[ad_1]

“Trong vạn vật cây cỏ sinh ra đã mềm yếu, chết đi lại khô cứng”

Người ta thường nói rằng “Cây cỏ vô tình”, là loại vô tri, không cảm xúc. Nhưng đã bao giờ bạn thử nghĩ, nếu chúng vô tình thật thì vì sao mỗi khi nhìn ngắm hoa cỏ người ta lại tìm thấy sự thanh bình, tự tại trong tâm? Có ai ngắm một vật vô tri mà cảm nhận thấy được cái đẹp không?

Cỏ cây, xét đến cùng, cũng là một loại sinh mệnh. Từ lâu, các nhà khoa học cũng đồng ý rằng cây cũng có thần kinh và cảm giác giống con người. Đã vậy thì chắc hẳn thứ sinh mệnh ấy cũng phải mang một phẩm chất, một đức hạnh nào đó, quyết không phải là vật vô tri giác.

1. Không có dục vọng

Cỏ dù ở nơi đồng không mông quạnh hay mọc trên sườn núi, dù ở bờ biển hay thung lũng, dù ở bên nhành hoa, hay núp dưới bóng cây, dù có người chiêm ngưỡng hay không ai biết đến thì cũng luôn mang tâm thái an nhiên tự tại.

Cỏ ngước đầu nhìn mặt trời mọc, cúi đầu nghe mưa rơi thì thầm, thư thái nhìn sắc mây, nhảy múa cùng thần gió, vui đùa cùng tiếng chim kêu, sống đời hạnh phúc, bởi “cỏ không thơm cũng tụ lại với nhau”.

Từ sớm tới khuya, cỏ không bao giờ biết tới cô đơn, hay âu lo, quanh năm suốt tháng cũng không biết thế nào là phiền não hay so đo được mất…

2. Kiên cường bất khuất

Cỏ, dù yếu đuối, mềm mại nhưng lại có một sức mạnh không gì có thể khuất phục được. Sức mạnh này giống như những câu ca trong một bài hát rằng:

“Gió lớn thổi, lắc lắc đầu. Gió ngừng rồi, lại dừng lắc, ngước đầu lên, đứng thẳng chân. Không sợ gió, không sợ mưa, lập chí phải cao xa, cỏ nhỏ nhưng quả thực không hề nhỏ”.

Kỳ thực đâu chỉ có vậy. Bạch Cư Dị có câu thơ rằng: “Dã hỏa thiêu bất tận, Xuân phong xúy hựu sinh” (Lửa hoang thiêu không tận diệt, gió xuân thổi cỏ lại mọc lên).

Sức mạnh bất khuất đó của cỏ khiến con người thực sự bội phục. Tăng Củng trong bài “Thành Nam” viết: “Nhất phiên đào lê hoa khai tận, duy hữu thanh thanh thảo sắc tề’”(Một lượt hoa đào hoa hoa lê đã nở hết, duy chỉ có cỏ xanh vẫn biếc một màu).

Cỏ còn khiến người ta xúc động sâu sắc, Tô Thức viết: “Chi thượng liễu miên xúy hựu thiểu, thiên nhai hà xứ vô phương thảo” (Trên cành liễu rủ khẽ đung đưa, chân trời nơi nào mà chẳng có hương cỏ thơm).

3. Sự kiên định

Dù cho sống nơi đất màu hay ruộng cạn, dù mọc thẳng bờ tường hay cắm rễ nơi đỉnh núi, đất tốt cũng là đất của cỏ, mà đất cằn cũng là đất của cỏ. Dù đất phì nhiêu hay bạc màu, dù nhiều hay ít, lúc nào cỏ cũng không rời xa đất, vẫn mãi kiên trì từng phút từng giây.

Dù Thần gió có mời cỏ đi ngao du, cỏ cũng chỉ lắc đầu, dù cho mưa khuyên ngăn, cỏ cũng mặc cho mưa vùi dập. Trước sau cỏ vẫn bám chặt rễ của mình, không lay chuyển, kiên định chí hướng, không hề đổi thay.

Sự kiên định của cỏ còn ở màu sắc của mình. Dù là buổi bình minh hay thời khắc hoàng hôn thì cỏ cũng chẳng đổi thay màu. Màu sắc ấy không tàn phai dù trời trong nắng đẹp hay biển trời mù mịt, dù được chiêm ngưỡng hay bị chà đạp. Thậm chí dẫu chỉ còn một cọng cỏ, còn nửa chiếc lá, cỏ cũng vẫn không đổi màu.

