[ad_1]
(Dân trí) – Theo chuyên gia, khi phát triển các dự án ven biển cần cân nhắc để tránh lợi ích trước mắt từ việc kinh doanh bất động sản tạo nên “bức tường nhà cao tầng” chạy dọc bờ biển.
GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – đã có những chia sẻ với Dân trí quanh vấn đề quy hoạch ven bãi biển.
Thu hồi, di dời các dự án nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan
Một số địa phương đã và đang thực hiện chỉ đạo thu hồi dự án, trả lại không gian cho bờ biển, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Nhiều địa phương đang thực hiện việc thu hồi các dự án chắn biển. Có dự án bị thu hồi khi dự án hết thời gian thuê đất, một số công trình che chắn biển, xâm phạm lợi ích cộng đồng. Có nơi thực hiện chủ trương di dời hàng trăm ki ốt kinh doanh, nhà nghỉ dưỡng để làm sạch bãi biển…
Có nhiều lý do, nhưng nhìn chung đều ở vấn đề người ta sợ các dự án nằm ngay bờ biển như vậy tạo ra những điều không thuận lợi cho cảnh quan nói chung, các hoạt động du lịch gây ô nhiễm và cản trở các hoạt động kinh tế khác ở biển… Việc thu hồi này nhận được đồng tình từ phía người dân bởi vốn dĩ bãi biển là của chung.
Thực tế, nhiều bãi biển đẹp nhưng các dự án lại che chắn, làm không gian riêng cho doanh nghiệp. Do vậy, việc thu hồi, di dời các dự án sẽ nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan, lợi ích chung.
Có ý kiến cho rằng việc ven biển nhiều nơi trở thành “rừng cao ốc”, các địa phương đua nhau cho doanh nghiệp thuê đất làm dự án chắn hết bờ biển, tạo ra mâu thuẫn lợi ích trong khu vực công cộng giữa người dân và doanh nghiệp… là không ổn ngay từ khi quy hoạch. Góc nhìn của ông?
– Theo tôi, những quy hoạch đó thuộc diện “duyệt cho có”. Duyệt xong để có cơ sở giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án.
Còn về nguyên tắc, phát triển phải dựa trên bản quy hoạch tạo nên lợi ích cao nhất, lợi ích chung cho cả cộng đồng và lợi ích của từng cư dân, lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Song muốn đạt được hiệu quả tốt nhất thì cần một bản quy hoạch được nghiên cứu toàn diện, đầy đủ và khả thi. Quy hoạch là yếu tố đặt nền móng cho phát triển và cũng là kịch bản phát triển cho tương lai.
Ngay từ bản quy hoạch dự án đã phải đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được quy định, thể hiện được sự thông minh, sáng tạo và dự báo hướng đến tương lai xem cái gì có lợi nhất cho cộng đồng con người, giải quyết các vấn đề đang tồn tại gây hại cho đời sống con người, tạo đà cho các bước phát triển về sau…
Khi có quy hoạch hiệu quả và khả thi, chính quyền từ đó phê duyệt dựa trên sự cân nhắc sử dụng đất trên toàn khu vực cho tới từng thửa đất. Việc giao và cho thuê đất xong, cho phép xây dựng, rồi lại thu hồi lại đất do gặp nhiều ý kiến không đồng thuận cả từ người dân, từ công luận, từ cấp trên… cũng cho thấy quy hoạch đó cũng chỉ theo tầm nhìn của lợi ích trước mắt.
Giờ nhìn lại theo tầm nhìn dài hạn mới thấy bất cập, nên giờ thu hồi lại mọi quyết định cũ để khắc phục tầm nhìn hạn hẹp trước đây. Việc khắc phục lại như vậy bao giờ cũng lãng phí của cải xã hội.
Không phải mọi công trình ven biển đều sai
Câu chuyện di dời các dự án chắn biển đang được thực hiện ở nhiều nơi (Bình Định, Nha Trang, Nghệ An…). Có những địa phương đặt ra bao năm giờ mới rốt ráo thực hiện, cũng có những nơi chưa thấy gì, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Thực tế, nhiều địa phương đang có chỉ đạo thu hồi, di dời các dự án che lấp đường bao bờ biển. Như Nha Trang vừa qua đã cưỡng chế dự án Nha Trang Sao, sắp tới là dự án Công viên Phù Đổng. Địa phương này cũng vừa ký quyết định điều chỉnh quyết định về việc thu hồi đất, mặt nước biển tại dự án Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara.
