[ad_1]

Hạnh phúc hay đau khổ chính là nằm ở việc bạn muốn đứng ở vị trí nào mà nhìn nhận

Có lần chồng tôi (vốn hơi đoảng) đã bỏ quên ví trên taxi vì vào xe ngồi bị cấn mông nên rút ví để bên cạnh, rồi cứ thế xuống xe mà quên ví. Sự việc lặp lại hai lần liên tiếp như thế chỉ cách nhau vài tháng. Trong ví không có tiền mặt nhiều nhưng toàn bộ giấy tờ, thẻ các thứ trong đó, kể cả thẻ tín dụng.

Lần đầu thì may mắn trúng ngày làm việc nên chồng tôi liên hệ ngân hàng khóa thẻ thành công. Lần thứ hai thì không được may mắn như thế vì rơi trúng buổi tối cuối tuần, chồng tôi không liên hệ ngân hàng được ngay mà tôi chẳng hiểu vì sao thẻ tín dụng ở đây là chỉ quẹt mà không cần bấm mã số. Thế là bao nhiêu hạn mức trong thẻ đi đứt hết, chúng tôi sau đó phải trả nợ thẻ cho những khoản chúng tôi không hề chi tiêu. Chưa kể công sức và chi phí phải đi làm lại các giấy tờ quan trọng nữa. Tôi xót xa lắm, bình thường thì cũng cố tự an ủi như là “của đi thay người” này nọ nhưng gặp đúng lúc khó khăn nên tôi không khỏi bày tỏ thái độ tiếc nuối, trách móc của tôi với chồng.

Trong một lần tôi đang than ngắn thở dài như thế, chồng tôi hạ miếng che nắng trên xe trước mặt tôi, mặt sau nó có một chiếc gương nhỏ, chỉ cho tôi xem bộ dạng khuôn mặt của tôi ngay lúc đó. Trời đất, trong gương là một mụ già cau có xấu xí mà tôi không bao giờ mong muốn mình trông giống như thế cả. Rồi chồng tôi mới từ tốn bảo tôi rằng:

“Em à, việc đã xảy ra rồi. Tiền cũng đã mất rồi. Tổn thất chỉ nên dừng ở đó thôi. Nếu em cứ tiếp tục như vậy thì anh e rằng tổn thất mà sự việc đem lại về mặt tinh thần và sức khỏe cho em, rồi cho anh, nó còn lớn hơn số tiền mà chúng ta đã mất đi nữa”. Tôi thở dài, nhưng ngẫm thấy có lý.

Thế là tôi tập quên đi sự việc. Cứ mỗi lần thoáng nhớ tới thì đành chặc lưỡi mà giả dụ rằng cái người đã tiêu tiền của mình đúng lúc họ gặp ngặt nghèo thì thôi cũng đáng. Quả thực nghĩ thế tôi không còn cảm thấy nặng nề như búa tạ đè lên ngực nữa và gương mặt của tôi vui vẻ lên thì cũng dễ coi hơn nhiều. Và dĩ nhiên chồng tôi cũng đỡ phải chịu những áp lực không đáng có từ phía tôi.

Hạnh phúc hay đau khổ chính là nằm ở việc bạn muốn đứng ở vị trí nào mà nhìn nhận.2
(Ảnh minh họa)

Sau này có thêm nhiều chuyện khác xảy ra và chồng tôi đã giúp tôi nhận ra rằng tâm thế hạnh phúc hay đau khổ nó không nằm ở hoàn cảnh vật chất mà hoàn toàn có thể định đoạt bằng ý thức của chúng ta. Chẳng hạn như với số tiền mất đi mà tôi cứ dằn vặt, tiếc nuối mãi thì quả là một sự hành hạ cho chính bản thân tôi và cả cho chồng tôi nữa. Nhưng khi nghĩ rằng số tiền đó đã giúp được ít nhất một người, một gia đình lúc họ ngặt nghèo, thì tôi lại thấy nhẹ nhõm hẳn và như thế cũng làm cho không khí xung quanh tôi nhẹ nhàng đi nhiều. Sự việc là không đổi, nhưng cách nó tác động đến ta thế nào thì hoàn toàn có thể thay đổi được.

