Được định hướng là đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội, nằm trong lõi đô thị TP.Bắc Ninh trực thuộc Trung ương, trong tương lai, Từ Sơn sẽ giữ vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ và là một trong số các “đầu tàu và hạt nhân” thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

Nở rộ các khu công nghiệp, đô thị

Từ Sơn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Đây là nơi phát tích vương triều Lý – triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt.

Trong phát triển kinh tế – xã hội, TP.Từ Sơn đang thể hiện sức bật mạnh mẽ từ sản xuất công nghiệp – xây dựng, chiếm hơn 93% trong cơ cấu kinh tế. 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung hiện đại: KCN VSIP Bắc Ninh, KCN Tiên Sơn, KCN Hanaka và 9 cụm công nghiệp, dịch vụ làng nghề như: Đồng Kỵ, Tương Giang, Dốc Sặt… đã tạo ra một nhịp sống sôi động, nhộn nhịp và sầm uất ở nhiều khu phố.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở Từ Sơn là 175,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với cả nước là 3,49 lần. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình giai đoạn 2018-2020 là 0,93%.

Đánh giá về sự phát triển của Từ Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh – Đào Hồng Lan nhận định, sau 13 năm từ huyện trở thành thị xã (2008-2021), diện mạo và chất lượng đô thị trẻ Từ Sơn được hình thành năng động, hiện đại, trở thành trung gian kết nối giữa Bắc Ninh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Từ Sơn từ làng lên phố (bài cuối): Sức vươn của thành phố trẻ - Ảnh 1.

Phố chợ Kinh Bắc nằm đối diện chợ Giầu, TP.Từ Sơn. Ảnh: Khương Lực

“Về với Từ Sơn, chúng ta thấy có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, nhiều khu đô thị khang trang, khu công nghiệp hiện đại, nhiều làng nghề vẫn lưu giữ được nét truyền thống, đời sống của người dân được nâng cao, an sinh phúc lợi được chú trọng, an ninh, trật tự được đảm bảo…”.

Ủy viên Bộ Chính trị,

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

TP.Từ Sơn là 1 trong 2 đô thị lớn của tỉnh Bắc Ninh giữ vai trò liên kết giữa đô thị Bắc Ninh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trên địa bàn Từ Sơn, có nhiều tuyến giao thông huyết mạch huyết mạch quan trọng, kết nối các tỉnh trong vùng, các đô thị, các trung tâm phát triển kinh tế của cả nước. Qua đó, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông và phát triển các KCN hiện đại, những đô thị khang trang….

Với việc chính thức trở thành TP.Từ Sơn từ 1/11/2021, cùng với lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dư địa để phát triển những khu đô thị khang trang, sạch đẹp và dịch vụ, thương mại đang mở ra rất lớn, đặc biệt khi kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm, xây dựng hoàn chỉnh.

Nói về vấn đề giá đất tăng cao trước thông tin Từ Sơn lên thành phố thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Thành ủy Từ Sơn Lê Xuân Lợi thông tin, thời điểm tháng 5/2021, giá đất trên thị trường, trong đó Từ Sơn cũng là một trong địa phương có việc tăng giá đất ảo. Để chấn chỉnh, lãnh đạo thị xã Từ Sơn lúc đó đã chỉ đạo tất cả các cơ quan chuyên môn, đặc biệt chủ các dự án và tại các phường phải công khai quy hoạch của dự án.

“Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư dự án thông báo cho bà con nhân dân biết được là việc giá đất, giá trị của khu đô thị đắt không phải do đất ảo đưa lên mà do đầu tư hạ tầng của chủ đầu tư vào khu vực này. Họ đầu tư hạ tầng rất hiện đại, đẹp, đáp ứng được các tiêu chí của đô thị thì giá đất đô thị sẽ tăng lên” – ông Lợi nói.

Hướng tới đô thị “vệ tinh” xanh, sạch, đẹp

Trong câu chuyện trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Đảng ủy phường Đình Bảng, TP.Từ Sơn cho biết, qua lấy ý kiến ở các khu phố, người dân đồng tình ủng hộ rất cao. “Nhân dân Từ Sơn mong muốn khi lên thành phố thì hạ tầng cơ sở, quản lý cấp thành phố sẽ khác đi” – ông Hải nhấn mạnh.

Từ Sơn từ làng lên phố: Sức vươn của thành phố trẻ

Thành phố Từ Sơn đã và đang hình thành những khu phố, khu đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Khương Lực

Hai vấn đề ông Hải mong muốn có sự thay đổi, cải thiện lớn khi Từ Sơn trở thành thành phố, đó là: Phường Đình Bảng còn nhiều diện tích đất nông nghiệp (380ha) nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông phải “đi trước” nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa nhanh hơn. Cùng với đó là việc sớm chuyển đổi, di dời một số cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

“Như ở Đình Bảng, có cụm công nghiệp Mả Ông – sản xuất sắt thép – tốc độ ô nhiễm môi trường rất lớn và hiện nay còn xí nghiệp gạch ngói cũ, tồn tại từ những năm 1960 đến nay. Người dân trên địa bàn mong mỏi chuyển đổi công nghiệp sản xuất mang tính chất ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố” – ông Hải đơn cử.

Dự kiến, khi quá trình công nghiệp, đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất nông nghiệp ngày một thu hẹp. Tuy nhiên, trước khi chuyển đổi sang đất công nghiệp, đô thị thì việc quan tâm, đầu tư hạ tầng cho phát triển nông nghiệp đô thị sẽ được tính toán như thế nào cho hợp lý?

Ông Ngô Sỹ Dũng – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn, phường Tam Sơn TP.Từ Sơn cho biết, phường Tam Sơn có 500ha lúa, trong đó chủ yếu là đặc sản nếp nhung với sản lượng từ 4.200-5.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 40 tỷ đồng. Vì thế, ông mong muốn thành phố quan tâm nhiều hơn tới nông dân sản xuất lúa, nhất là đầu tư hạ tầng cho giao thông, thủy lợi nội đồng và nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm.

Liên quan đến câu chuyện môi trường, Bí thư Thành ủy Từ Sơn -Lê Xuân Lợi cho biết, thành phố sẽ cho rà soát, đánh giá môi trường của các làng nghề, trong đó có một số cụm công nghiệp làng nghề sát khu dân cư. “Chúng tôi đã có đề án đề nghị điều chỉnh quy hoạch, đưa các cụm công nghiệp làng nghề sát khu dân cư di dời ra các vị trí phù hợp, để chuyên đổi thành đô thị. Từ đó, tạo được môi trường tốt hơn cho đô thị của thành phố Từ Sơn” – ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, tại các khu vực làng nghề, TP.Từ Sơn đã có đề án về xử lý môi trường, rác thải, trong đó, đặc biệt khi sản xuất thì phải đưa vào cụm công nghiệp, không sản xuất tại các hộ gia đình ở khu dân cư. Cùng với đó, TP.Từ Sơn sẽ quy hoạch để tiến hành lập đề án tạo cảnh quan môi trường, trồng nhiều cây xanh để xây dựng thành phố mới cũng là thành phố trẻ, thông minh, xanh, sạch, đẹp.