[ad_1]
Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, đặc biệt là mảng đầu tư vào thị trường bất động sản…
Năm 2021, giá trị bất động sản Mỹ tăng xấp xỉ 30-40% ở hầu hết các phân khúc về bất động sản nhà ở và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
BẤT ĐỘNG SẢN 2021 ĐÃ TĂNG CAO
Trong suốt những tháng nửa cuối năm 2021, tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Covid-19. Các nước được xem như “đầu tàu” trên thế giới gồm Mỹ, các nước châu Âu và các nước ở châu Á Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng chịu tác động nặng nề bởi Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh Covid luôn là câu hỏi được đặt ra và ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển GDP của thế giới cũng như các cường quốc. Với bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới bị tác động, Việt Nam cũng không ngoại lệ và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc đầu tư của thị trường.
Theo nhận định của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, qua các thời kỳ khủng hoảng từ thế kỷ 19, 20, 21 những lĩnh vực đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước thường liên quan đến các vấn đề năng lượng (ở đây là dầu mỏ), vàng, kim loại quý và bất động sản. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhìn thấy.
“Bối cảnh pháp lý và các dự án bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn hiểu được vấn đề và họ rất kiên nhẫn trong việc tham gia thị trường vào giai đoạn này, đây là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư của họ”, ông Khương nói.
Bối cảnh thị trường kinh tế thế giới cũng như thị trường Việt Nam, với các dẫn chứng ở Mỹ và Châu Âu cho thấy đã bất động sản tăng đáng kể, đặc biệt là Mỹ. Trong năm 2021 vừa qua, giá trị bất động sản Mỹ tăng xấp xỉ 30-40% ở hầu hết các phân khúc về bất động sản nhà ở. Tại Việt Nam, dù dịch bệnh khó khăn nhưng bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng trong nhiều khu vực, đặc biệt là các tỉnh thành phố lớn của Việt Nam.
Các nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng mở rộng tài sản đầu tư là các quỹ đất ở các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Nha Trang. Các quỹ đất lớn là yếu tố mà họ rất quan tâm để mở rộng các khu đô thị sau này, đặc biệt là dọc theo các tuyến đường dọc các thành phố có đường biển dài.
“ĐIỂM NÓNG” THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM 2022?
TS. Khương cho biết thêm, đối với nhà đầu tư nước ngoài, câu chuyện bất động sản nhà ở với dân số 100 triệu là một cơ hội rất tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6-7%, đây là cơ hội cho họ nhìn thấy được nhu cầu nhà ở đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Dù gặp khó khăn về vấn đề pháp lý, về quỹ đất nhưng đây vẫn là cơ hội cho các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới nhìn nhận Việt Nam như một điểm nóng về thị trường bất động sản. Tuy mức độ đầu tư so với các nước khác rất nhỏ.
Nhận định về các đợt sóng bất động sản hay những đợt sốt đất được thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, theo TS. Khương “sóng” thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.
Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Hiện tại, dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy, dòng tiền sẽ “chảy” vào khu vực chứng khoán. Mà chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Bất động sản là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ. Đón sóng không dễ, và không phải ai đầu tư cũng thành công.
Trong năm 2022 – 2023, việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, nhưng nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư và chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của “sóng” đi lên trong 2022 – 2023.
TS. Khương cũng chỉ ra những rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý trong giai đoạn này, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế, thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất. Riêng về thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp.
Đối với người dân, với khoảng tầm 1 – 3 tỷ đồng để mua một sản phẩm nhà ở tại TP.HCM cũng là một câu chuyện lớn. Nếu rủi ro có xảy ra thì tính thanh khoản của sản phẩm sẽ đáng lo hơn là giá trị bị rớt giá, bởi vì những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân.
“Tôi nghĩ rằng nếu nhà đầu tư mua bất động sản để ở/sinh sống thì cũng cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu lướt sóng của nhiều năm trước nữa. Cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi thời gian chờ đợi quá lâu, việc “lướt sóng” của chúng ta sẽ bị hạn chế vì tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó. Đây là câu chuyện mà các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn cũng cần cân nhắc”, ông Khương chia sẻ.
[ad_2]