[ad_1]

Thao túng chứng khoán, tâm lý đánh bạc và giám sát lơ là

Chiều 29-3-2022, Bộ Công an đã thông báo khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC để điều tra về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, theo quy định tại điều 211 Bộ luật Hình sự.

Thao túng chứng khoán, tâm lý đánh bạc và giám sát lơ là

Thao túng cổ phiếu: Bán “chui” và cấu kết với công ty chứng khoán “sân sau”

Theo những thông tin đến nay, những vi phạm của ông Quyết có hai loại. Thứ nhất, ông đã thực hiện bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10-1-2022. Gọi là bán chui là vì ông đã không làm đúng thủ tục công bố thông tin. Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho đến ngày 10-1-2022 không nhận được thông tin đăng ký bán của ông Quyết dù theo quy định ông buộc phải thông báo trước với tư cách là cổ đông nội bộ và sở hữu lượng cổ phiếu lớn.

Hành vi bán chui của các cổ đông nội bộ sở hữu nhiều cổ phiếu có thể gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư nhỏ, vì những người là cổ đông lớn, lại là cổ đông nội bộ thì biết được nhiều thông tin trọng yếu của doanh nghiệp niêm yết và thường giữ lượng cổ phiếu lớn. Nếu họ được bán mà không công khai thì có sự không công bằng về lợi thế mua bán so với nhà đầu tư nhỏ. Các nước đều có yêu cầu đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn là nhằm hạn chế sự bất công này, để cổ đông nhỏ biết rằng có một lượng lớn cổ phiếu sẽ được bán ra bởi những cổ đông nội bộ mà đề phòng. Vì vậy bán chui là một vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán. Ông Quyết đã bị phạt 1,5 tỉ đồng, hủy các giao dịch bán cổ phiếu, đồng thời bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán năm tháng.

Rõ ràng tâm lý đánh bạc cùng với sự giám sát lơ là tạo ra một môi trường lý tưởng cho các hành vi thao túng thị trường chứng khoán trở nên phổ biến.

Vi phạm thứ hai còn nghiêm trọng hơn. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ ngày 1-12-2021 đến ngày 10-1-2022, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết chỉ đạo nhân viên Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh, sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Nếu liên kết hai câu chuyện lại với nhau có thể thấy là ông Quyết đã cố tình thao túng giá cổ phiếu, dẫn dắt nhà đầu tư nhỏ vào mua cổ phiếu với giá cao để rồi ông ta có thể âm thầm bán chui trót lọt thu lợi nhuận lớn.

Việc hợp tác của các công ty chứng khoán “sân sau” làm giàu cho các ông chủ, “đội lái” và khách VIP đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường ở Việt Nam. Nhiều người chấp nhận thực tế đó với lời bào chữa rằng thị trường cổ phiếu Việt Nam còn sơ khai, chỉ mới xếp hạng thị trường cận biên, chưa lên được xếp hạng thị trường mới nổi nữa, nên chuyện thao túng giá cổ phiếu là bình thường. Cơ quan quản lý và nhà đầu tư vì vậy cũng thường giơ cao đánh khẽ mỗi khi có những vi phạm.

Lấy ví dụ cụ thể, những trường hợp làm giá cổ phiếu, phát hành mới, đẩy giá cổ phiếu tăng lên cả trăm ngàn đồng rồi rớt lại còn không được ba hay bốn ngàn đồng diễn ra rất phổ biến trong nhiều năm trở lại đây, mà những công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết cũng nằm trong số đó. Một người bạn của tôi khi đọc được tin ông Quyết bị bắt đã nhận định rằng: vậy cũng là sáu năm rồi khi ông Quyết “đại náo” thị trường chứng khoán Việt Nam. Sáu năm qua cơ quan quản lý đã làm gì với những câu chuyện giá cổ phiếu các công ty liên quan đến ông Quyết tăng giảm bất thường?

Thao túng thị trường, suy cho cùng, định sẵn là chuyện “đi đêm có ngày gặp ma”.

Các công ty niêm yết làm giàu nhanh như Thánh Gióng, bán giấy lấy tiền, vẽ dự án, tăng vốn không thực chất là những câu chuyện râm ran trong giới đầu tư cổ phiếu đã lâu. Và các ông chủ những công ty niêm yết đó không thể làm được như vậy mà không có sự tiếp sức của những ngân hàng thân hữu và công ty chứng khoán sân sau. Phát hành cổ phiếu, thao túng đẩy giá lên cao nhiều lần so với giá trị hợp lý, rồi thế chấp ở ngân hàng vay tiền ra để phù phép, chạy dự án rồi lại đẩy giá cổ phiếu làm nhiều vòng nữa. Cái sự bất thường đó khiến rất nhiều người làm việc trong ngành tài chính đều thấy có vấn đề, nhưng điều đáng ngạc nhiên là từ các cơ quan quản lý, chuyên gia tài chính của công ty chứng khoán cho đến một lượng không nhỏ nhà đầu tư trên thị trường vẫn nhắm mắt cho qua, thậm chí còn ủng hộ.

