[ad_1]
Hoàng đế Khang Hy là vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, tại vị 61 năm, Ngài đã tạo nên kỉ lục trị vì lâu nhất của một hoàng đế cổ đại. Thời kỳ Khang Hy là thời kỳ thịnh vượng nhất của nhà Thanh, ngoài việc bản thân Khang Hy là vị hoàng đế anh minh lỗi lạc, điều quan trọng nhất, Khang Hy là vị hoàng đế thương dân, biết dùng nhân tài, bởi vậy có rất nhiều quần thần khiêm trung, tài năng theo phò tá Ngài.
Có rất nhiều câu chuyện thú vị được ghi chép lại giữa đế Khang Hy và các quan đại thần trong triều.
Khang Hy từng đặt một câu hỏi cho tất cả các quan đại thần trong triều, tuy nhiên không một ai có thể trả lời, riêng chỉ có một người, và đáp án chỉ gồm có 8 chữ, điều này khiến Khang Hy vô cùng bất ngờ, không tiếc lời khen ngợi.
Vị đại thần khiêm tốn, tài giỏi và trung thành
Trương Ngọc Thư là một danh tướng của triều đại nhà Thanh, địa vị của ông cũng cao giống như Cao Thân, ông phụ trách phụ giúp hoàng đế Khang Hy các việc triều chính, cai quản hàng trăm quan lại.
Gia thế nhà họ Trương là nhà dòng dõi Nho học, năm lên 5 tuổi, cha của ông là Trương Cửu Chính thi đạt bậc tiến sĩ triều Thuận Trị. Dưới sự thúc giục của cha, Trương Ngọc Thư từ nhỏ đã tinh thông và làm quen với các tác phẩm kinh điển, năm 19 tuổi ông đỗ tiến sĩ. Năm đó, Khang Hy mới 8 tuổi, Ngài vừa mới đăng cơ hoàng đế, rất cần một đại thần trung thành phò tá.
Sau này, mỗi khi có vấn đề gì, Khang Hy cũng đều tham khảo ý kiến của Trương Ngọc Thư, do đó đế Khang Hy đánh giá rất cao về ông, điều này khiến con đường làm quan của ông ngày một suôn sẻ!
Năm 48 tuổi, Trương Ngọc Thư trở thành tể tướng của vương triều. Khi hoàng đế Khang Hy đích thân đến Cát Nhĩ Đan, Trương Ngọc Thư là đại thần duy nhất đi theo, Khang Hy đến cung điện Thịnh Kinh thờ cúng tổ tiên, mỗi ngày Khang Hy đều có ông đi theo phò tá.
Nói về lí do “Vì sao đế Khang Hy lại trọng dụng Trương Ngọc Thư như vậy?”, chủ yếu có 2 điểm như sau: Đầu tiên, Trương Ngọc Thư là một người không màng quyền lực, hư vinh, ông là người hiểu được tâm tư của hoàng đế, tính tình lương thiện, nói năng từ tốn, chậm rãi, lời ông nói ra luôn khiến mọi người cảm thấy rất có đạo lý.
Hơn nữa, nhà họ Trương 3 đời đều là tiến sĩ, Trương Ngọc Thư là một người tài năng xuất chúng, bản thân ông cũng biên soạn các tác phẩm kinh điển quan trọng, như “Minh Sử”, “Khang Hy Tự Điển”.
Mỗi khi Khang Hy có câu hỏi hoặc khúc mắc gì, Trương Ngọc Thư đều trả lời một cách hoàn hảo. Ngoài ra, có một giai thoại thú vị giữa hoàng đế Khang Hy và ông, qua đó cho thấy trí tuệ thâm sâu của ông.
Câu trả lời 8 chữ khiến Khang Hy không ngớt lời khen
Một lần, đế Khang Hy hỏi các quần thần trong triều: “Thế gian này thứ gì béo nhất, thứ gì gầy nhất?”
Những câu hỏi của hoàng đế không phải đưa ra vì cảm hứng nhất thời, mà là để “nhìn rõ” lòng trung thành, tài năng của các đại thần.
Các quan đại thần nghe xong vô cùng ngạc nhiên, họ nhìn nhau một lúc, cũng có người thử cố gắng trả lời, nhưng Khang Hy sau khi nghe xong đều không đáp lại.
Cuối cùng, Ngài hướng sự chú ý vào Trương Ngọc Thư, Trương Ngọc Thư điềm tĩnh, trả lời một cách thận trọng: “Bẩm bệ hạ, thần nghĩ, ‘Mưa xuân béo nhất, sương thu gầy nhất‘”.
Khang Hy nghe xong hết sức vui mừng, không tiếc lời khen ngợi. Theo nghĩa bề mặt thì là nói về các hiện tượng tự nhiên như: gió, sương, mưa,… Trên thực tế, Trương Ngọc Thư đã dùng 8 chữ đầy “ẩn ý”, qua đó thể hiện sự quan tâm đối với tình hình sản xuất nông nghiệp của thiên hạ, lòng thương dân của một vị quan đại thần lo cho bách tính, điều này khiến Khang Hy rất vui.
Vào năm Khang Hy thứ 49, Trương Ngọc Thư 68 tuổi ngã bệnh, thỉnh cầu Hoàng đế cho từ chức quan, nhưng Khang Hy không nỡ làm như vậy, Ngài năm lần bảy lượt cố giữ ông lại.
Sau này, khi Trương Ngọc Thư qua đời, Khang Hy mười phần tiếc thương, Ngài đã ban cho ông một sự ủng ái rất cao, Ngài không chỉ đích thân viết cho ông câu đối phúng điếu, mà còn phong cho ông hàm tước “Thái tử thái bảo”.
Trương Ngọc Thư sống một đời khiêm tốn, suốt 50 năm làm quan, ông đã ‘cống hiến’ cuộc đời của mình cho nhà Thanh, cho nhân dân bách tính. Tuy nhiên, danh tiếng của ông thì người đời sau không biết đến nhiều, danh tiếng cũng giống như cuộc đời ông, luôn cống hiến và âm thầm tỏa ngát cho đời.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Sound Of Hope (Lý Tịnh Nhu)
[ad_2]