[ad_1]
Lần này liệu có khác?
Nhà đầu tư cá nhân đang là động lực chính trong xu hướng tăng hiện tại của thị trường chứng khoán. Nhưng, đây cũng là nhóm nhà đầu tư ít kinh nghiệm và chưa trải qua những giai đoạn thăng trầm của thị trường. Vì thế, bài viết này hy vọng có thể cung cấp cho nhóm nhà đầu tư mới một số góc nhìn khác nhau về thị trường và phương pháp đầu tư.
Lần này sẽ khác
Giai đoạn 2020-2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) khi VN-Index tăng mạnh hơn 130%. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) tin tưởng vào xu hướng tăng dài hạn của thị trường và hầu hết mang tâm lý hưng phấn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng dù thị trường đang tăng tốt thì giai đoạn khủng hoảng hoặc điều chỉnh mạnh (crash) vẫn có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Thứ nhất, những cuộc khủng hoảng hay điều chỉnh mạnh trên thị trường diễn ra rất thường xuyên. Lần gần nhất, NĐT chứng kiến sự điều chỉnh như vậy là khi Covid-19 xuất hiện năm 2020, thị trường giảm mạnh 34% trong vòng 2 tháng, hay năm 2018 thị trường điều chỉnh 27% từ tháng 4-7/2018. Nếu kiểm tra lại dữ liệu quá khứ sẽ thấy rất nhiều giai đoạn như vậy. Tuy nhiên, với những NĐT mới tham gia thị trường từ 2021 thì chưa từng trải qua những giai đoạn này.
Thứ hai, TTCK giai đoạn này đang mang nhiều đặc điểm của một “bong bóng”. Theo Hyman P. Minsky, một bong bóng tài sản sẽ trải qua 5 giai đoạn: (1) chuyển đổi, (2) bùng nổ, (3) sự hưng phấn, (4) thu lợi nhuận và (5) hoảng loạn. Trong đó, Minsky mô tả giai đoạn 2 và 3 như sau:
- Giai đoạn 2 – bùng nổ: Chứng kiến giá tăng chậm trong thời gian đầu, sau đó tăng ngày càng nhanh do có nhiều người tham gia thị trường. Điều này tạo điều kiện cho sự bùng nổ. Giai đoạn này sẽ thu hút truyền thông, nỗi sợ về việc bỏ lỡ cơ hội chỉ có 1 lần trong đời sẽ thôi thúc việc đầu tư nhiều hơn và thu hút thêm nhiều nhà giao dịch.
- Giai đoạn 3 – sự hưng phấn: Trong giai đoạn này, sự thận trọng sẽ trở thành hiện thực, vì giá tài sản tăng mạnh. Định giá ở mức cao và các phương pháp mới được đưa ra để biện minh cho sự gia tăng không ngừng.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy TTCK đang có những đặc điểm của giai đoạn 2 và 3. Nếu thực sự thị trường hình thành “bong bóng” thì một giai đoạn hoảng loạn (giai đoạn 5) có thể xuất hiện và quét sạch thành quả của NĐT nhanh chóng.
Thứ ba, “lần này sẽ khác”. Nhiều NĐT thường nghĩ khủng hoảng hay sự sụp đổ của thị trường là một thứ xa vời và việc tăng giá nhanh chóng của thị trường không phải “bong bóng”, lần này sẽ rất khác những lần trước đây (những lần kết thúc trong hoảng loạn). Người viết hoàn toàn đồng ý với cách nhìn nhận này của NĐT. Nếu đợt tăng giá đó xuất phát từ các yếu tố nội tại thì không có gì để nói, nhưng nếu không phải thì sao? Nếu vậy thì một giai đoạn điều chỉnh mạnh đang chờ đợt ở phía trước.
Thành thật mà nói, không biết liệu thị trường có đang hình thành “bong bóng” không hay khi nào đi vào pha điều chỉnh. Việc dự báo những vấn đề này hết sức khó khăn, ngay cả với những NĐT “lão làng”. Tuy nhiên, sự hiểu biết về khả năng xuất hiện một đợt điều chỉnh mạnh hay thậm chí là hoảng loạn có thể giúp NĐT mới có được những ý niệm ban đầu về giai đoạn mất mát có thể diễn ra. Từ đó có những chuẩn bị tốt hơn nếu thật sự giai đoạn đó xuất hiện.