4. Chữ tín

Cỏ sinh ra dẫu lặng im không nói lời nào nhưng vẫn luôn giữ chữ tín, nguyện làm hoa tiêu, báo hiệu trong thầm lặng. Khi trăm cỏ mượt mà, tươi tốt chính là lúc báo hiệu mùa Xuân đang tới. Khi “Cỏ xanh rì không nơi nào không nghe tiếng ếch kêu” (Thảo thâm vô sở bất minh oa – Lăng Du), cỏ lại báo hiệu mùa Hè sắp đến.

Khi “Cỏ cây rơi rụng sương bám thành giọt” (Thảo mộc diêu lạc lộ vi sương – Tào Phi) cỏ báo hiệu gió Thu về. Khi “Cây cỏ gầy xác xơ” (Thảo mộc tận kiên sấu – Tô Thức) cỏ lại báo hiệu mùa Đông sắp tới. Nếu ở sa mạc thì cỏ báo hiệu có nước cứu mạng, nếu ở núi cao, biết đâu cỏ lại báo hiệu nơi ấy có chôn làng.

Dù bạn đối tốt hay ngược đãi, cỏ vẫn vậy, đều đối đãi với bạn bằng một tấm lòng lương thiện, nâng bước chân bạn, làm đệm để bạn ngả lưng. Đó gọi là “Với kẻ thiện ta thiện đãi họ, với kẻ bất thiện ta cũng thiện đãi họ, đó gọi là đức thiện” (Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, thiện dã – Đạo Đức Kinh, Lão Tử).

Đức hạnh ấy của loài cây cỏ thực khiến cho con người phải suy ngẫm. Nhà thơ nổi tiếng đời Đường, Trương Cửu Linh có một câu thơ rằng: “Cây cỏ cũng có thiện tâm, há chi phải cầu bậc mỹ nhân tới hái” (Thảo mộc hữu bổn tâm, hà cầu mỹ nhân chiết).

Người xưa đã đúc rút được nhiều bài học sâu sắc từ loài cây cỏ vốn tưởng như vô tri, lạc loài ấy. Khổng Tử nói: “Gió trên đầu ngọn cỏ, ắt phải dừng” (Thảo thượng chi phong, ắt yển).

Theo như nhìn nhận của Khổng Tử, đức hạnh của người bề trên giống như gió, còn đức hạnh kẻ dưới lại giống như cỏ. Gió thổi hướng nào thì cỏ rạp theo hướng ấy.

Như vậy người bề trên phải có một phong thái cao, phải biết tu dưỡng đức hạnh của mình để dẫn dắt, làm gương cho kẻ dưới, làm sáng tỏ đạo lớn cho thiên hạ.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng nói rằng: “Trong vạn vật cây cỏ sinh ra đã mềm yếu, chết đi lại khô cứng” (Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu thúy, kỳ sử dã khô cảo). Chính là ông đã ngộ ra được đạo lý này: Yếu có thể thắng mạnh, nhu có thể thắng cương.

Điều đó chính là muốn nói rằng người trên cao cũng phải có tâm thái của kẻ “dưới thấp”, biết nhìn xuống dưới, biết quan tâm tới kẻ “yếu mềm”, lại càng biết coi trọng hơn và yêu mến hơn những kẻ “yếu”.

Thiên nhiên, cây cỏ thực sự có tâm hồn, có sinh mệnh. Đọc lại “Truyện Kiều”, chúng ta thấy Nguyễn Du thường xuyên dùng cỏ cây như một thủ pháp nghệ thuật diễn tả cái gọi là: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“. Cỏ cây trong “Truyện Kiều” thực sự là có tình.

Khi tả tâm trạng buồn bã, ông viết: “Buồn trông nội cỏ dàu dàu. Chân mây mặt đất một màu xanh xanh“. Lúc tả tâm trạng phơi phới, tươi vui, ông lại viết: “Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa“.

Kim Trọng gặp Thuý Kiều trong buổi thanh minh, chàng thư sinh của chúng ta xuất hiện thế nào? Chính là: “Hài văn lần bước dặm xanh. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Câu thơ không một chữ “cỏ” mà đọc lên thấy xanh xanh một màu cỏ non tươi, vậy mới kỳ lạ!

Lúc Kiều ra về sau buổi thanh minh, tới thăm mộ Đạm Tiên cảnh tượng là: “Xè xè nắm đất bên đàng. Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh“. Khung cảnh khi ấy quả thực là hoang sơ, tiêu điều: “Một vùng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi một và bông lau”.

Cứ thế mà xét, cỏ thực sự là sinh mệnh, là tấm gương phản chiếu buồn vui của con người vậy.

Xem thêm

[ad_2]