[ad_1]

Chính phủ đã đề xuất Quốc hội gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để phục vụ các dự án nhà ở xã hội. Số lượng nhà ở xã hội đến năm 2030 cũng được đề xuất giảm từ 1,4 triệu xuống còn hơn 1 triệu căn.

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, giảm mục tiêu số lượng nhà ở xã hội
Chính phủ đặt mục thúc đẩy nhà ở xã hội trong năm 2023.
Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Chính phủ đề xuất Quốc hội về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện tốt trong giai đoạn 2013-2016). Chủ đầu tư được dành 50% gói này, 50% còn lại dành cho khách hàng cá nhân.

Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Bộ Xây dựng đề xuất giảm gần 4 triệu căn nhà ở xã hội so với mục tiêu ban đầu

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu, nguồn vốn thực hiện cũng giảm 280.500 tỷ đồng.

7 dự án được UBND TP.HCM ưu tiên tháo gỡ

Tại cuộc họp của lãnh đạo TP.HCM với 6 doanh nghiệp bất động sản ngày 20/2, 7 dự án được đưa ra và đề xuất tháo gỡ gồm: 

  • Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7); Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú); Chung cư Cửu Long (phường 1, quận 4); Khu phức hợp Sóng Việt (công trình tại lô đất 1-17, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); Khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức); Dự án 30,2 ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức); Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).  

Đây đều là các dự án nhà ở và khu phức hợp có tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, do Novaland, Sơn Kim Land, Gamuda Land, CapitaLand, Gotec, An Thiên Lý làm chủ đầu tư

Các vướng mắc của những dự án này chủ yếu xoay quanh thủ tục tính tiền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng hoặc cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đa số chủ đầu tư đều khẳng định đã đủ điều kiện nhưng nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận sau cuộc họp lần này, UBND TP sẽ có kết luận chỉ đạo các vấn đề, nội dung mà doanh nghiệp đang gặp vướng.

Trung Quốc tung thêm biện pháp giải cứu bất động sản

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang ngầm loại bỏ quy định hạn chế chỉ được đấu thầu tập trung giá đất 3 lần trong 1 năm, từng công bố vào tháng 2/2021, nhằm vực dậy thị trường nhà đất, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Hiện các chính quyền địa phương đang đẩy mạnh đấu giá để thu hút những khách hàng mới và hỗ trợ ngân sách. 3.650 tỷ nhân dân tệ (tương đương 530 tỷ USD) trái phiếu của các chính quyền địa phương sẽ đáo hạn trong năm nay.

1200x_1_4_.jpg
Khi thị trường ảm đạm, số lượng giao dịch mua đất của các chủ đầu tư tư nhân đã giảm khoảng 80% trong năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã thông báo với ít nhất 2 thành phố, cho phép họ tổ chức nhiều đợt đấu giá đất trong năm 2023.

Suy thoái bất động sản đã khiến doanh thu từ việc bán đất của các chính quyền địa phương giảm 23% xuống còn 6.690 tỷ nhân dân tệ (976 tỷ USD) vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2018, trong khi nguồn thu này từng chiếm khoảng 30% thu nhập của các chính quyền địa phương. 

Theo China Index Holdings, số lượng giao dịch mua đất của các chủ đầu tư tư nhân đã giảm khoảng 80% trong năm ngoái. Tuy nhiên, sang năm 2023, giá nhà ở tại Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 16 tháng và ổn định trong tháng 1, sau khi chính quyền Trung Quốc tiếp tục tung thêm một loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với việc vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Trung Quốc còn có thể cho phép một số công ty bất động sản tăng đòn bẩy bằng cách tăng giới hạn vay và giãn thời gian ân hạn, hạ lãi suất đối với những người chưa sở hữu nhà, nếu giá nhà mới giảm liên tiếp 3 tháng… 

Các nhà băng cũng nghĩ ra những cách chưa từng có để khuyến khích vay mua nhà. Mới đây, một số ngân hàng tại Nam Ninh, Hàng Châu, Ninh Ba và Bắc Kinh nâng giới hạn tuổi của người vay mua nhà lên 80-95 tuổi. Điều này đồng nghĩa người 70 tuổi cũng có thể vay với kỳ hạn 10-25 năm. 