Người viết không nói thị trường có thể điều chỉnh ngay ngày mai hay năm tới, vì dự báo sự điều chỉnh (sự bất hợp lý) như vậy là điều bất khả thi, như John Maynard Keynes đã nói: “Thị trường có thể tồn tại bất hợp lý lâu hơn mức bạn có thể hình dung”. Thay vào đó, việc theo dõi diễn biến hiện tại và có sự chuẩn bị trước những diễn biến bất thường (nếu có) là điều hợp lý hơn.
Đừng quá “yêu” cổ phiếu
Sai lầm của nhiều NĐT trên thị trường là quá “yêu” một cổ phiếu hay nắm giữ cổ phiếu đó khi xu hướng tăng hiện tại không còn được ủng hộ. Hành động nắm giữ quá lâu của NĐT có thể đến từ kỳ vọng giá có thể tăng trở lại, viễn cảnh tươi đẹp của doanh nghiệp trong tương lai, hay đôi khi vì từng kiếm được rất nhiều từ cổ phiếu đó. Tuy nhiên, hãy thành thật với bản thân. Chúng ta, những nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính, mục đích chính là lợi nhuận. Chúng ta đọc, học và nghiên cứu nhiều thứ để tạo ra lợi nhuận.
Cổ phiếu đó có thể tạo ra lợi nhuận lớn trong quá khứ nhưng không có nghĩa sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận tương ứng trong tương lai. Khi nội tại doanh nghiệp hoặc môi trường kinh doanh thay đổi, giá trị của doanh nghiệp có thể thay đổi rất nhiều.
HPG là một ví dụ trong trường hợp này. Sau khi tạo đáy từ tháng 3/2020 quanh vùng 9,000-10,000 đồng/cp, HPG đã tăng lên mức 58,000-59,000 đồng/cp, tỷ suất sinh lợi 500%, đà tăng này đến từ nhiều yếu tố cơ bản (nhiều báo cáo của công ty chứng khoán đã đề cập đến vấn đề này). Với mức sinh lời như vậy trong chưa đầy 2 năm, quả thật là điều đáng mơ ước. Tuy nhiên, khi cổ phiếu này bắt đầu điều chỉnh từ tháng 11/2021, với những tín hiệu bán (giá cắt xuống đường MA50 và vùng hỗ trợ 55,000, đây là tín hiệu bán theo phân tích kỹ thuật) xuất hiện thì nhiều NĐT vẫn nắm giữ cổ phiếu. Kết quả là, họ phải gánh mức thua lỗ lên đến 20% nếu tính từ đỉnh và 13% nếu tính từ thời điểm tín hiệu bán xuất hiện.
Không biết liệu xu hướng giảm này có tiếp tục hay cơ bản của HPG có thay đổi hay không. Nhưng có một điều rằng: Nếu bán khi có tín hiệu, chúng ta đã tránh được đợt sụt giảm sau đó. Còn nếu bán sai, chúng ta có thể mua lại khi những tín hiệu tăng được xác nhận trở lại. Chiến lược này hợp lý hơn nhiều so với việc nắm giữ cổ phiếu khi có tín hiệu bán. Việc mua và nắm giữ trong dài hạn để tránh những biến động trong ngắn hạn thường được sử dụng với những tổ chức lớn hay NĐT chuyên nghiệp với khối lượng tài sản lớn, trong khi chiến lược này lại không phù hợp với đa số NĐT cá nhân mới ở hiện tại. Chúng ta cần biết “yêu” đúng lúc và biết từ bỏ “tình yêu” đó khi không còn phù hợp.
Tóm lại, NĐT cá nhân cần thận trọng và có sự chuẩn bị cần thiết nếu giai đoạn hoảng loạn hay suy giảm mạnh (nếu có) xuất hiện. Đồng thời, nên cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu khi xuất hiện tín hiệu bán, dừng nắm giữ cổ phiếu khi xu hướng tăng không còn được ủng hộ.
—
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về chiến lược giao dịch của NĐT cá nhân và thị trường. Những NĐT này có quyết định mua bán bị ảnh hưởng nhiều từ cảm tính, thông tin, ít có những phân tích độc lập và chuyên sâu về tài sản đầu tư. Quan điểm đầu tư này khác hoàn toàn với chiến lược đầu tư của các quỹ với đội ngũ phân tích chuyên nghiệp và có chiến lược đầu tư cụ thể, rõ ràng.
Trần Trương Mạnh Hiếu
[ad_2]