[ad_1]

Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá bởi nó như phòng tuyến quan trọng cho “trận đánh” lạm phát…

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia

Tại phiên thảo luận tổng thể Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, đã có những đánh giá về chính sách tiền tệ thời gian qua của Việt Nam.

Theo ông Phước, lạm phát toàn cầu là một hiện tượng rất phổ biến thời gian qua. Đối với Việt Nam, yếu tố lạm phát chưa quá đáng ngại bởi tỷ giá, lãi suất, cung tiền đang được điều hành tốt.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc để tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% từ đầu năm đến nay và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam đã bị ngừng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

“Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào”, ông Phước nói.

Tỷ giá trung tâm trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: Wichart
Tỷ giá trung tâm trong 1 năm trở lại đây. Nguồn: Wichart

Về lãi suất, ông Phước cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh tăng lãi suất với 3 mục tiêu chính.

Thứ nhất, khi lãi suất tăng lên, tức giá tiền tệ tăng lên thì cầu giảm. Điều này giúp thực hiện mong muốn hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao.

Thứ hai, làm dịu bớt thị trường lao động hết sức nóng. Bởi lẽ, sau đại dịch Covid-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động, đồng thời chống được lạm phát thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải. Đó là, giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng.

Thứ ba, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. Hay hiểu đơn giản, tăng lãi suất làm cho tỷ giá giảm xuống.

Hiện tại, lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát kỳ vọng thì ra lãi suất thực dương của Việt Nam vẫn rất cao. Trong khi đó, nếu Mỹ tăng lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4%/năm thì ông Phước đánh giá “không ổn”.

“Ngân hàng Nhà nước nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VND”, ông Phước khuyến nghị.

Về cung tiền, ông Phước cho rằng ở Việt Nam đang chưa phải tăng lãi suất do công cụ hạn mức tín dụng vẫn phát huy được hiệu quả. Do đó, hạn mức tín dụng cần phải duy trì trong một thời gian nữa. “Chừng nào lạm phát tại Việt Nam và thế giới thật sự ổn định thì hãy tính đến việc bỏ hạn mức tín dụng”, ông Phước nói.

Cũng tại phiên thảo luận trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới đang có những biến động rất phức tạp, khó lường và đầy rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất hiện nay tại nhiều quốc gia là tình trạng giá cả, lạm phát leo thang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại Phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại Phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022.

Nhiều ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương đã tăng nhanh lãi suất, dẫn đến nguy cơ suy thoái. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất.

“Hiện nay, lạm phát trong nước hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực trong năm 2023 là khá lớn và không thể chủ quan với rủi ro này. Dưới góc độ của cơ quan quản lý vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tín dụng”, Phó Thống đốc nói.

Về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc cho rằng áp lực cung ứng vốn cho quá trình phục hồi kinh tế hiện rất lớn, nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Trên thực tế, chỉ tiêu này cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả 2 năm 2020-2021 (lần lượt là 12,17% và 13,61%).

Và kết quả tín dụng, trong hơn 8 tháng đầu năm 2022 con số này tăng nhanh so với cùng kỳ nhiều năm trước, phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế và tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này.

“Trong bối cảnh nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đồng bộ, linh hoạt, hài hòa tất cả các công cụ, giải pháp để đảm bảo thực hiện được mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, các công cụ, giải pháp điều hành đều có tính chất ngắn hạn nên không thể thay thế cho các nguồn vốn và giải pháp, chính sách có tính dài hạn”, ông Hà nói.

Từ tình hình nêu trên, Phó Thống đốc khẳng  rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng đảm bảo không chủ quan với lạm phát và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Nguồn: https://vneconomy.vn/ts-truong-van-phuoc-ty-gia-la-phong-tuyen-song-cau-neu-vo-thi-lam-phat-se-tran-vao.htm

[ad_2]