[ad_1]

Trăng tròn thì sẽ khuyết, nước đầy thì sẽ tràn: Đừng vì đắc ý, kiêu ngạo mà đánh mất chính mình

Cổ nhân có câu: “Biết đủ thường vui”, chúng ta thường quên rằng, hạnh phúc không phải là đạt được điều chúng ta không có, mà đúng hơn là biết trân trọng những gì chúng ta đang có”

Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng hạnh phúc, nhưng chóng tàn và khó đạt đến, vì không phải lúc nào ta cũng đạt được bằng cách truy cầu. Hơn nữa ham muốn này đạt được, ham muốn khác sẽ nảy sinh, đó là quy luật tâm lý: Mãi mãi chạy theo ham muốn mà không có điểm dừng.

Bớt tranh đua một chút, bớt truy cầu một chút, bạn sẽ thấy rằng lòng người thêm bao dung, thế giới thêm rộng lớn.

Có câu: “Đắc ý vong hình” (đắc ý mà quên cả thân mình) để nói đến việc vì quá vui mừng mà đánh mất bản thân, không thể làm chủ chính mình. Con người vào lúc quá đắc ý, quá mừng rỡ sẽ khó tránh khỏi có sơ suất, không chỉ mất đi “hình ảnh” mà ngược lại còn đánh mất nhiều điều ý nghĩa khác.

Họ sẽ quên mất mình là ai

Trong sách ‘Ngụ Ý Thảo’ của Dụ Xương có mẩu chuyện như sau: “Khi xưa có người mới thi đỗ, ngồi trên ngựa dương dương tự đắc, chưa về đến nhà đã vì cười to mà chết”.

Người “đắc ý vong hình” thường cảm thấy mình vĩ đại, chỉ vì chút thành công nhỏ bé mà hớn hở vui mừng. Họ muốn nhận được sự ngưỡng mộ, muốn được nghe lời ngợi khen, muốn được cả thế giới công nhận, cũng bởi vậy họ luôn thấy mình là người nổi bật trên muôn vạn người. Cũng chỉ có những ai chưa từng trải qua việc đời mới bị họ mê hoặc, mới ca tụng cho rằng họ có năng lực. Nhưng ngược lại, trong cái nhìn của những bậc cao nhân có con mắt tinh tường, người không tự biết mình thật vô cùng đáng thương.

Họ sẽ quên mất bản thân mình có thể làm gì

Những người có đôi chút thành tích đều nghĩ rằng mình giỏi giang hơn người mà quên rằng chút bản sự nhỏ bé đó vốn không là gì cả.

Mãi cho tới khi một biến động nhỏ xảy đến trong cuộc đời, họ mới phát hiện bản thân quá nhỏ nhoi trước bão táp chông gai. Tới lúc này, họ chỉ có thể bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, nhặt nhạnh lại những gì đã bỏ lỡ – nếu sớm biết như vậy cần gì phải làm lại từ đầu?

Họ sẽ quên mất mục tiêu của bản thân

Những người “đắc ý vong hình” thường dễ quên mục tiêu của bản thân. Ban đầu họ hiểu rằng cuộc đời là chặng đường dài đằng đẵng, thành công hay không cũng là như vậy. Mỗi thành tích nhỏ bé dù là một bước nhảy vọt, nhưng phía trước vẫn còn một chặng đường dài gian nan. Người “đắc ý vong hình” lại coi những gò đất nhỏ trên đường là đỉnh núi chứa châu ngọc mà đứng trên đó dương dương tự đắc. Cũng bởi vậy, họ không thể nhìn thấy ngọn núi cao hơn.

Có câu chuyện xưa kể rằng: Một ngày nọ Sở vương cùng quần thần vào rừng săn bắn. Hôm ấy đoàn săn của hoàng cung đã thu hoạch được rất nhiều nên quần thần đều rất đắc ý.

Bỗng nhiên từ đâu có một con khỉ xuất hiện, tung tăng nhảy nhót trên cây. Đang lúc vui vẻ, Sở vương giương cung bắn nhưng lần nào con khỉ cũng đều nhẹ nhàng né tránh được, rồi nó lại thản nhiên nhào lộn trên cành.

Càng nhìn càng tức giận, Sở vương liền ra lệnh cho vị tướng quân tài ba nhất của mình trổ tài, chẳng ngờ chú khỉ quá nhanh nhẹn nên ngay cả tướng quân cũng không hạ gục được nó. Khỉ ta thấy vậy càng đắc ý, nó ngồi vắt vẻo trên cành như cười nhạo cả đám quần thần, rồi lại nhảy nhót vui vẻ làm cho cả vua tôi xấu hổ như bị đem ra làm trò hề.

Sở vương phẫn nộ, hạ lệnh cho tất cả binh sĩ cùng bắn ra hàng ngàn mũi tên khiến con khỉ không thể tránh được. Sở vương nói: “Con khỉ này chết như vậy là bởi nó tự không biết lượng sức của bản thân, đắc ý quá mức mà quên đi chính mình”.

Khỉ là loài vật thông minh nhanh nhẹn, nếu biết lượng sức thì chắc chắn sẽ sống được những ngày tháng ung dung tự tại, có thể trở về vui vẻ với bầy đàn của mình mà không chịu thảm cảnh như vậy.

