[ad_1]
2021 là năm deepfake trở nên phổ biến, trong đó xuất hiện một số video lan truyền mạnh trên mạng xã hội và hàng triệu lượt xem.
Deepfake là sự kết hợp giữa “deep learning” và “fake” – công nghệ nổi lên từ 2018. Công nghệ này sử dụng AI để phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, sau đó tái tạo và chỉnh sửa bằng hình ảnh hoặc video khác. Reuters dẫn lời các nhà nghiên cứu rằng dù mới xuất hiện vài năm, deepfake đã tiên tiến tới mức khiến người xem khó có thể nhận biết video nào là giả, trong khi người dùng có thể tạo deepfake chỉ với một ứng dụng trên smartphone.
Video giả Tom Cruise
Hồi đầu tháng 3, tài khoản TikTok Deeptomcruise đăng ba video về một người có khuôn mặt giống tài tử Hollywood Tom Cruise đang thực hiện nhiều hành động khác nhau, như hướng dẫn chơi golf, giới thiệu podcast. Sau 5 ngày, video thu hút hơn 8 triệu lượt xem, 23.000 bình luận và 35.000 lượt chia sẻ.
Tuy nhiên, video lan truyền nhất được đăng vào tháng 8, mô tả khoảnh khắc Tom Cruise “giả mạo” soi gương, khoe bộ đồ và đôi giày mới, với 42 triệu lượt xem và hơn 2,1 triệu lượt thích. Đây cũng là deepfake lan truyền mạnh nhất năm qua.
Theo CNet, người đứng sau loạt video deepfake về Tom Cruise là Chris Ume, một nghệ sĩ về hiệu ứng hình ảnh. Ông sử dụng AI và dành nhiều thời gian xử lý hậu kỳ để cho ra đời những video như thật.
Deepfake biến ảnh tĩnh thành video
Cũng trong tháng 3, trang MyHeritage đăng loạt video được tạo từ hình ảnh của người đã khuất. Các video xuất hiện trên YouTube sau đó nhận được hàng trăm nghìn tới hơn một triệu lượt xem.
Theo MyHeritage, các video được dựng bằng Deep Nostalgia – công cụ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt kỹ thuật số D-ID của Israel kết hợp phần mềm điều khiển AI riêng để tạo hoạt ảnh cho ảnh tĩnh. Tuy nhiên, Deep Nostalgia sẽ không có tính năng ghép giọng nói vào video.
Tái hiện Paul McCartney thời trẻ trong MV ca nhạc
Nam ca sĩ Paul McCartney của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles hiện 78 tuổi và được Hyperreal Digital – công ty chuyên tạo nội dung kỹ thuật số siêu thực – “trẻ hóa” nhờ deepfake. Trong video ca nhạc Find My Way, McCartney bước ra từ phòng khách sạn, nhảy múa trên hành lang đầy năng động. Video nhận 4,7 triệu lượt xem kể từ tháng 7.
Deepfake hoán đổi khuôn mặt
Năm nay, trào lưu tạo video ghép mặt vào các nhân vật nổi tiếng nở rộ không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Face Play, một trong những công cụ hoán đổi khuôn mặt bằng AI, thậm chí đứng đầu danh sách các ứng dụng thịnh hành trên hai kho App Store và Play Store hồi giữa năm.
Tập đoàn FPT cũng từng sử dụng công nghệ deepfake để tạo clip quảng bá cho sự kiện FPT AI Conference trong tháng 8. Video thu hút sự chú ý và lan truyền mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam.
‘Bản sao’ của Elon Musk
Giữa tháng 12, video quay một thanh niên trông giống Elon Musk từ điệu bộ khuôn mặt đến kiểu tóc đứng cạnh xe điện Tesla đã nhanh chóng gây sốt trên Douyin và 9gag.
Nhiều ý kiến cho rằng video này có thể chỉ là sản phẩm deepfake – công nghệ giúp chỉnh sửa và ghép khuôn mặt bằng AI để trông như thật. Dù vậy, cũng có người nhận xét việc tìm thấy ai đó giống Elon Musk ở đất nước tỷ dân không phải là điều bất khả thi.
Hiện video trên có phải deepfake hay không vẫn đang gây tranh cãi, trong khi danh tính của người đàn ông trong video vẫn chưa được xác định, ngoài cái tên “Yi Long Musk” được một số người dùng trên mạng đặt cho.
Bảo Lâm
[ad_2]