Thế mới có chuyện người ta hay nói những câu như là “nghèo mà vui”, rồi “giàu mà bất hạnh”. Dĩ nhiên không phải luôn luôn là như thế, nhưng nó không đến nỗi vô lý như tôi từng nghĩ. Hạnh phúc suy cho cùng chẳng phải nằm ở những thứ ta sở hữu được – sự giàu sang, quyền lực, nhan sắc, tình yêu, hay bất cứ cái gì – mà chính ở việc ta ý thức về các sở hữu đó như thế nào.

Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, trưởng thành trong sự đầy đủ thì đối với nó sự đầy đủ về vật chất đó là một cái gì đó hiển nhiên trong cuộc sống, nó sẽ chẳng thấy gì đáng lưu tâm hay sung sướng mà tận hưởng cả. Và đứa trẻ đó sẽ lại lao đầu đi tìm cái gọi là hạnh phúc ở những nơi chốn khác, và nó hoàn toàn có thể thấy mình không hạnh phúc. Tương tự như thế, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầm ấm, bình yên thì nó cũng sẽ coi đó là lẽ đương nhiên của cuộc sống, cho đến khi nó được trải nghiệm sâu về cái gọi là va chạm, đổ vỡ trong nhiều kiểu gia đình khác, thì nó mới ngộ ra những thứ mình đã từng may mắn có được.

Người theo Kitô giáo nói chung được dạy và thực hành hằng ngày một thói quen rất hay là cảm ơn đức Chúa trời về những điều cơ bản nhất trong cuộc sống mà họ có được – đó là bữa ăn hằng ngày, quần áo đủ mặc giày dép đủ mang, chiếc giường ấm êm khi đêm xuống, và một mái nhà che nắng che mưa. Bằng cách ấy người cầu nguyện sẽ luôn ý thức được sự đủ đầy và may mắn của mình, hơn bao nhiêu người khác còn phải bữa đói bữa no, hay tệ hơn nữa là đêm về phải lấy sân ga làm giường hay gầm cầu làm nhà. Ý thức được về những gì mình có không những giúp ta hạnh phúc hơn mà còn giúp phát triển tâm thiện nguyện, mong muốn được sẻ chia. Còn ngược lại thì quả là bất hạnh khi cứ luôn thấy mình thiếu thốn hơn người khác, và như thế bao nhiêu cũng muốn giành về mình, trở thành người ích kỷ lúc nào không hay.

Chúng tôi đang sinh sống giữa lòng Trung Đông, nơi phụ nữ phải mặc choàng, trùm đầu và che mạng. Trước khi đến đây, cũng như bao người khác, tôi vẫn thường hay thắc mắc làm sao họ chịu được, chấp nhận và vui vẻ được trong hoàn cảnh như thế. Bây giờ ở ngay đây, có nhiều cơ hội quan sát và tiếp xúc, tôi thấy còn rất nhiều điều khác họ phải sống cùng mà với chúng ta – những người đến từ một nền tảng khác – sẽ thấy bất tiện vô cùng. Nhưng tôi đã hiểu ra rằng họ không hề cảm thấy bất tiện, họ cũng hạnh phúc như chúng ta thôi, có khi hạnh phúc hơn chúng ta nữa. Họ sinh ra lớn lên trong nền văn hóa ấy và chưa từng trải nghiệm điều gì khác như thế, thì những cái chúng ta cho là bất tiện đối với họ lại là những điều hẳn nhiên phải như thế. Họ mặc abaya hay trùm hijab thì cảm giác cũng sang trọng và quý phái như khi phụ nữ ta mặc áo dài đội mấn mà thôi. Tóm lại, hạnh phúc là tâm thái mãn nguyện với điều mình có và đau khổ chỉ xuất hiện khi có sự so sánh và khát khao những điều không phải của mình. Phương Tây có câu ngạn ngữ nổi tiếng là “cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia đồi” là như vậy, nó nhắc nhở chúng ta về tâm thái ấy.

