[ad_1]
Mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói của một người đều sẽ bộc lộ rõ ra tính cách, phẩm chất, tâm tính và góp phần quyết định cuộc đời của người ấy là thông thuận hay trắc trở. Do vậy, việc tu dưỡng, học tập đạo làm người làm việc trong cuộc sống của các bậc hiền nhân là vô cùng quan trọng.
1. Hành thiện quý ở hiếu thảo, tu thân khó ở lúc một mình
Trên thế giới này, rất nhiều sự tình đều có thể chờ đợi duy chỉ có hiếu thảo là không thể chờ đợi. Hiếu thảo với cha mẹ là hành thiện lớn nhất. Con cái chu cấp cho cha mẹ đồ ăn, đồ dùng là hiếu thuận và có lẽ nhiều người có thể làm được. Nhưng không để cha mẹ phải lo lắng, không làm cho cha mẹ thất vọng, luôn giữ vẻ mặt vui vẻ với cha mẹ thì không phải ai cũng có thể làm được.
Chú ý đến lời nói và hành vi của bản thân mình trước người khác là việc mà nhiều người đều có thể làm. Nhưng thận trọng với từng suy nghĩ từng hành vi của bản thân khi ở một mình là điều rất khó làm. Nó là định lực của nội tâm. Cổ nhân chú trọng tu thân, mỗi ngày đều soi xét lại bản thân mình xem có lỗi lầm gì để sửa đổi. Khi không có ai ở bên cũng thận trọng như bước trên băng mỏng, như đứng trước vực sâu, không buông thả bản thân, không vượt quá khuôn phép. Thận trọng khi ở một mình là một cách tự hạn chế bản thân, cũng là tu dưỡng cần thiết của mỗi người.
2. Nhân phẩm quý ở chính trực, tâm địa quý ở phúc hậu
Nhân phẩm lấy chính trực, ngay thẳng làm gốc. Chính trực là nền tảng của làm người, là trụ cột của sự sống và là căn bản của đối nhân xử thế. Làm người phải chính trực, làm việc phải chân chính, đúng đắn, đường đường chính chính. Tục ngữ nói: “Thân thẳng thì không sợ bóng nghiêng, chân thẳng thì không sợ giầy lệch”. Người chính trực thì tâm mới an, tinh thần mới thoải mái.
Người có tâm địa lương thiện, phúc hậu thì tính tình luôn ôn hòa, nhân tâm cao thượng, trước sau đều khiêm tốn nhún nhường. Người phúc hậu là người rộng lượng, hiểu rõ bao dung, trọng nghĩa thủ tín. Bởi vì không tranh thắng thua nên người phúc hậu rất nhiều khi khiến người khác cảm thấy họ giống như “bậc đại trí giả ngu”. Người phúc hậu khiến người khác tin cậy, thoải mái và cảm động từ đó mà họ được nhiều người nguyện ý kết thâm giao, kính trọng.
3. Đối nhân quý ở chân thành, xử thế quý ở khiêm tốn
Bản tính chân thật là kho báu trời sinh của mỗi người. Một người có bản tính chân thật, tấm lòng chân thành thì khi đối xử với người nhà sẽ đạt đến mức “chí thân, chí hiếu, chí tình, chí thâm”. Còn khi đối với bạn bè, họ sẽ không có tâm tính toán, mưu mô mà luôn trong sáng vô tư và hết lòng. Đối với người khác, họ sẽ có thể khoan dung rộng lượng, không so đo thiệt hơn. Đối với sự vật, họ có thể tự tìm được niềm vui ở trong ấy.
Trong “Sử ký” có viết rằng, thời trẻ Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo đạo lý làm người. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”, ý nói người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ. Khổng Tử còn cho rằng, một người phải phải bỏ khí kiêu ngạo và tâm dục vọng thì mới có thể trở thành thánh nhân. Đây được gọi là “Bậc đại trí giả ngu”.
