[ad_1]
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường…
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng nay 17/2, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại Vietcombank tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.
“Với số liệu về tăng trưởng tín dụng bất động sản trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía Vietcombank không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản”, ông Tùng nhấn mạnh.
Đối với các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc luôn được Vietcombank ưu tiên cấp tín dụng nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và toàn quốc. Trong năm 2022, dư nợ bất động sản thuộc phân khúc này đã tăng hơn 4 lần so với 31/12/2021.
Về định hướng tín dụng, Vietcombank định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Singapore vừa qua, Vietcombank cũng đã tham dự cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư và nhận thấy đây là lĩnh vực rất tiềm năng trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, Vietcombank định hướng thời gian tới cấp tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.
Đối với Bất động sản đất ở, nhà ở, tại VCB hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.
Đối với khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch… VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.
Về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản tại VCB luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực bất động sản ổn định, trong khả năng kiểm soát.
Cũng theo ông Tùng, trong mối tương quan với các nước trong khu vực, giá nhà đất tại Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thu nhập của phần đông người dân, chưa phù hợp với phần đông người mua cuối cùng để ở; việc lựa chọn phân khúc để đầu tư chưa hợp lý dẫn đến dư cung tại các phân khúc cao cấp nhưng thiếu đối với phân khúc bình dân; tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng BĐS… ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường bất động sản nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Do đó, đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Về phía VCB, ngay từ đầu năm 2023, VCB đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu tại VCB (với quy mô hơn 2 tổng dư nợ tại VCB được giảm lãi suất cho vay). VCB tiếp tục giảm toàn bộ các phí giao dịch trực tuyến cho các khách hàng thể nhân trong năm 2023.
Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VCB cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại Nhà nước khác triển khai Gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.
Nguồn: https://vneconomy.vn/tong-giam-doc-vietcombank-chung-toi-khong-han-che-cap-tin-dung-cho-bat-dong-san-nhung-doanh-nghiep-phai-ha-gia-xuong.htm
[ad_2]