[ad_1]
Đối với người Hà Lan, trẻ em được đặt ở vị trí trung tâm. Cha mẹ luôn coi con là những cá nhân riêng biệt, cho con quyền tự lập, tự do và làm nhiều điều mình muốn.
Tại Hà Lan, các bậc cha mẹ hiểu rằng, thành công không đảm bảo hạnh phúc nhưng hạnh phúc có thể nuôi dưỡng thành công. Chính vì thế, mục đích giáo dục trẻ của họ là tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc.
Dưới đây là 5 bí quyết “vàng” được các bậc cha mẹ Hà Lan áp dụng:
Không áp lực học tập
Trẻ em Hà Lan ở cấp độ tiểu học sẽ không có bài tập về nhà, không học gạo để thi. Ở tất cả các trường tiểu học tại đất nước này, trẻ bắt đầu đi học từ 4 tuổi. Nhưng đến 6 tuổi, trẻ mới chính thức theo học chương trình học tập có cấu trúc, bao gồm đọc, viết và cả số học.
Nếu trẻ có sự tò mò với những môn học này sớm hơn, chúng sẽ được cung cấp tài liệu để tự khám phá. Trẻ học tập dựa trên ý thức tự giác, không bị thúc giục hay bắt ép, điều này khiến trẻ cảm thấy tự có trách nhiệm với việc học của mình hơn.
Bố mẹ luôn hạnh phúc
Để tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, quan trọng là gia đình, cha mẹ của chúng cũng phải vui vẻ và hạnh phúc. Phụ huynh nước này rất thực tế, họ hiểu rằng bản thân và con cái đều cách xa sự hoàn hảo. Không phải họ không đấu tranh với những rắc rối của cuộc sống mà là họ biết bao dung, tha thứ cho những thiếu sót của mình.
Người Hà Lan làm việc trung bình 29 giờ/tuần và dành ít nhất một ngày trong tuần cho con cái. Họ cũng biết cách dành thời gian cho bản thân, không làm giúp trẻ những việc chúng có thể tự làm, tin tưởng vào việc khuyến khích độc lập ở độ tuổi thích hợp, giữ vai trò bình đẳng trong việc nuôi dạy con cái và chăm lo nhà cửa. Quan trọng nhất là, họ tự tin và bình tĩnh khi làm cha mẹ.
Kỷ luật không dựa trên hình phạt
Tại Hà Lan, trẻ được khuyến khích hành động tự phát. Trẻ chơi đùa tốt còn hơn lặng lẽ vâng lời. Cha mẹ để trẻ thỏa sức khám phá thế giới xung quanh. Đối với phụ huynh nước này, bản chất của kỷ luật là giảng dạy hành vi phù hợp với xã hội, không hình thành dựa trên hình phạt.
Trẻ được khuyến khích sống thân thiện, tranh luận lịch sự. Kỷ luật không phải là ép buộc con phải làm gì, theo dõi, giám sát, đe dọa hoặc la mắng chúng. Khi trẻ làm đúng, hãy khen ngợi, khích lệ; khi trẻ làm ra những hành động không thể chấp nhận được, nên ngăn chặn một cách kiên quyết.
Khuyến khích vui chơi ngoài trời
Trẻ em Hà Lan được hưởng tự do rất lớn. Chúng tự đạp xe đến trường, đến nhà bạn bè sau giờ học, đi chơi trên đường phố mà không có người lớn đi kèm. Dù trời mưa hay nắng, trẻ vẫn mặc áo khoác có mũ trùm đầu hoặc mang theo ô ra ngoài, thoải mái tham gia các hoạt động như bình thường.
Người Hà Lan luôn ra ngoài trong mọi điều kiện thời tiết. Trẻ nhỏ cũng vậy, chúng được khuyến khích vui chơi ngoài trời, bất kể thời tiết là gì. Với vai trò bình đẳng trong gia đình, trẻ được dạy tự túc và nhận trách nhiệm từ nhỏ. Việc vui chơi ngoài trời mà không có người giám sát sẽ giúp trẻ hình thành sự độc lập và cứng rắn. Trẻ vui chơi cả ngày ở bên ngoài còn hơn là ngồi xem TV hay dán mắt vào các thiết bị điện tử.
Ăn sáng cùng gia đình
Hiếm có đất nước nào mà gia đình ngồi ăn sáng cùng nhau như ở Hà Lan. Tại các gia đình ở Mỹ và Anh, bữa sáng thường xuyên bị bỏ qua, ai nấy đều vội vàng để ra khỏi nhà đúng giờ.
Người Hà Lan hiểu tầm quan trọng của bữa sáng. Khi ăn sáng đầy đủ, họ sẽ giảm nguy cơ ăn vặt những thực phẩm không lành mạnh trong ngày, giảm nguy cơ béo phì và tăng khả năng tập trung của trẻ ở trường. Đặc biệt, việc ăn sáng cùng nhau giúp các thành viên thân thiết với nhau hơn, giúp gắn kết tình cảm gia đình.
Bên cạnh đó, trong những dịp sinh nhật hay lễ kỷ niệm, người Hà Lan thường tập trung vào việc quây quần, đoàn tụ bên nhau hơn là mua tặng những món quà hào nhoáng, đắt tiền. Người Hà Lan chọn thời gian chứ không phải tiền bạc, xem xét tính thực tế của món quà hơn là giá tiền của chúng.
Xem thêm: 4 điểm cha mẹ càng lười, con tương lai càng thành công, xuất chúng
[ad_2]