[ad_1]
Đây là quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về dự thảo sửa đổi Nghị định 153…
Tại Đối thoại chuyên đề: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP”, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã có những chia sẻ về dự thảo sửa đổi trái phiếu doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Theo ông Hiếu, Nghị định 153 ra đời là điều bắt buộc, nhằm thực hiện những quy định mới của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp về cách phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đồng thời, khi xây dựng, các nhà làm luật đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Cụ thể, quy định phân biệt rất rõ về việc phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ.
“Chúng ta gọi là phát hành riêng lẻ nhưng thực chất theo tiếng anh phải gọi là phát hành kín. Thậm chí, phát hành giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức họ cũng không muốn chia sẻ quá nhiều thông tin của thương vụ. Đấy là cái mà các nhà làm luật hình dung”, ông Hiếu chia sẻ.
Với cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế như vậy, với phát hành ra công chúng thì đối tượng người mua (đầu vào) không hạn chế trong bất kỳ đối tượng nào. Hiểu đơn giản, bất kể một ai, một công dân nào dù có hiểu biết về thị trường hay không, đều có thể mua trái phiếu.
Do đó, nhà quản lý sẽ phải thắt chặt ở phía doanh nghiệp phát hành (đầu ra) như tăng các yêu cầu tỷ lệ để đảm bảo chất lượng trái phiếu… đồng thời vẫn phải cân bằng chi phí phát hành cho doanh nghiệp.
Còn với phát hành riêng lẻ, nhà quản lý muốn dành cho những nhà đầu tư là các tổ chức tài chính và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng nghĩa. Vì những nhà đầu tư này có kiến thức, có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định.
Được biết, mục đích phát hành trái phiếu riêng lẻ rất đa dạng. Ví dụ, một doanh nghiệp có thể lỗ nhưng họ rất cần một nguồn vốn bổ sung để khắc phục điểm lỗ đó. Và các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn thấy tiềm năng, họ sẵn sàng đầu tư để khôi phục lại doanh nghiệp đó.
“Mọi hạn chế bằng mắt thường trong chỉ tiêu tài chính có thể đều vô nghĩa. Nếu thêm các điều kiện ràng buộc cao hơn, nhiều khi chỉ làm tăng thêm chi phí về vốn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 153, Bộ Tài chính muốn đưa điều kiện xếp hạng vào trái phiếu riêng lẻ là không hợp lý.
Theo ông Hiếu, vấn đề không nằm ở thị trường sơ cấp, mà nằm chủ yếu ở người mua cuối cùng, tức thị trường thứ cấp. Nếu đặt quá nhiều điều kiện như xếp hạng tín nhiệm… sẽ không có ý nghĩa cho nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi, nhà đầu tư trên sơ cấp vốn đầy đủ khả năng để đánh giá.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, nếu tiếp tục hạn chế thanh khoản giao dịch trên thứ cấp mà không thay đổi bản chất thì tất cả những rào cản về hành chính đều có thể bị vượt qua.
“Khó nhất là để xác nhận làm nhà đầu tư chuyên nghiệp mà họ còn có được một cách dễ dàng. Nếu chúng ta không cẩn thận thì kết quả đạt được chỉ khiến Nhà nước bận rộn hơn, chi phí phát hành của doanh nghiệp tăng lên. Thậm chí còn tạo thêm tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư để họ lao vào như một con thiêu thân”, ông Hiếu nhìn nhận.
Chung quan điểm, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank cho rằng, phải quay lại đúng bản chất, tức đang nói đến trái phiếu riêng lẻ.
Hiện tại, trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng có thể coi như một dạng khế ước vay nợ tập thể và sẽ được thị trường tự ứng xử. Việc xếp hạng tín nhiệm giống như dãn thêm một chiếc tem nữa trên sản phẩm trái phiếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trong khi, chiếc tem này chỉ có ý nghĩa đánh giá mức lãi suất nào phù hợp cho từng loại trái phiếu phát hành (AAA, BBB hay CCC). Còn việc đánh giá khả thi về dòng tiền trả nợ hay tuân thủ cam kết của đơn vị phát hành… cần cơ chế khác chứ không phải xếp hạng tín nhiệm.
“Dường như yêu cầu xếp hạng tín nhiệm chỉ tạo thêm một rào cản, làm tăng chi phí vốn cho doanh nghiệp nhiều hơn là ý nghĩa quản lý. Nhà quản lý cần cân nhắc khi áp dụng theo cách bắt buộc hay không”, ông Đức nêu quan điểm.
[ad_2]