho lực lượng lao động đã được đào tạo. Có thực trạng, nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng của doanh nghiệp hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khi đã nắm được doanh nghiệp thì tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh kiếm lời, không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Song song với đó, tình trạng doanh nghiệp chây ì đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán hậu cổ phần hoá còn phổ biến. Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn công bố thông tin theo kiểu chống chế, tạo rào cản cho toàn xã hội giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này
Nguồn: https://vneconomy.vn/vi-sao-co-phan-hoa-va-thoai-von-nha-nuoc-hut-hoi.htm
[ad_2]