4. Làm người quý ở thiện tâm, làm việc quý ở tận tâm
Cổ ngữ nói: “Hưởng thụ vật chất khiến một người khoái hoạt nhất thời, còn thiện tâm khiến một người hạnh phúc cả đời”. Thiện tâm là lòng tốt, là chân tình, là tình yêu thương và là một loại cảm xúc tốt đẹp nhất của nhân loại. Người có thiện tâm sẽ có một cuộc sống hạnh phúc nhất. Thiện tâm cũng giống như nước vậy. Nó có thể chảy đến và làm tươi mát những nơi khô cằn, làm thỏa mãn cơn khát của nội tâm con người. Người thiện tâm sẽ không bị làm phiền hay xáo động bởi đủ loại phiền phức và mâu thuẫn trong cuộc sống. Do đó, hạnh phúc và vui vẻ luôn đến bên cạnh họ.
Tận tâm làm việc là thể hiện một người có trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp và giữ chữ tín. Cổ ngữ nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, vô luận là làm việc gì nếu có thể tận tâm làm hết sức mình thì cho dù sự tình thành hay bại trong tâm chúng ta cũng không nuối tiếc.
5. Nói năng quý ở khiêm tốn hòa nhã, cử chỉ quý ở thận trọng
Nói năng khiêm tốn hòa nhã tốt cho xử thế, hành vi khiêm tốn tốt cho làm người. Những người có tu dưỡng khi nói chuyện đều hòa nhã, từ tốn. Hơn nữa, họ không dễ dàng tỏ thái độ, không dễ dàng đưa ra kết luận, mà luôn thận trọng, càng không nói những lời tức giận phỉ báng làm tổn hại người khác.
Đất nhờ biết hạ mình mà thành biển cả, người nhờ biết hạ mình mà thành bậc Đế vương. Làm người khiêm tốn mới có thể giảm thiểu đi những phiền nhiễu và trở ngại ở mức lớn nhất, mới dễ dàng gặt hái được thành công trong sự nghiệp.
Khi một người khiêm nhường đặt mình ở chỗ thấp thì địa vị của người ấy trong lòng người khác sẽ cao. Khiêm tốn làm người, mọi việc mới dễ thuận buồm xuôi gió. Cao quý mà không hiển lộ ra, tài năng mà không khoe khoang, mới là cảnh giới tối cao của nhân sinh.
6. Giàu có quý ở nhân từ, bần cùng quý ở có chí
Người xưa nói: “Vi phú đương nhân” (giàu mà có lòng nhân từ), làm người cần phải có một trái tim nhân từ, trái tim nhân từ là chân tâm bản tính vốn có của chúng ta.
Người bần cùng nhưng chí không thể ngắn, con người chỉ cần có chí khí, có mục tiêu theo đuổi, dốc lòng mà thực hiện thì nhất định có thể thực hiện được ước mơ của bản thân mình.
“Chí” là chí khí, ý chí, chí hướng, là mục tiêu theo đuổi của đời người, là thể hiện sự quyết tâm. Người có ý chí, mọi việc ắt đều sẽ thành công.
7. Dưỡng sinh quý ở tĩnh tâm, ẩm thực quý ở thanh đạm
Tĩnh có thể dưỡng thần, đồng thời có ích lợi cho tuổi thọ. Tĩnh là đạo của trời đất, con người chỉ khi hợp nhất với đạo của trời đất thì mới có thể tĩnh tâm và kéo dài được tuổi thọ của mình.
Nhà thơ, nhà thư pháp nổi tiếng triều Thanh, Trịnh Bản Kiều từng viết một bộ câu đối để khái quát về cuộc sống thường nhật của ông: “Thanh thái la bặc tháo mễ phạn, ngõa hồ thiên thủy cúc hoa trà” (Rau xanh, củ cải, cơm gạo lức. Uống trà hoa cúc, nước thiên nhiên). Ẩm thực hàng ngày của Trịnh Bản Kiều chính là rau xanh, củ cải, gạo lức và uống trà hoa cúc pha nước thiên nhiên. Nhà của ông được lợp bằng loại ngói thông dụng truyền thống của địa phương. Bởi vì Trịnh Bản Kiều cho rằng cách sống thanh đạm này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho việc tu dưỡng tâm tính.
[ad_2]