Hạnh phúc hay đau khổ chính là nằm ở việc bạn muốn đứng ở vị trí nào mà nhìn nhận.1
Trung Đông, nơi phụ nữ phải mặc choàng, trùm đầu và che mạng. (Ảnh qua haber.sol.org.tr)

Đến đây tôi lại nhớ cách đây vài năm trong một bài phỏng vấn, một ông đại gia bất động sản nào đó cho rằng nên “cách ly” người nghèo ra khỏi người giàu. Phát biểu ấy của ông bị làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng dội lại như vũ bão. Lúc ấy tôi có đùa với bạn bè rằng cái ông này xem ra lại nhân văn chứ. Cả làng cả xóm ai cũng nghèo như nhau, xuềnh xoàng như nhau, vui chơi giải trí bình dân đơn điệu như nhau thì sự thiếu thốn cũng trở thành bình thường như hơi thở vậy thôi. Chứ như mà tôi đạp xe cọc cạch đưa con đến trường thấy con người ta được đưa đón bằng BMW thì kể ra cũng có chút chạnh lòng, khổ sở chứ.

Tôi chẳng rõ lý do thật sự đằng sau phát biểu của ông ấy là gì, nhưng là thế nào đi nữa thì tôi cũng cho rằng ông ấy bị mắng oan do phát ngôn bất cẩn đúng ngay vào chủ đề nhạy cảm thôi, chứ xã hội mà chúng ta đang sống không cần ông ấy phân chia cũng đã tự đặt những lằn ranh vô hình giữa các tầng lớp dân cư rồi. Nếu không thì làm sao lại xuất hiện những cụm từ được sử dụng ngày càng phổ biến như “khu đô thị cao cấp’, “xóm nghèo”, “chung cư cao cấp” rồi lại “chung cư dành cho người thu nhập thấp”… nữa. Ranh giới là đó, sự phân cấp xã hội là đó, ai cũng biết, chỉ xin đừng gọi tên rành mạch cứ như ấn định, nhắc nhở người ta về thân phận của mình.

Trong vùng vịnh Bengal có hòn đảo Sentinel, nơi cư ngụ của một bộ tộc thổ dân vẫn sinh sống như thời nguyên thủy, họ từ chối mọi sự tiếp cận của thế giới văn minh. Dĩ nhiên trong thời hiện đại mà nhìn thấy hình ảnh những người thổ dân trần truồng, ngây ngô giương cung bắn theo những chiếc máy bay ngang qua thì ai cũng tò mò muốn tìm hiểu họ sống như thế nào. Những người thích phiêu lưu thì ngoài sự hiếu kỳ hẳn nhiên còn mang theo đầy những lý do tốt đẹp để khám phá như là giao lưu, giới thiệu văn hóa, văn minh, và giúp đỡ họ bằng vật chất, thuốc men. Mới đây lại có tin một nhà truyền giáo người Mỹ bị giết khi cố gắng tiếp cận tìm hiểu hòn đảo.

Không ai biết họ tổ chức cuộc sống như thế nào, chăm sóc bản thân ra sao, nhưng họ đã tồn tại đến ngày nay với hình thức đó thì thử nghĩ xem họ có cần sự can thiệp của thế giới văn minh hay không? Họ không cần quần áo giày dép gì cả để rồi sớm muộn cũng sẽ dòm nhau xem đồ kia là hàng chợ rẻ tiền hay có mác Chanel hay Gucci thứ thiệt. Họ không cần biết thêm một tôn giáo nào cả để gây thêm chia rẽ hận thù. Họ càng không cần giao lưu thiết lập quan hệ ngoại giao với ai cả vì họ không cần tham gia vào thế giới của những đồng minh, phe cánh này. Họ không cần thêm một thứ gì ngoài những thứ đã giúp họ tồn tại từ bao đời nay, họ không cần sự so sánh. Và tôi cũng đồng ý với đa số ý kiến của cộng đồng mạng trên thế giới – hãy để cho họ được yên.

Theo Trí Thức VN

Xem thêm

[ad_2]