Thị trường địa ốc Mỹ suy giảm 2.300 tỷ USD

Theo Bloomberg, khi cơn “sốt” nhà đất trong thời kỳ đại dịch qua đi, giá trị của thị trường bất động sản tại Mỹ đã ghi nhận đợt suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.

Dựa trên số liệu từ Redfin, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã đạt đỉnh 47.700 tỷ USD vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này đã giảm 2.300 tỷ USD, tương đương 4,9%, trong nửa cuối năm 2022.

Đây là mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ cuộc khủng hoảng nhà ở năm 2008. Thời điểm đó, tổng giá trị nhà ở tại Mỹ đã giảm 5,8% từ tháng 6 đến tháng 12.

“Thị trường nhà đất đã giảm một phần giá trị. Tuy nhiên, hầu hết chủ sở hữu nhà vẫn sẽ gặt hái được khoản lợi nhuận lớn từ sự bùng nổ bất động sản trong thời kỳ đại dịch”, bà Chen Zhao, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của Redfin, chia sẻ.

Các nội dung đáng chú ý khác

Metro số 1 sắp đi vào hoạt động, giá chung cư dọc tuyến metro chạm mốc 450 triệu đồng/m2

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, được khởi công cách đây 11 năm với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án sẽ được đưa vào khai thác và vận hành vào cuối năm 2023. 

Để vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở vừa tạo nguồn khách dồi dào, sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đã quy hoạch những khu đô thị chức năng, quanh các nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Việc xây dựng các trạm tàu điện đã tạo đòn bẩy cho giá đất, giá nhà gần đó tăng cao hơn khu vực xung quanh. 

Khu phức hợp Grand Marina có lối lên xuống ga Ba Son nằm ngay trong khuôn viên dự án, đang được bán với giá dao động 390 – 450 triệu đồng/m2. Một dự án khác cũng nằm cạnh ga Ba Son là khu đô thị Vinhomes Golden River với tầm nhìn qua bán đảo Thủ Thiêm. Giá căn hộ sở hữu lâu dài tại khu đô thị này dao động từ 142 – 373 triệu đồng/m2.

Khởi công dự án 8.200 tỷ đồng ‘hồi sinh’ kênh Tham Lương

Vừa qua, dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư gần 8.200 tỷ đồng đã được khởi công, nhằm kết nối giao thông thuỷ TP HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.

kenh-tham-luong.png
Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Toàn tuyến dài gần 32 km, đi qua 7 quận huyện gồm: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Chánh; dự kiến hoàn thành vào năm 2025. 

Hà Nội rót 5.300 tỷ đồng làm đường song hành Vành đai 4 qua Hà Nội, duyệt hơn 13.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư

TP Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP.Hà Nội thuộc dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 58 km. Phạm vi xây dựng đường song hành phải và trái dài hơn 51 km, đi qua địa bàn 7 quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Theo quyết định, tổng mức đầu tư dự án là 5.388 tỷ đồng. 

Ngoài ra, UBND thành phố phê duyệt hơn 13.362 tỷ đồng cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2023, dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023 và hoàn thành toàn bộ Dự án thành phần 1.1 vào năm 2024.

TP.HCM sẽ bàn giao 90% mặt bằng làm Vành đai 3 trước ngày 30/6

Theo kế hoạch của Thành phố, trước ngày 30/6, tuyến Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn sẽ được bàn giao 90% mặt bằng, vượt 20% so với mục tiêu ban đầu.

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được đầu tư giai đoạn một dài hơn 76 km, tổng kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Toàn tuyến chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Trong đó, trên địa bàn TP HCM tuyến dài hơn 47 km, qua TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, tổng diện tích giải tỏa khoảng 412 ha, hơn 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng. Dự án sẽ khởi công giữa năm nay, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Dự kiến khởi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột trước ngày 30/6

Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hoà dự kiến sẽ được khởi công trước ngày 30/6/2023. Hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân tại các huyện có cao tốc đi qua đã đạt được 70%.

Theo quy hoạch, dự án dài khoảng 117,5 km, có quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/podcast-ban-tin-7-ngay-dia-oc-goi-tin-dung-110-000-ty-dong-giam-muc-tieu-so-luong-nha-o-xa-hoi-17932.html