[ad_1]
Sáng ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”…
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2022 tại Hà Nội
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trên thế giới.
Cùng dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương…
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về phục hồi kinh tế.
Theo khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021, có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định.
Nhắc lại bối cảnh cách đây 5 tháng khi mà cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức lo lắng do những diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng nhờ Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức. Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, khảo sát thực tế, kiểm tra tại tâm dịch, lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn…
Đặc biệt, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong đầu tư, kinh doanh.
Tại diễn đàn, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều bài tham luận đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, đề cập tới vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ổn định, bền vững.
Ông Alain Cany Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp Châu Âu rất vui mừng với quyết định giảm thời gian cách ly bắt buộc khi nhập cảnh xuống còn 3 ngày cũng như bãi bỏ các thủ tục phê duyệt áp dụng đối với người nước ngoài có thẻ cư trú, thị thực và giấy miễn thị thực hợp lệ. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài của Việt Nam đánh giá rất cao.
Việc quay trở lại các quy định về thị thực trước đại dịch là điều cần thiết để mang dòng vốn FDI trở lại Việt Nam và để đảm bảo rằng hàng chục nghìn doanh nghiệp quốc tế đã có mặt tại Việt Nam có thể tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.
Ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), nhận định hiện nay việc hỗ trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quản lý linh hoạt các khoản cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong nước tại Việt Nam, cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, miễn thuế doanh nghiệp, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty startup… Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có 10 đề xuất nhằm khôi phục và phát triển bền vững nền kinh tế. Trong đó là giải pháp: Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia; Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng…
[ad_2]