Ở Cửa Lò, dự kiến cuối năm nay, đầu năm 2023 có hơn 220 ki ốt kinh doanh, nhà nghỉ dưỡng… nằm dọc bãi biển, sẽ không được kinh doanh và nhường lại mặt bằng để làm sạch bãi biển.
Nhưng bây giờ hỏi địa phương nào làm đúng, làm tốt, địa phương nào làm chưa đúng rất khó. Bởi lẽ, có thể những địa phương chưa làm bởi họ thấy chưa cần phải làm, hoặc việc thu hồi tùy thuộc vào từng khu vực, quan điểm của lãnh đạo địa phương như thế nào…
Nhìn chung, để có thể trả lời chính xác thì cần có đoàn đi khảo sát, nghiên cứu thực tế thì mới có thể đánh giá được tổng thể hiện trạng quy hoạch ven biển hiện nay. Rồi việc đúng sai cũng cần phải dựa vào quy hoạch đã được duyệt rồi, thậm chí tính hợp lý của quy hoạch đã được duyệt.
Không phải mọi công trình ven biển đều sai. Có những công trình sai, có những dự án đúng. Không thể đánh đồng được. Chắc chắn phải có quy hoạch chuẩn với tầm nhìn dài hạn và toàn diện, dựa vào đó để cân nhắc.
Hiện nay, các địa phương ven biển nước ta mới hiểu và quan tâm tới những ngành kinh tế biển truyền thống. Dùng bờ biển cho các dự án đầu tư mới nhiều nhất hiện nay vẫn là du lịch biển và đô thị biển, cũng có dự án lớn nhưng chủ yếu vẫn là các dự án nhỏ. Còn lại là những địa điểm từ cũ với các ngành kinh tế biển truyền thống như đánh bắt hải sản, vận tải biển và khai thác khoáng sản.
Trong khi đó, trên thế giới người ta đã nhìn biển với tiềm năng kinh tế lớn hơn nhiều như nông nghiệp biển, khai thác năng lượng tái tạo của biển. Với tầm nhìn khác về tiềm năng kinh tế biển sẽ dẫn tới cách nhìn khác về quy hoạch và khai thác vùng ven bờ biển.
Việc thu hồi, di dời các công trình chắn biển sẽ gặp không ít khó khăn vì vấn đề lợi ích, theo ông cần giải quyết vấn đề này thế nào?
– Giải quyết bài toán lợi ích bao giờ cũng là vấn đề khó. Trong trường hợp thu hồi khi dự án hết thời gian thuê đất hay làm sai quy hoạch thì doanh nghiệp phải chấp hành. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, chính quyền có thể tiến hành cưỡng chế, thu hồi theo quy định.
Doanh nghiệp sai, doanh nghiệp phải chịu. Tuy nhiên, phải sòng phẳng cái gì địa phương phê duyệt cho họ làm rồi lại thay đổi thì địa phương phải chịu. Xử lý vấn đề này, phải đảm bảo cân đối lợi ích của các bên. Nếu các dự án ban đầu được chấp thuận đầu tư đúng quy hoạch tại thời điểm đó, sau đó họ lại bị thu hồi cho thấy bất cập từ phía cơ quan quản lý, không phải từ doanh nghiệp.
Đấy là ta giả định các bản quy hoạch đã được duyệt phù hợp. Trên thực tế có nhiều bản quy hoạch theo kiểu quá “lãng mạn” hay quá “nông cạn” hay làm ra để cho có quy hoạch, không làm đúng tiêu chuẩn nào cả. Cho phép doanh nghiệp đầu tư, sau đó có thể thấy sai rồi bắt dừng lại làm cho các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư cũng chịu nhiều thiệt hại.
Việt Nam cũng có quy định pháp luật về bồi thường cho doanh nghiệp nếu hệ thống quản lý gây ra thiệt hại. Quy định này cũng thiếu chi tiết và ít được thực hiện trên thực tế, nên doanh nghiệp thường phải im lặng chịu đựng thua thiệt, lãng phí lớn. Việc này cũng nên được cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Cân nhắc khi tạo nên “bức tường nhà cao tầng” chạy dọc bờ biển
Các địa phương đang thực hiện đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung. Theo ông, phương án gì để quy hoạch bãi biển một cách đồng bộ và có lợi cho phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cộng đồng? Bài toán quy hoạch ven biển thời gian tới sẽ cần chú trọng những gì?
