[ad_1]
Mục đích của học văn và luyện võ không phải là để theo đuổi danh vọng, thành tựu, hay tài phú cho cá nhân mà là vì quốc gia hưng thịnh, xã hội phồn vinh và người dân hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta phải chú ý rèn luyện bản thân bằng những phẩm hạnh như trung thành, kính trọng cha mẹ, liêm khiết, và chính trực.
Thích Kế Quang, một danh tướng và chiến lược gia kiệt xuất của nhà Minh ngay từ thời thơ ấu đã được phụ thân chỉ dạy tránh xa hư vinh thông qua một đôi giày lụa.
Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.
Thích Cảnh Thông đã khá lớn tuổi mà chưa có con. Năm 56 tuổi, ông mới có được Thích Kế Quang là con trai duy nhất trong gia đình nên ông yêu thương con hết mực. Thích Cảnh Thông đã đích thân dạy con trai đọc sách và luyện võ. Tuy nhiên, ông cũng rất nghiêm khắc dạy dỗ về nhân cách đạo đức và hành xử cho con trai mình.
Một ngày nọ, cậu bé Thích Kế Quang 13 tuổi, đi đi lại lại trong sân bằng một đôi giày lụa tốt. Cậu cảm thấy rất vui vẻ với đôi giày này.
Thích Cảnh Thông đã nhìn thấy điều này. Người cha đã gọi con trai mình vào thư phòng và quở trách con một cách giận dữ: “Khi có một đôi giày tốt, con tự nhiên sẽ muốn được mặc quần áo đẹp. Khi có quần áo đẹp, con tự nhiên sẽ muốn được ăn thức ăn ngon. [Và thế là] từ khi còn nhỏ tuổi, con đã có tâm lý thích ăn ngon, mặc đẹp. Rồi nó sẽ trở thành lòng tham vô độ trong tương lai”.
“Khi lớn lên, con sẽ muốn có đồ ăn ngon và quần áo đẹp. Nếu con là một tướng lĩnh trong quân đội, con thậm chí có thể tham ô tiền lương của binh lính. Nếu cứ tiếp tục như vậy, con sẽ không thể thành công tiếp nối gia nghiệp của tổ tiên”.
Thích Cảnh Thông biết được đôi giày lụa là món quà từ ông ngoại của con trai ông. Tuy nhiên, ông vẫn lệnh cho Kế Quang cởi giày ra, và ngay lập tức cắt vụn đôi giày để ngăn Kế Quang phát sinh thói xấu là ham mê những điều xa xỉ.
Có một lần, gia đình họ Thích cần sửa sang lại hơn chục căn phòng vốn rất tồi tàn. Thích Cảnh Thông đã thuê một số nghệ nhân để thực hiện công việc này. Bởi vì gia đình cần một nơi trang trọng để tiếp đón các quan chức triều đình, ông đã yêu cầu các nghệ nhân lắp 4 cánh cửa chạm khắc hoa văn ở sảnh chính, và Thích Kế Quang coi sóc việc lắp đặt.
Các nghệ nhân thấy rằng họ Thích là một gia đình quý tộc và nghĩ nếu chỉ có 4 cánh cửa được chạm khắc thì sẽ trông quá đơn sơ, đạm bạc. Họ nói chuyện riêng với Thích Kế Quang rằng: “Tổ tiên nhà Ngài đều là danh tướng. Đối với một gia đình quyền quý và giàu có như gia đình ngài, tất cả các cánh cửa trong toàn bộ ngôi nhà nên được chạm khắc hoa văn, tổng cộng có 12 cánh cửa. Chỉ có như vậy mới phù hợp với địa vị xã hội của gia đình ngài”. Thích Kế Quang nghĩ rằng đề nghị của họ là hợp lý và thưa lại với cha mình.
Thích Cảnh Thông đã nghiêm khắc quở trách Thích Kế Quang vì ý tưởng xa hoa và phô trương này. Ông cảnh báo con trai rằng: “Nếu con theo đuổi và đắm chìm trong hư vinh phù phiếm, con sẽ không thể hành đại cuộc khi trưởng thành”. Thích Kế Quang thuận theo lời dạy của cha mình và cho nghệ nhân lắp đặt chỉ 4 cánh cửa chạm khắc, như yêu cầu ban đầu.
Thích Cảnh Thông cũng dạy Thích Kế Quang rằng mục đích của học văn và luyện võ không phải là để theo đuổi danh vọng, thành tựu, hay tài phú cho cá nhân mà là vì quốc gia hưng thịnh, xã hội phồn vinh và người dân hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta phải chú ý rèn luyện bản thân bằng những phẩm hạnh như trung thành, kính trọng cha mẹ, liêm khiết, và chính trực.
Được cha dạy bảo và thực thi kỷ luật nghiêm khắc với mình, cũng như học được từ tâm gương mẫu mực của cha, Thích Kế Quang không ham mê xa hoa và cảm thấy hài lòng với những bữa ăn thanh đạm. Ông cũng chăm chỉ và nghiêm túc học văn luyện võ.
Về sau, ông trở thành một danh tướng và là một chiến lược gia kiệt xuất thời nhà Minh, khắc tên tuổi mình vào lịch sử Trung Hoa.
Ông đã học được rằng phô trương, ham mê, và dính mắc với vẻ ngoài của bản thân cũng như đối với tài phú, thành tựu và địa vị, đều là những ràng buộc tìm cầu xu nịnh và khen tặng từ người khác, đều là biểu hiện của hư vinh phù phiếm.
Hư vinh xuất phát từ ham muốn đề cao bản thân. Điều này sẽ hủy đi khát vọng cao cả của một cá nhân, và họ chắc chắn sẽ thất bại trong những việc lớn. Nếu một người hoàn toàn đắm chìm trong danh vọng hão huyền cộng với tâm lý hư vinh, và vì nó mà tranh đấu hoặc thậm chí làm hại người khác, thì thật đáng tiếc.
Lan Hòa biên tập
Nguồn bài: EpochtimesTV
[ad_2]