[ad_1]

Với việc duy trì vững chắc các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, các chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm 2022-2023 sẽ dao động quanh mức 6-7%. Tuy vậy, khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt ngày càng lớn…

Thách thức nền kinh tế đang đối mặt ngày càng lớn

Phát biểu tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tiến trình phục hồi kinh tế từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

“Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo lạc quan, rất cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế – chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thách thức nền kinh tế đang đối mặt ngày càng lớn - Ảnh 1

Cũng tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm tới là tích cực nhờ việc duy trì vững chắc các yếu tố cơ bản của nền kinh tế cùng cơ hội từ quy mô dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và các hiệp định thương mại tự do (FTA)… song theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, ngoại trừ một số ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, tiệm cận với tốc độ trước dịch, hầu hết các ngành còn lại chưa về mức độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra.

“Hàng không và du lịch quốc tế phục hồi chậm. Bất động sản đang gặp thách thức lớn do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn. Sự khó khăn của ngành này đã dẫn truyền sang các ngành như xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng…”, Chủ tịch FiinGroup nhận định.

Cụ thể, CEO FiinGroup cảnh báo, cho dù ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt ở thời điểm này nhưng những khó khăn mà ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây.

“Những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: bất động sản và ngân hàng; cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Ở nước ta hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/cổ phiếu”, ông Thuân khuyến nghị.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, trong bối cảnh áp lực lạm phát ngày một gia tăng và sự suy giảm tăng trưởng diễn ra nhiều quốc gia, mối lo đối với Việt Nam chính là “đình lạm” – nghĩa là nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát tăng cao.

Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn cũng như mức độ thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế  – xã hội 2022-2023 và khả năng giảm thiểu tác động từ chiến sự Nga – Ukraine của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng của Việt Nam.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này, ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022 – 2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%.

Nguồn: https://vneconomy.vn/thach-thuc-nen-kinh-te-dang-doi-mat-ngay-cang-lon.htm

[ad_2]