Đổi đời nhanh chóng
Đến Phù Chẩn, giờ ít thấy cảnh nông dân “chân lấm tay bùn”. Ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Nguyễn Đình Hưng (ở khu phố Doi Sóc, phường Phù Chẩn) có vẻ thong dong, nhàn nhã. Từ ngày đất ruộng bị thu hồi làm khu công nghiệp, đô thị, vợ chồng ông Hưng chuyển nghề sang nướng thịt, vịt quay bán cho người dân, công nhân thuê trọ. Với công việc này, hàng ngày hai vợ chồng ông kiếm được chừng 300.000-400.000 đồng, cộng với tiền thuê 2 phòng trọ, mỗi tháng cho thu khoảng 15 triệu đồng.
“Ở trong khu phố, thu nhập của gia đình tôi chỉ ở loại trung bình, nhiều hộ kiếm 700.000-800.000 đồng/ngày” – ông Hưng nói.
Nhớ lại thời vợ chồng làm gần 1 mẫu ruộng, ông Hưng cho biết, cuộc sống khá lam lũ vất vả: “Như vợ tôi làm ruộng thì phải lo đi ủ mạ, che mạ, rồi làm đất, cấy hái…, chân tay bị nứt nẻ hết. Khi công nghiệp về làng, cuộc sống đã thay đổi, vợ tôi có thời gian đi tập thể dục đẹp người, da dẻ hồng hào”.
Đến thời điểm hiện tại, TP.Từ Sơn cùng với TP.Bắc Ninh là hai địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 100% (toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã là phường).
Năm 2008, khu công nghiệp (KCN) VSIP Bắc Ninh được xây dựng và trải qua 13 năm đã biến Phù Chẩn từ một xã thuần nông đổi đời một cách nhanh chóng và nay đã trở thành phường của TP.Từ Sơn. Với lợi thế nằm cạnh KCN VSIP Bắc Ninh, phường Phù Chẩn đã thu hút trên 10.000 công nhân đến ở, thuê trọ – đông hơn cả người dân sở tại.
Sự đông đúc, nhộn nhịp sớm tối của lượng lớn công nhân đã khiến các các hoạt động kinh doanh – dịch vụ nở rộ. Hàng hoạt các khu nhà cao tầng, các quán ăn, dịch vụ… được xây để phục vụ hoạt động thuê trọ, kinh doanh, buôn bán. Những nông dân ngày nào giờ đã trở thành chủ hộ kinh doanh phòng trọ, chủ những cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ thương mại hoặc làm công nhân trong các nhà máy tại một trong những KCN nhộn nhịp nhất tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Ông Nguyễn Phương Khoa – Bí thư Chi bộ khu phố Doi Sóc cho biết, trước năm 2008, phần lớn nhà cửa trong khu phố đều là nhà cấp 4, có vài nhà là nổi trội lắm. Đến nay, tất cả đều là nhà, được xây dựng khang trang, rộng rãi. Con em đến tuổi lao động thì vào nhà máy, xí nghiệp làm việc với thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/tháng.
“Tại khu phố Doi Sóc hiện có 230/750 hộ xây dựng phòng trọ cho công nhân thuê, 1/3 số nhân khẩu có lương, chế độ chính sách và các hộ có kinh doanh ở mặt đường nên đời sống nhân dân phát triển rất tốt” – ông Khoa nói.
Theo UBND phường Phù Chẩn, trên địa bàn phường có gần 1.000/2.325 hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng trên 5.600 phòng trọ cho công nhân thuê và trên 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải kho bãi, thương mại. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn rất ít, khoảng 28.73ha.
Niềm vui từ “cú nhảy đúp”
Năm 2021 là một năm rất đặc biệt đối với người dân ở phường Phù Chẩn, đó là 2 lần “đổi đời” liên tục cách nhau không xa. Ngày 1/2/2021, xã Phù Chẩn cùng với 4 xã là: Hương Mạc, Phù Khê, Tam Sơn, Tương Giang chính thức được công nhận thành phường của thị xã Từ Sơn theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến ngày 1/11/2021, người dân phường Phù Chẩn lại được “nâng đời” thành thị dân của TP.Từ Sơn.
Ông Lê Nguyên Hà – Chủ tịch UBND phường Phù Chẩn chia sẻ, khi từ xã lên phường, rồi từ phường của thị xã lên phường của thành phố, bà con rất vui mừng, phấn khởi. Thời điểm mới lên phường, thị xã Từ Sơn đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng, nâng cấp các tuyến đường và cải tạo nhà văn hóa. Đồng thời cải tạo, xây dựng các điểm trường, đáp ứng cơ sở vật chất cho các thầy, trò dạy và học.
Khi Từ Sơn lên thành phố, theo ông Hà, cơ sở hạ tầng và không gian công cộng sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư xây dựng. “Địa phương đang thực hiện quy hoạch Trung tâm thể thao của phường rộng 3ha và chợ dân sinh ở các khu phố. Trong giai đoạn 2021-2025, phường sẽ đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa ở các khu dân cư cho bà con sinh hoạt động đồng” – ông Hà thông tin.
Từ xã lên phường sẽ có rất nhiều thay đổi, một trong số đó là việc đảm bảo an ninh, trật tự đô thị. Theo đó, tất cả những điểm bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường, treo bảng, biển không đúng quy định sẽ bị xem xét xử lý. Cùng với đó, các mô hình đảm bảo an ninh trật tự cũng được triển khai nhằm giữ bình yên cho các khu phố.
Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự ở khu phố, ông Nguyễn Phương Khoa cho biết, hiện nay tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu phố tương đối ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn khu phố có khoảng 10 quán karaoke, có lúc vẫn hoạt động quá giờ, rồi tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm… Những yếu tố này đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự rất lớn.
Một trong những mong mỏi khác của chính quyền, người dân phường Phù Chẩn đó là việc giao đất dân cư dịch vụ cho người dân. Đây là quyền lợi chính đáng khi người dân bị thu hồi đất làm KCN, đô thị, nhưng chưa được giải quyết kịp thời.
“Nhân dân nhìn thấy khung cảnh ở các khu đô thị đẹp quá, đường to, cây cối xanh mát, nhà sạch thì cũng rất muốn lãnh đạo xem xét, giải quyết nhanh đất dân cư dịch vụ để người dân xây dựng nhà ở, kinh doanh dịch vụ” – ông Khoa kiến nghị.