[ad_1]
Đến năm 2030 cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ. Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đưa ra 5 giải pháp gợi mở, để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông nhiều năm và tạo động lực tăng trưởng cho vùng…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Ngày 23/10, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ giữa nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chính thức bàn giao công việc cho người kế nhiệm là ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Cũng trong ngày hôm nay, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có những chia sẻ về việc tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vùng Đông Nam Bộ, tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM DỰ KIẾN TRIỂN KHAI
Theo tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ lên đến khoảng 738.500 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách trung ương bố trí khoảng 60.800 tỷ); giai đoạn 2026 – 2030 cần khoảng 396.500 tỷ.
Theo đó, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ tập trung đầu tư tại vùng Đông Nam Bộ.
Thứ nhất, về đường bộ, các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM được triển khai gồm: hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương, Gò Dầu – Xa Mát, Chơn Thành – Đức Hòa, Chơn Thành – Gia Nghĩa.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo quy hoạch.
Hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chia thành 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, đang phấn đấu khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm.
Toàn cảnh hội nghị – Ảnh: VGP.
Thứ hai, về đường sắt: sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Thứ ba, với đường thuỷ nội địa: cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc…
Thứ tư, về hàng hải: nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thứ năm, về nâng cấp hạ tầng hàng không: đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm; hoàn thành nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo; nghiên cứu, khôi phục Cảng hàng không Biên Hòa – Vũng Tàu.
Cùng với đó, phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, khu vực và quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các hành lang kinh tế trọng điểm; xây dựng trung tâm logistic hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics gắn với cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước.
Nhiều năm qua, vùng Đông Nam Bộ vẫn luôn giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Năm 2020, GRDP của vùng chiếm khoảng 33% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm khoảng 36% cả nước.
Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế vùng Đông Nam Bộ chịu nhiều kìm nén là do hạ tầng giao thông kém phát triển.
NĂM GIẢI PHÁP GỠ “ĐIỂM NGHẼN”
Đưa ra một số giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, giải pháp đầu tiên cần làm là cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
Hai là, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư.
“Cần đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Ba là, đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng.
Bố trí kịp thời, đầy đủ vốn đầu tư công trung hạn, đồng thời kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương.
Bốn là, sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; ứng dụng công nghệ trong tổ chức, điều hành giao thông đô thị, đẩy mạnh giải pháp chống ùn tắc giao thông nội đô…
Nguồn: https://vneconomy.vn/nam-giai-phap-go-diem-nghen-va-hut-gan-740-000-ty-dong-nang-cap-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo.htm
[ad_2]