Nếu như cơ quan quản lý có lơ là, một số công ty chứng khoán có cấu kết với ông Quyết, thì bản thân một số nhà đầu tư cũng phải tự trách là chính mình đã tiếp tay cho ông Quyết qua việc chấp nhận để ông ta “tạo sóng”, làm giá cổ phiếu. Một điều thú vị có thể thấy là sau khi ông Quyết bán chui 75 triệu cổ phiếu vào ngày 10-1, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra phẫn nộ, yêu cầu xử lý hình sự ông Quyết, nhưng rồi sau đó họ vẫn mua “bắt đáy” cổ phiếu FLC với hy vọng rồi ông ta ra một trò chơi mới, đẩy giá cổ phiếu lên lại. Chính việc nhà đầu tư tặc lưỡi chấp nhận “thị trường mình nó thế”, và “chơi cổ phiếu” kiểu may rủi như đánh bạc, muốn làm giàu nhanh thay vì đầu tư cổ phiếu lành mạnh, nói không với những cổ phiếu bị thao túng như thế, thì thị trường vẫn mãi là thị trường cận biên đầy chiêu trò và thao túng. Chừng nào nhà đầu tư vẫn tay phải gõ phím chửi mắng, tay trái lại bấm mua cổ phiếu đó trên các ứng dụng giao dịch thì những trường hợp này 10 năm nữa e rằng vẫn sẽ y như thế.

Rõ ràng tâm lý đánh bạc cùng với sự giám sát lơ là tạo ra một môi trường lý tưởng cho các hành vi thao túng thị trường chứng khoán trở nên phổ biến.

Vậy làm sao để chuyện thao túng thị trường chứng khoán giảm bớt trong tương lai?

Giám sát và chế tài phải đi vào thực chất

Trước tiên là phải phạt thật nặng những cá nhân và tổ chức vi phạm. Cách đây mấy năm tôi hỏi vì sao ta có luật cũng gần như Tây mà thị trường cứ đủ loại thao túng. Anh Võ Trí Hảo, giờ là hiệu trưởng Đại học Gia Định, có nói là vì mức phạt của ta chưa đủ nặng.

Ngẫm ra đúng thật. Nếu chuyện tày đình như sai phạm bán chui 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị phạt có 1,5 tỉ đồng thì sẽ có rất nhiều lãnh đạo công ty niêm yết khác sẵn sàng chấp nhận bị phạt hành chính mà làm theo, vì lợi ích họ thu được là mấy chục thậm chí mấy trăm lần mức phạt. Mà không chỉ cổ đông lớn của công ty niêm yết bán chui cổ phiếu, chúng ta còn thấy nhiều công ty niêm yết chậm công bố thông tin trọng yếu, chậm nộp báo cáo tài chính… và chỉ bị phạt hành chính nhẹ nhàng. Nếu bây giờ chúng ta thay đổi phạt mỗi giao dịch bán chui hay thao túng thị trường 200-300% giá trị giao dịch (chứ không chỉ lợi nhuận), và cấm người bán chui làm lãnh đạo hay tham gia hội đồng quản trị công ty niêm yết 5-10 năm hay vĩnh viễn thì chắc vấn đề bán chui hay thao túng thị trường sẽ giảm.

Vấn đề thứ hai là cần phải đặt ra một cơ quan giám sát các công ty niêm yết độc lập với các sở giao dịch chứng khoán và cơ quan ban hành quy định về chứng khoán.

Hiện tại, mô hình hoạt động quản lý thị trường chứng khoán khiến cho các cơ quan quản lý chỉ là tham mưu cho Bộ Tài chính, trong đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán đều là gà cùng một mẹ cả, và liên quan lẫn nhau, khiến cho cơ quan ban hành luật, thực thi, và giám sát thực tế đều là có quan hệ thân quen ít nhiều.

Để việc giám sát thực chất thì cơ quan giám sát phải độc lập với các sở giao dịch chứng khoán và cơ quan làm luật, đặc biệt là độc lập với bộ phận làm việc trực tiếp thường xuyên với công ty chứng khoán và công ty niêm yết. Nói cách khác, thanh tra phải độc lập với bên cung cấp dịch vụ thị trường để tránh bao che lẫn nhau. Ngoài ra, các lãnh đạo sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải có trách nhiệm liên đới trong trường hợp không làm tròn trách nhiệm đảm bảo thị trường minh bạch, để xảy ra nhiều vụ thao túng thị trường. Có địa chỉ cụ thể người phải chịu trách nhiệm, có thanh tra độc lập thì mới đảm bảo quy định được thực thi nghiêm minh, tránh chuyện bán chui hay thao túng thị trường bị phạt hành chính nhẹ rồi xong.

Còn về phía nhà đầu tư, nếu hành vi thao túng thị trường chứng khoán bớt đi thì tự nhiên sẽ có sự thanh lọc thị trường khi mà những người mua với tâm lý đánh bạc, chạy theo “đội lái” không còn “dễ ăn” như trước. Lúc đó, chuyện “chơi chứng khoán” mới bớt đi và người ta mới đầu tư chứng khoán như một kênh tích lũy dài hạn.

Nhưng cũng cần nhận ra một thực tế là trên thị trường nước nào thì tâm lý đánh bạc vẫn có, và không thể loại trừ hoàn toàn, như ở Mỹ vẫn đang có những cổ phiếu được gọi là theo phong trào như Gamestop hay AMC. Khẩu vị nhà đầu tư trên thị trường là đa dạng, song quan trọng là đảm bảo rằng người ăn gian, thao túng thị trường sẽ bị trừng phạt, thì số đầu tư dài hạn vẫn sẽ đông hơn và thành công hơn. Cho đến nay trong số “đánh quả cổ phiếu” theo phong trào vẫn chưa ai làm giàu được như tỉ phú Warren Buffett với định hướng đầu tư giá trị dài hạn. Thao túng thị trường, suy cho cùng, định sẵn là chuyện “đi đêm có ngày gặp ma”.

Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Nguồn: https://vietstock.vn/2022/04/thao-tung-chung-khoan-tam-ly-danh-bac-va-giam-sat-lo-la-145-951303.htm

[ad_2]