[ad_1]

Tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc – thúc đẩy tăng trưởng” do báo Đầu tư tổ chức các diễn giả cho rằng bất động sản đang dần phục hồi trở lại, tuy nhiên thị trường vẫn cần được tháo gỡ về pháp lý.

Giai đoạn khó khăn nhất với thị trường bất động sản sắp qua?

Góp ý tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc – thúc đẩy tăng trưởng” do báo Đầu tư tổ chức sáng 19/4, ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc Tổng CTCP  Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã: DIG) nêu ý kiến: “Khó khăn với thị trường bất động sản thì ai cũng đã nhìn thấy, các doanh nghiệp cũng đã cảm nhận. Cá nhân tôi cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất với thị trường bất động sản sắp qua”.

Lý giải về nhận định trên, ông Tăng chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, sau quý I/2023 khá trầm lắng, chúng ta có thể thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy mạnh đầu tư công, thông qua việc thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại nhiều địa phương. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cũng giúp nhiều nhóm doanh nghiệp, trong đó có nhóm bất động sản.

Thứ hai, Chính phủ đã nhiều lần gửi thông điệp chính thức nhằm tháo gỡ Thị trường bất động sản, sau nhiều cuộc họp và chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn. Các cuộc họp tập trung bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Trong đó, đặc biệt là hướng đến các nhóm giải pháp, chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì nhiều dự án được giải tỏa…, nhưng trên hết là củng cố niềm tin cho thị trường.

Thứ ba, dòng vốn tín dụng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, dù chưa tác động ngay trong ngắn hạn nhưng lãi suất có xu hướng giảm sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Kết với với những chuyển động tích cực hơn từ hoạt động M&A các dự án bất động sản, tôi tin thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phục hồi trong từ giai đoạn cuối quý III/2023.

Vừa qua, Nghị quyết 33 đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành 4 nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng và các quy định về trình tự, thủ tục triển khai dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…, đồng thời, yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục, song thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi để được giải quyết về mặt pháp lý.

Về phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc DIC Corp chỉ mong với các dự án đủ hồ sơ, đủ tiêu chuẩn thì sớm được cấp phép. Ngược lại, nếu dự án chưa đủ theo các tiêu chí thì cũng mong nhận được quyết định từ các bộ, ngành hay các đơn vị liên quan để doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch triển khai.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường… Tất cả các vấn đề này xuất phát từ hệ thống pháp lý, chính sách…

“Chính phủ đã nhận thấy vấn đề và bắt đầu có động thái xử lý, tìm biện pháp tháo gỡ. Với vấn đề nguồn vốn thì có các gói hỗ trợ…, trái phiếu doanh nghiệp vướng mắc có Nghị định 65, Nghị định 08. Nguồn vốn có rồi, định hướng rõ tới sản phẩm nhà ở xã hội… nhưng điểm nghẽn cơ bản cuối cùng phải xử lý là pháp lý, làm thế nào để các dự án được phê duyệt, được tham gia thị trường… Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì các dự án đầu tư mới được giải quyết các câu chuyện cơ bản”, ông Đính nói.

Để giải quyết triệt để vấn đề thị trường hiện nay, Chủ tịch VARS có một số đề xuất. Thứ nhất, xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm này sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại.

Thứ hai, xây dựng và sớm ban hành các quy định quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư… Đây là các vấn đề bị vướng nhiều nhất theo thống kê của chúng tôi.

Chẳng hạn, không phê duyệt giá đất thì không được cấp phép xây dựng, dự án đắp chiếu nằm chờ. Đặc biệt, chuyển nhượng dự án là vấn đề mong sớm được xử lý. Các doanh nghiệp suy yếu nhiều sau 2 năm đại dịch, không thể tiếp cận vốn, cần chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư có năng lực, từ đó thoát nợ, có vốn mới… Nhưng quy định là phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng, nhiều dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng, để có sổ đỏ còn cần rất nhiều năm…

Theo ông Đính, cần nghị định ngắn có tính chất cởi mở để có thể chuyển nhượng được dự án, đặc biệt là các dự án đã xử lý gần xong… đẩy nhanh việc đưa dự án mới tham gia thị trường, tạo nguồn cung hàng…

Thứ ba, các doanh nghiệp phải cấu trúc, tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, không chỉ nhằm sinh tồn mà để giảm giá thành sản phẩm.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/giai-doan-kho-khan-nhat-voi-thi-truong-bat-dong-san-sap-qua-24448.html