[ad_1]
Một góc khu công nghiệp Tân Tạo, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minhcó 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.921,15 ha.
Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ có 19/23 khu chế xuất, khu công nghiệp (gồm 3 khu chế xuất, 16 khu công nghiệp) có quyết định thành lập nằm trên địa bàn 8 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với tổng diện tích 4.546,14 ha/5.921,15 ha; chiếm 76,78% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp; trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 3.791,84/5.921,15 ha, chiếm 64,04%; diện tích đất xây dựng xí nghiệp, công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.
Các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai gồm: khu công nghiệp Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng.
Các khu công nghiệp có trong danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố nhưng chưa được thành lập, gồm: khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Hiệp Phước giai đoạn 3.
Các khu công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố, gồm: khu công nghiệp Bàu Đừng, Xuân Thới Thượng và Phước Hiệp.
Khu công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố là khu công nghiệp Phạm Văn Hai, diện tích 668 ha (ở huyện Bình Chánh).
Theo ông Hứa Quốc Hưng, khó khăn, vướng mắc của khu công nghiệp hiện nay chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp, cây xanh, giao thông… chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch, đầu tư hạ tầng không đồng bộ, kéo dài thời gian triển khai dự án.
Mặt khác, việc chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cả cho phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa (thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nên chưa thể tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực đất này, gây lãng phí quỹ đất không được khai thác.
Cụ thể, huyện Củ Chi có 37,94 ha chưa hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó khu công nghiệp Cơ khí ô tô có 2,32 ha; khu công nghiệp Đông Nam có 1,56 ha; khu công nghiệp Tân Phú Trung có 34,06 ha. Huyện Bình Chánh có 19,33 hạ; trong đó một phần khu công nghiệp Vĩnh Lộc có 0,68 ha; khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có 11,74 ha; khu công nghiệp Lê Minh Xuân có 6,91 ha.
Tương tự, quận Bình Tân có 14 ha trong đó khu công nghiệp Tân Tạo có 5,03 ha, một phần khu công nghiệp Vĩnh Lộc có 8,99 ha. Quận Tân Phú có khu công nghiệp Tân Bình còn vướng 0,29 ha; huyện Hóc Môn một phần khu công nghiệp Vĩnh Lộc có 3,06 ha; huyện Nhà Bè có khu công nghiệp Hiệp Phước vướng 40,42 ha và thành phố Thủ Đức có khu công nghiệp Cát Lái có 5,95 ha.
Từ thực tế trên, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp nhằm tránh gây lãng phí quỹ đất do không được khai thác được.
Trước đó, Văn phòng Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có Thông báo số 393/TB-VP ngày 14/5/2021 và Thông báo số 422/TB-VP ngày 25/5/2021 về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan về giải quyết các vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đến nay các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút 1.674 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,08 tỷ USD.
Trong đó, có 557 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6,82 tỷ USD. Dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.117 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 92.374,17 tỷ đồng (tương đương 5,25 tỷ USD).
Trong tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực, có 1.408 dự án đang hoạt động; 109 dự án xây dựng cơ bản; 100 dự án chưa triển khai… Qua đó, thu hút hơn 288.000 người tham gia lao động làm việc tại các dự án, nhà máy, xí nghiệp; trong đó có không ít công nhân lao động ngoại tỉnh./.
[ad_2]