[ad_1]
“Hồi sinh” rực rỡ sau đại dịch
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng của các đơn vị thành viên đã đạt 369.334 xe trong 11 tháng năm 2022, tăng tới 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu gộp chung doanh số bán xe Hyundai của Công ty TC Motor (72.037 xe), Công ty VinFast (khoảng 20.000 xe) và các thương hiệu khác như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo…, ước tính sản lượng toàn thị trường ô tô 11 tháng đã đạt gần 500.000 xe.
Lượng ô tô nhập khẩu cũng ghi nhận sức tăng trưởng kỷ lục khi chưa hết năm 2022 đã có tới 163.333 chiếc được đưa về nước, vượt qua mức gần 160.000 xe trong cả năm 2021.
Doanh số xe của VAMA trong 11 tháng năm 2022 tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái
Những con số thực tế trên cho thấy thị trường ô tô Việt đã hồi sinh mạnh mẽ sau giai đoạn “ngủ đông” vì ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19.
Thị trường nhộn nhịp trở lại, các hãng cũng đua nhau tung ra loạt sản phẩm mới, trong đó có nhiều cái tên được “tái sinh” sau thời gian dài ngừng bán, cũng có những mẫu xe lần đầu “nhập môn” nhằm “đón sóng” mua sắm.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 50 ô tô mới ra mắt Việt Nam. Trong đó, có nhiều “chiến binh” đã gặt hái được thành công rực rỡ ngay từ những ngày đầu “ra quân”. Đơn cử như: Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, Ford Territory, KIA K3, KIA Sportage, KIA Carens, VinFast VF 8, VF 5 Plus…
Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 – sự kiện lớn nhất ngành xe chính thức trở lại
Các mẫu xe hybrid cũng tấn công mạnh mẽ hơn vào thị trường với loạt cái tên mới trải khắp phân khúc từ phổ thông đến hạng sang như: Hyundai IONIQ 5, Audi e-tron GT, Mercedes EQS, MG Marvel R và MG4, Lexus LF-Z, Toyota bZ4X, KIA Sorento, Nissan Kicks e-power, Suzuki Ertiga Hybrid…
Sức nóng của thị trường sau đại dịch càng được tăng nhiệt nhờ sự trở lại của loạt sự kiện quan trọng trong ngành xe. Đáng chú ý trong đó là Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 và Giải đua xe ô tô địa hình, tạo nên những sân chơi hấp dẫn cho cộng đồng người yêu xe.
Sức “hồi sinh” mạnh mẽ của toàn thị trường ô tô Việt trong năm 2022 ngoài việc dịch Covid-19 được kiểm soát tốt còn là sự nỗ lực lớn từ phía hãng, đại lý với loạt chính sách kích cầu tiêu dùng hấp dẫn. Đặc biệt, không thể không kể đến ưu đãi 50% lệ phí trước bạ mà Chính phủ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Vẫn còn đó những khoảng xám
Mặc dù ghi nhận sức tăng trưởng ấn tượng, song bức tranh thị trường vẫn còn đó những mảng màu xám cần phải lưu tâm nhằm hướng tới sự phát triển ổn định, vững mạnh.
Trước hết, chúng ta vẫn chưa thể chủ động được nguồn cung khi biên độ tăng trưởng doanh số xe nhập khẩu (đạt 160.512 chiếc trong 11 tháng của năm 2022, tăng 46% theo năm) đang lấn át xe sản xuất, lắp ráp trong nước (đạt 208.822 chiếc, tăng 41% theo năm).
Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc của một số ông lớn ngành xe trong năm 2022 cũng vượt hơn hẳn so với xe sản xuất, lắp ráp nội địa. Đơn cử như Toyota Việt Nam tiêu thụ 8.678 xe ở 11 tháng năm 2022, trong đó lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.867 chiếc, xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 2.811 chiếc. Các hãng như Ford, Mitsubishi hay Suzuki lượng xe nhập cũng chiếm tới 70 – 80 % sản lượng doanh số xe bán ra trong cùng thời điểm.