Bất kể việc gì trong cuộc sống, nếu vượt quá giới hạn đều sẽ trở thành việc xấu. Cũng giống như dòng sông dẫn nước tới hai bên bờ ruộng, nếu tĩnh lặng chảy theo dòng thì nó chính là một dòng sông mẹ. Một khi chìm đắm trong lời ca ngợi của người khác, không muốn tiếp tục dẫn nước mà chỉ trực dâng trào cuồn cuộn hiển rõ uy phong, thì nó sẽ trở thành tai họa cho con người, lúc đó hỏi còn ai muốn ca tụng nó? Làm bất kể việc gì cũng vậy, đều không thể nhất thời cao hứng mà vượt quá giới hạn, như vậy không chỉ làm tổn hại bản thân còn mang tới tai họa cho mọi người.

Người tự cao tự đại khiến người khác phản cảm

Cuộc đời không nên kiêu ngạo, kiêu ngạo dễ khiến người ta trở nên kệch cỡm, chịu tổn thất, chỉ có khiêm tốn mới thu được ích lợi. Làm người khiêm tốn một chút thì mới có người nguyện ý gần gũi.

Chớ tự cho mình là ghê gớm xuất sắc, con mắt không dung chứa nổi hạt cát. Con người hễ kiêu ngạo nảy sinh là lơi lỏng cảnh giác trên các phương diện, họa loạn và thất bại sẽ nối đuôi nhau tìm đến.

Người khiêm tốn thường suy nghĩ về lỗi lầm bản thân. Người kiêu ngạo thường đàm luận sai trái của người khác.

Tuổi thanh xuân là đẹp nhất, nhưng tuổi thanh xuân chân chính chỉ thuộc về người mãi mãi lao động quên mình, người mãi mãi khiêm tốn.

Chỉ có khiêm tốn mới có tiến bộ. Người kiêu ngạo chỉ có thụt lùi, theo sau người khác, bởi vì quá huênh hoang, quá đắc ý thì sẽ không nghe lời khuyên của ai, cuối cùng tự hủy diệt mình trong kiêu ngạo.

Dùng thiện ý để đối đãi với mỗi người mỗi việc. Tâm nóng giận dù chưa mất hẳn, nhưng không được nổi nóng bừa bãi, bởi vì trên thế giới này, không có ai “phải tốt với bạn”, cũng không có việc gì “là lẽ đương nhiên”.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi sự “đắc ý vong hình”?

Mỗi người nên tự lượng sức mình

Năng lực của mỗi người đều có một giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó thì không thể tiến bước được. Cũng giống như con lạc đà chỉ có thể mang một lượng hàng hóa nhất định, cho dù đặt thêm lên chỉ một chút thôi nó cũng sẽ gục ngã. Khi biết cân nhắc giới hạn của bản thân, vừa có thể tránh được những việc không thể làm, vừa có thể làm chủ chính mình trước lời khen ngợi của người khác.

Hãy cho bản thân một “khoảng hoà hoãn”

Những người “đắc ý vong hình” thường hay mạnh miệng về khả năng của mình cho dù đó là những việc họ không thể làm được. Nếu có thể giữ vững nội tâm, cho mình một khoảng hoà hoãn, thì bất kỳ lúc nào họ cũng có thể chừa một lối thoát cho bản thân, không vì một phút nhất thời mà cắt đứt đường lui của mình. Nói cho cùng thì, đường cùng rất khó trở thành đường bằng phẳng, còn đường lùi có thể trở thành đường tiến.

Giữ vững nội tâm để bất kỳ lúc nào cũng có thể chừa một lối thoát cho bản thân, không vì một phút nhất thời mà cắt đứt đường lui của mình.

Đừng quá tham lam

Đôi khi thành công mang cho con người ta một loại cảm giác sai lầm, khiến họ tưởng như đang đứng giữa núi vàng. Nếu bạn cứ nhặt mãi nhặt mãi, vàng bạc đầy ắp trong tay, thì càng sở hữu nhiều lại càng chìm sâu xuống đáy. Lúc này nếu nguy hiểm bất ngờ ập đến, không những bạn không thể chạy thoát mà cái giá phải trả cho sự tham lam sẽ là điều nuối tiếc đến khôn cùng. “Đắc ý vong hình” là một hình thức biểu hiện của sự tham lam, tham lam quá mức, vui mừng quá mức với thành công của bản thân đôi khi lại dẫn đến thất bại. Con người ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên biết đủ làm vui.

Biết đủ làm vui chính là khi gặt hái thành công thì có thể chúc mừng cũng có thể đắc ý. Tuy nhiên sau khi đắc ý vui mừng, cần lập tức điều chỉnh tâm thái về trạng thái bình thường ban đầu, đừng mãi ôm giữ thành công đã qua mà không dám buông bỏ. Đó chính là trở ngại làm ta quên đi năng lực của bản thân, quên đi những dự tính ban đầu và cứ mãi vướng mắc ở đó. Chỉ có những người biết lấy đủ làm vui, biết giữ chừng mực mới có thể không ngừng tiến lên.

 

Lan Hòa biên tập

Nguồn: DKN

[ad_2]