[ad_1]
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, có một nghịch lý tiềm ẩn đang tồn tại trong công tác phát triển nhà ở xã hội hiện nay là mọi giải pháp đều nhằm phát triển nguồn cung nhưng việc người lao động lấy đâu tiền để mua vẫn còn bỏ ngỏ.
Tổng lực phát triển nguồn cung
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng như các địa phương đã liên tục có những động thái cho thấy quyết tâm trong việc đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội.
Những tháo gỡ về mặt chính sách, cơ chế ưu đãi tín dụng đã bước đầu giúp cho việc phát triển nguồn cung nhà ở xã hội có nhiều chuyển biến tích cực với hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản lớn công bố những kế hoạch phát triển nhà ở xã hội “khủng”.
Ở góc độ các địa phương, nhiều tỉnh thành cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án với hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp.
Mới đây, tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi rà soát đã chọn lọc ra 82 dự án bao gồm vị trí quỹ đất để tiến hành thu hút đầu tư và phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, TP. Sông Công đứng đầu với 35 dự án, tiếp theo là TP. Phổ Yên với 26 dự án và Thái Nguyên với 18 dự án.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 6 dự án NOXH với quy mô 8.000 căn hộ và nhà liền kề dành cho công nhân.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đã triển khai 5 dự án NOXH. Để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 28.300 căn NOXH, tỉnh Vĩnh Phúc cần hoàn thiện 8.800 căn trong giai đoạn từ 2022 – 2025 và hoàn thành 19.500 căn trong giai đoạn 2026 – 2030. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực từ các ban, ngành liên quan để hoàn thành.
Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP đã đặt mục tiêu hoàn thành 18 dự án, cung cấp khoảng 869.000 m2 diện tích sàn với 12.137 căn hộ; giai đoạn sau năm 2025, kế hoạch hoàn thành 22 dự án với 22.400 căn hộ cùng khoảng 1,6 triệu m2 sàn.
Ai sẽ mua NOXH khi thu nhập của người lao động suy giảm?
Nhận định về bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng bức tranh tổng thể đang cho thấy một nghịch lý tiềm ẩn là mọi giải pháp đều nhằm phát triển nguồn cung nhưng việc người lao động lấy đâu tiền để mua vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo đó, ông Thiên đánh giá, hiện nay các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường bất động sản hiện nay khó cả về cung và cầu. Đa số các giải pháp tập trung gỡ cho doanh nghiệp, điều này là đúng vì đó là gỡ mấu chốt của vấn đề liên quan đến cả một hệ thống.
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng đứng trên lập trường phát triển đầy đủ, thấy rằng cầu về bất động sản hiện nay trì trệ và có khả năng tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây về tổng cầu chưa thấy điểm sáng, như việc làm, tốc độ tăng trưởng, đầu tư công còn chậm.
Do đó, ông Thiên cho rằng cần phải phân tích đầy đủ cầu cho thị trường bất động sản để có cách tiếp cận.
“Nếu không kích được cầu, chúng ta đầu tư, xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. Điểm này là điểm đang mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách” – ông Thiên khẳng định.
Đáng chú ý, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, vấn đề hết sức quan trọng cần lưu ý hiện nay trong công tác phát triển nhà ở xã hội là việc cần nghiêm túc đặt câu hỏi và tìm lời giải cho bài toán thanh khoản.
“Liệu chúng ta làm nhà ở xã hội theo nghĩa thương mại thì có cần một gói kích cầu như trước đây không? Ai sẽ mua khi thu nhập của người lao động hiện nay đang suy giảm?“, ông Thiên đặt vấn đề.
[ad_2]
Nguồn: https://markettimes.vn/tong-luc-phat-trien-nguon-cung-noxh-nhung-ai-se-mua-khi-thu-nhap-cua-nguoi-lao-dong-suy-giam-36144.html