[ad_1]

Lãnh đạo Bộ Xây dựng, chuyên gia đều cảnh báo về hiện tượng các nhóm cấu kết với nhau “ôm hàng”, “tạo sóng”, ” thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Ôm hàng, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo

Nhiều dấu hiệu cho thấy sốt đất đang quay trở lại. Qua ghi nhận, nhiều nơi giá đất được thổi cao hơn so với thời điểm “đỉnh” đầu năm. Các phiên đấu giá “nóng hổi” với lượng người tham gia đông, ồn ã với kết quả trúng cao ngất ngưởng.

Mới đây báo chí đưa tin phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng. Hầu hết các lô cũng được “đấu” mức cao hơn nhiều so với sàn.

Cũng ở khu vực này, từ giữa tháng 11 đến nay xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực lân cận diện tích đất mà một tập đoàn bất động sản lớn vừa đấu giá trúng. Theo ghi nhận, có lô đất giá ban đầu 3 tỷ đồng, nhưng được bán với giá 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá bắt đầu chững lại và xuất hiện tình trạng bỏ cọc.

Một phản ánh khác cho thấy, các khu dân cư ở vùng gần Khu kinh tế Vũng Áng (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng “nóng” hầm hập khi giá cả tăng gấp đôi, có lô đất đầu năm hơn 200 triệu đồng, nay được trả giá 400 triệu đồng/m ngang.

Ngoài Hà Nội, các khu vực vùng ven như Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh… cũng đều được “hô” giá cao hơn so với thời điểm sốt đầu năm.

Nhóm đầu cơ 'ôm hàng', thổi giá đất, chuyên gia 'sợ' bong bóng phình to

Hình ảnh đám đông nhà đầu tư ở dự án đất nền (Ảnh: IT)

Nói với Dân trí, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại. Những người có đất thì “hô” giá trên trời, nhà đầu cơ thì tha hồ “thổi giá”, người mua ái ngại, cuối cùng không có mấy giao dịch.

“Giá tăng cao quá, bị “thổi” nhiều, không đi kèm với giá trị, do vậy đường cung – đường đầu khó gặp nhau; có dấu hiệu của một nguy cơ bong bóng bất động sản trong tương lai”, ông Nghĩa lo ngại.

“Khi giá đất tăng, người sở hữu lại càng tiếp tục kỳ vọng còn cao giá hơn nữa. Cung – cầu đi song song nhau. Chỉ cần cú sốc thì thị trường sẽ gánh hệ lụy lớn”, ông Nghĩa lo ngại.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại một hội nghị mới đây cũng cho biết có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, ” thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Nguy cơ thị trường bong bóng ngày càng cao

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sốt đất hiện nay và cứ lặp đi lặp lại thời gian qua là xuất phát từ vấn đề nguồn cung. “Đội đầu cơ lũng đoạn nắm được vấn đề là nguồn cung không có, nhu cầu buộc phải “chạy” về vùng ven rất cao nên tăng ôm hàng rồi sau đó thổi giá”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết, giới đầu cơ dùng mọi chiêu trò, tối đa hóa lợi ích, ôm hàng, găm hàng và dẫn đến những hậu quả tai hại cho thị trường, quy hoạch. “Người mua có nhu cầu thật cũng không mua được, vì giá quá cao. Người bán thì không bán được nhưng vẫn đưa ra giá trên trời, lúc đó là bong bóng. Nguy cơ thị trường bất động sản bong bóng ngày càng tăng”, ông Nghĩa cảnh báo.

Cũng theo vị chuyên gia, giá bất động sản ngay sau đợt sốt hạ nhiệt cũng không chịu giảm; cần có các biện pháp căn cơ cho vấn đề này chứ không chỉ đơn thuần cứ mỗi lần “sốt” thì lao vào “dập”.

Về giải pháp xử lý căn cơ, Chủ tịch Hội môi giới Nguyễn Văn Đính cho rằng không còn cách nào là tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.

Còn về giải pháp trước mắt để xử lý cơn sốt đất đang “đe dọa” thị trường, theo ông Đính, các địa phương sẽ cần sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm.

Đưa ra lời khuyến cáo với giới đầu tư, Chủ tịch Hội môi giới lưu ý đến các vấn đề như pháp lý, quy hoạch. Bất động sản không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp sự phát triển chung đều có thể dẫn đến rủi ro, bởi địa phương có thể điều tiết chính sách, không hỗ trợ cho việc chia tách sổ; Còn nếu không phù hợp quy định pháp luật thì sẽ bị thu hồi.

[ad_2]