– Nếu cứ theo đúng luật quy hoạch làm và làm tốt thì sẽ có quy hoạch hợp lý. Nếu làm không tốt, không đúng, quy hoạch sẽ bất hợp lý. Đấy là nói về luật pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật của quy hoạch.
Đối với quy hoạch cho từng loại không gian mặt đất, người làm quy hoạch phải hiểu thật rõ hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng kinh tế, xã hội, môi trường của không gian mặt đất để đề xuất các kịch bản quy hoạch dựa trên thay đổi hiện trạng để hướng tới tương lai tạo lợi ích cao hơn chi phí nhiều lần. Chi phí – lợi ích phải cân nhắc phân tích cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đối với không gian vùng ven biển, bờ biển cần được xem xét với tiềm năng kinh tế biển gắn với rủi ro phát triển trong mối quan hệ giữa vùng bờ với vùng biển ven bờ và vùng biển xa. Chúng ta cũng lưu ý xu hướng thế giới hiện nay là tràn xuống biển với những ngành kinh tế mới có tiềm năng lớn như điện gió ngoài biển, năng lượng tái tạo từ sóng biển, từ thủy triều; nông nghiệp biển, nuôi biển xa bờ; đô thị trên đảo xa, trên biển gắn với du lịch, nghỉ dưỡng.
Từ phát triển của vùng biển sẽ tạo động lực để phát triển vùng núi còn nghèo nàn. Nhìn từ góc độ khác, biển cũng chứa đựng nhiều hiểm họa từ các tai biến thiên nhiên như bão lớn, động đất, sóng thần… Các thảm họa như vậy cũng cần được nghiên cứu, lượng tính như những rủi ro có thể gặp phải.
Mặt khác nữa, vùng bờ biển thoải cũng tạo nên ngữ cảnh mắt nước thay đổi hàng ngày theo thủy triều làm ra một vùng không cạn, không ngập nước. Thế giới đã hình thành lý thuyết về quản lý tích hợp giải ven bờ mà chúng ta cần áp dụng.
Để có một quy hoạch chất lượng, phải đảm bảo năng lực từ khâu tư vấn quy hoạch, những chuyên gia làm quy hoạch họ có con mắt riêng nhìn vào hiện trạng và tiềm năng để tìm ra con đường phát triển hiệu quả nhất. Từ đó, những người quản lý cũng hiểu kỹ hơn về không gian mặt đất mình đang quản lý để thẩm định và phê duyệt. Quá trình này phải khách quan và độc lập về lợi ích. Nếu bất kỳ khâu nào bị “nhóm lợi ích bao vây” cũng sẽ làm mất tính “tự nhiên, khách quan” của con đường phát triển.
Khi phát triển các dự án ven biển, mà đặc biệt là ven biển gắn với các đô thị hiện hữu, tôi cho rằng cần cân nhắc để tránh lợi ích trước mắt từ kinh doanh bất động sản tạo nên “bức tường nhà cao tầng” chạy dọc bờ biển, làm mất hết các tiềm năng kinh tế biển khác, ít nhất là mất đi cảnh quan mặt biển đối với dân cư sinh sống ở bờ biển và đại đa số du khách muốn thấy biển đẹp mà đến.
Chúng ta hãy nhìn biển nước nhà với tiềm năng đóng của kinh tế biển hiện đại và những rủi ro có thể từ tai biến thiên nhiên từ biển, từ đó mà có quy hoạch để khai thác hết tiềm năng và ngăn chặn được các rủi ro từ biển, đồng thời tìm ra con đường đi rẻ nhất từ hiện trạng tới ngữ cảnh mà quy hoạch đã chỉ ra, được thẩm định, được phê duyệt và được nghiêm túc thực hiện, đừng làm quy hoạch theo kiểu “cho có” nữa.
Quy hoạch công khai rộng rãi, thành tâm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, các nhà đầu tư quan tâm. Và cũng cần làm cho bản quy hoạch đó được xây dựng độc lập, khách quan, không bị lợi ích riêng chi phối.
Công ty cổ phần Địa Tín phân phối độc quyền dự án: Khu đô thị Từ Sơn Garden City
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/thu-hoi-loat-du-an-chan-bien-dang-sau-cau-chuyen-va-goc-nhin-chuyen-gia-20220721074907784.htm
[ad_2]