[ad_1]

Trình Thủ tướng việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030 trước 31/10/2023

Trình Thủ tướng việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030 trước 31/10/2023 (Hình từ Internet)

Ngày 13/10/2023, Chính phủ ban hành Công điện 965/CĐ-TTg về tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất.

Trình Thủ tướng việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021-2030 trước 31/10/2023

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

– Lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia ý kiến trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, để quy định của Luật Đất đai sửa đổi khi ban hành đi vào cuộc sống; 

Quy định phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

– Trước ngày 25/10/2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP theo hướng khoa học, sát thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa các khâu trung gian, quy định rõ ràng, dễ hiểu, thuận lợi cho người thực hiện và không gây thất thoát ngân sách nhà nước khi thực hiện định giá đất, quyết định giá đất, không để tham nhũng tiêu cực và không để sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm

Trước ngày 31/10/2023, trình Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025 đã được phân bổ cho các địa phương tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của địa phương triển khai dự án, công trình phát triển kinh tế – xã hội, khơi thông nguồn lực, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

– Hướng dẫn các địa phương triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo nguyên tắc đơn giản thủ tục, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

– Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất thuộc thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến đất đai ở các Bộ, ngành, các địa phương.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Theo Điều 22 Nghị định 37/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 58/2023/NĐ-CP) về quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Phân tích đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực:

+ Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên và môi trường;

+ Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội; thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực; tình hình dân số, lao động, việc làm và thu nhập, tập quán có liên quan đến sử dụng đất; thực trạng phát triển đô thị và phát triển nông thôn;

+ Phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất;

+ Phân tích đánh giá tình hình quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, gồm hiện trạng sử dụng đất theo từng loại đất, biến động sử dụng đất theo từng loại đất trong kỳ quy hoạch trước, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trong việc sử dụng đất;

+ Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước trên cơ sở các chỉ tiêu quy hoạch;

+ Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp và tiềm năng của nhóm đất chưa sử dụng.

– Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất:

+ Biến động sử dụng đất nông nghiệp;

+ Biến động sử dụng đất phi nông nghiệp;

+ Biến động đất chưa sử dụng.

– Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch:

+ Quan điểm sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia;

+ Mục tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Định hướng sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 30 đến 50 năm.

– Xây dựng phương án sử dụng đất đáp ứng mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Xác định và khoanh định cụ thể diện tích các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, bao gồm:

+ Đất trồng lúa (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt); đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất (trong đó có đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên);

+ Đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia gồm đất giao thông, đất xây dựng cơ sở văn hóa, đất xây dựng cơ sở y tế, đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất công trình bưu chính, viễn thông; đất xây dựng kho dự trữ quốc gia, đất có di tích lịch sử – văn hóa; đất bãi thải, xử lý chất thải;

+ Đất chưa sử dụng, gồm đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch và đất chưa sử dụng còn lại.

– Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các vùng.

– Đánh giá tác động của phương án phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

– Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch:

+ Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường;

+ Xác định các nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất;

+ Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất

– Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Danh mục và tỷ lệ sơ đồ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia quy định tại mục III Phụ lục I Nghị định 37/2019/NĐ-CP.

Xem thêm Công điện 965/CĐ-TTg ban hành ngày 13/10/2023.

 

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/bat-dong-san/54464/trinh-thu-tuong-viec-nghien-cuu-dieu-chinh-chi-tieu-quy-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-2021-2030-truoc-31-10-2023

[ad_2]