Mới đây, tại Tọa đàm trực tuyến “Bất động sản phụ trợ công nghiệp” do Hải Phát Land tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về tiềm năng của thị trường bất động sản phụ trợ công nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại khu vực phía nam Hà Nội.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều phân khúc của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp vẫn được nhiều chuyên gia và các đơn vị nghiên cứu đánh giá lạc quan về sự phát triển ở các giai đoạn trong và hậu Covid-19.
Đi theo sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp là bất động sản phụ trợ. Đây cũng là phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm thời gian qua, thậm chí được ví như “sóng ngầm” với nhiều cơ hội đầu tư.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam cho rằng, bất động sản phụ trợ khu công nghiệp tại phía nam Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức với tiềm năng của khu vực này.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, trước khi bất động sản công nghiệp phát triển thì các hình thái bất động sản như nhà ở, thương mại, văn phòng tại các địa phương nêu trên khá sơ khai. Tuy nhiên, khi bất động sản công nghiệp phát triển, thu hút nguồn vốn FDI và các nhà máy sản xuất mới thì bất động sản khu vực xung quanh đã được định hình lại với ba loại hình “ăn theo” sự phát triển của bất động sản công nghiệp.
Thứ nhất là nhà ở – loại hình có sự phát triển vượt bậc nhất, với dự đa dạng từ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến nhà ở cao cấp cho đội ngũ chuyên gia và quản lý. Thứ hai là loại hình bất động sản thương mại và dịch vụ như là siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các shophouse. Cuối cùng là văn phòng cho thuê – loại hình không phát triển quá rầm rộ xung quanh các khu công nghiệp nhưng lại khá quan trọng.
Bà Vân phân tích thêm, thường các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp chỉ cần một văn phòng nhỏ đặt tại chính khu vực nhà xưởng của họ. Tuy nhiên, với thị trường điển hình như Bắc Ninh, các doanh nghiệp sản xuất lớn tại đây có nhiều nhà thầu phụ đi kèm để phục vụ cho việc vận hành.
Tại Toạ đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản phía nam Hà Nội, cụ thể là huyện Phú Xuyên và xa hơn là tỉnh Hà Nam đã phát triển vượt bậc về bất động sản công nghiệp và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong thời gian qua. Do đó, khu vực này cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng phát triển về bất động sản phụ trợ công nghiệp.
Cũng tại tọa đàm nêu trên, TS – KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký hội Quy Hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Phú Xuyên với vị trí là cửa ngõ phía nam của Hà Nội, đã được quy hoạch là một trong 5 khu đô thị vệ tinh của thành phố. Khu vực này được Chính phủ xác định là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Mục tiêu tại đây là xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ); hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề…
Cũng nói về tiềm năng phát triển bất động sản phụ trợ phía nam Hà Nội, bà Nguyễn Hồng Vân cho biết, cả Hà Nam và huyện Phú Xuyên của Hà Nội đều có được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong việc thu hút các sản phẩm về phát triển bất động sản phụ trợ.
Đặc biệt, các khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển hơn các tỉnh/thành phố đã phát triển trước đó về lĩnh vực công nghiệp.
Cùng với sự phát triển vượt bậc trong việc thu hút FDI thời gian vừa qua, khu vực phía Nam Hà Nội sẽ nhận được sự quan tâm điều chỉnh hợp lý, xứng tầm với vị trí của khu vực này