Sức tăng trưởng doanh số của xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn bị lép vế bởi xe nhập khẩu nguyên chiếc
Những con số trên cho thấy dung lượng thị trường ô tô nội địa là tương đối nhỏ, sẽ không có lợi cho sự phát triển lâu dài. Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác. Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng từng lên tiếng cảnh báo: “Nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển đồng bộ thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô”.
Khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN tràn vào nhiều sẽ phần nào tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp đang đầu tư lớn vào công nghiệp ô tô trong nước.
Thêm vào đó, việc không thể chủ động về nguồn cung khiến nhiều mẫu xe không đủ số lượng bàn giao tới khách, dẫn đến tình trạng đại lý ngang nhiên kênh giá, bán hàng theo kiểu “mua bia kèm lạc” giá cao. Và người tiêu dùng là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất khi muốn sở hữu một chiếc xe vốn khá phổ thông nhưng lại phải chịu giá cao cùng thời gian chờ đợi không hề ngắn.
Đối với xe sản xuất nội địa, giá thành sản phẩm cũng đang cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do chỉ có một số linh kiện được sản xuất trong nước song sản lượng lại không đủ lớn để có mức giá tốt.
Tiếp đến, sức tiêu thụ ô tô vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Do đó, khi các Ngân hàng “siết room” tín dụng, hạn chế cho vay, lãi suất tăng cao, doanh số toàn thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại, chỉ tăng nhẹ trong tháng 10 và có dấu hiệu sụt giảm trong tháng 11/2022.
Cửa sáng trong thách thức
Mặc dù thị trường ô tô vẫn còn không ít khó khăn cũng như tồn đọng cần giải quyết, song trong “nguy” luôn có “cơ”. Và cơ hội của ngành xe Việt Nam trong năm tới là sức mua của người dân được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao. Thông tin từ Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường của Bộ Công thương Việt Nam cho hay, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, vốn là đối tượng khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Nền kinh tế “vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2023”, ông Andrew Jeffries Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định. Sự phát triển chung của nền kinh tế vĩ mô sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Thị trường ô tô Việt có rất nhiều cơ hội lớn ở phía trước
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước. Cụ thể, theo quy định tại Điều 7a nghị định 57 của Chính phủ, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất, gia công (lắp ráp) sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô giai đoạn 2020-2024 sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Nghị định 57 được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp cũng như hỗ trợ tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.
Các hãng mở rộng quy mô sản xuất nội địa để đáp ứng nguồn cung cũng như mang đến giá thành sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Trong đó, VinFast đã hợp tác với Tập đoàn An Phát (APH VN) để thành lập công ty TNHH linh kiện nhựa ô tô VinFast – An Phát (VAPA) nhằm cung cấp phụ tùng và linh kiện nhựa cho sản xuất ô tô, xe máy. Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã đề xuất đầu tư vào cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, phụ kiện cho ô tô tại Móng Cái, Quảng Ninh.
Hiện nay, sản lượng ô tô điện của VinFast không chỉ dần đáp ứng được nhu cầu trong nước mà đã xuất khẩu sang các thị trường bên ngoài.
TC Motor mới đây cũng đã khai trương nhà máy thứ 2 tại Ninh Bình. Đây là công trình thể hiện cam kết đầu tư lâu dài, bền vững của TC Group, Hyundai Motor vào lĩnh vực ô tô, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các nhà máy sẽ đưa tổng công suất xe Hyundai xuất xưởng đạt mức 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.
Cùng với đó, loạt xe nhập khẩu cũng dự kiến sẽ được chuyển sang lắp ráp như Toyota Veloz Cross, Avanza Premio, Innova; Hyundai Stargazer, Creta; Ford Territory; Suzuki XL7; BMW 3-Series, X3… hứa hẹn sẽ mang đến giá thành sản phẩm rẻ và dễ tiếp cận hơn cho người dân Việt, từ đó gia tăng doanh số toàn thị trường.
Xem thêm: Thị trường xe Việt rộn ràng không khí Tết
Ảnh: Internet
Nguồn: https://oto.com.vn/thi-truong-o-to/viet-2022-articleid-eccyhva
[ad_2]