[ad_1]
Ngụy Hi, một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều Thanh, từng nói: “Ta không hiểu như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” của người ấy là sẽ biết. Ta không hiểu được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết”.
Trong đời, phân biệt được chính – tà, quân tử – tiểu nhân xem ra là chuyện không dễ dàng. Tuy vậy, đây đó vẫn có những tiêu chuẩn nhất định giúp chúng ta nhận rõ được 2 loại người này.
1. Khi khó khăn mới biết được ai sẽ chân thành
Khi gặp khó nạn và cần đến sự giúp đỡ, xem khi đó hỏi ai còn bên bạn hay không? Đây sẽ là dấu mốc để dễ bề nhận rõ kẻ tiểu nhân, sẵn sàng đạp lên lợi ích, tôn nghiêm, nguyên tắc và thậm chí là mạng sống của người khác để mưu cầu lối thoát cho riêng mình. Tệ hơn còn sẵn sàng bồi thêm một hai nhát dao chí mạng khiến nạn nhân càng lúc càng rơi vào vòng nguy hiểm.
Bạn khổ nhọc lao động, làm việc, trong khi đó những kẻ tiểu nhân chỉ đứng một chỗ, đợi sẵn để hái quả ngọt. Bạn trồng cây, kẻ tiểu nhân ngồi dưới hóng mát, lợi dụng con đường sẵn có mà bạn khổ sở vạch ra, đến lúc thành công, họ vội đứng lên nhận công và sẵn sàng gạt phắt bạn ra ngoài. Nếu thất bại, trách nhiệm tất nhiên sẽ thuộc về bạn.
Nếu trong công việc mắc sai lầm hoặc hành động, ngôn từ của bản thân không đúng, kẻ tiểu nhân sẽ một mực không thừa nhận mà tìm một người thế thân gánh nạn. Kiểu người này rất “mồm mép”, có thể đổi trắng thay đen, có thể khiến mọi người nhầm lẫn mà lan truyền đi những thông tin sai sự thật.
Thậm chí có những lúc sự thật vì thế mà bị giấu nhẹm đi và cho dù được phát hiện khi việc đã rồi, mức độ ảnh hưởng của nó cũng đã không còn nữa.
Đối với kẻ nhu nhược thì chỉ bo bo giữ mình, ôm chặt quyền lợi của bản thân, không quan tâm đoái hoài tới người khác. Với hai kiểu người này, không cần lãng phí thêm thời gian dành cho họ nữa.
Những người bạn có can đảm và nghĩa khí sẽ ở lại bên cạnh bạn lúc này, đây mới là những người bạn chân thành, đáng để đặt niềm tin và đối xử thật lòng.
2. Đối diện lợi ích mới xem được nhân phẩm
Danh lợi là một loại thuốc gây nghiện và là một sự cám dỗ lâu dài mà người ta rất dễ mắc phải. Muốn biết nhân phẩm một người có đáng tin cậy hay không, hãy đặt trước mặt họ một số cám dỗ lợi ích với mức độ tùy thuộc vào nguyên tắc và sự kiên nhẫn của đối phương.
Nếu họ bắt đầu tỏ thái độ phân vân suy tính, lập lờ nước đôi, “gió chiều nào che chiều ấy”, thì nên dè chừng và quan sát nhiều hơn. Đừng vội đặt trọng trách hay quyền lực lớn vào tay họ.
Những người vì chút lợi nhuận nhất thời mà sẵn sàng bán đứng giá trị đạo đức, nguyên tắc và bạn bè thì càng không nên dại dột mà kết giao. Họ chỉ là tiểu nhân bị vật chất làm mờ mắt, không thể kiềm chế được lòng tham. Quen biết kiểu người này là nguy hiểm nhất, vì họ như một quả bom hẹn giờ, bất cứ lúc nào cũng có thể đe dọa tới quyền lợi của bạn.
Đừng xem trọng bề ngoài vì nó có thể đánh lừa bạn. Đừng xem trọng sự giàu sang vì nó có thể mất dần. Những người có thể giữ được bình tĩnh và nguyên tắc khi đối mặt với tiền bạc, họ sẽ chẳng có lý do gì để phản bội bạn bè.
3. Cần ý kiến biết trí huệ
Nếu bạn cần đối phương giúp đưa ra một ý kiến quan trọng, từ cách thức và câu trả lời của họ để hiểu trình độ học thức của người đó.
Nếu câu trả lời không mang tính xây dựng, chỉ bông đùa vu vơ thì có khả năng người này nông cạn về mặt tri thức, hoặc giữ thái độ hời hợt trong mối quan hệ với bạn.
Nếu họ có thể phân tích nguyên nhân, gốc rễ của những vướng mắc như tình cảm, tâm lý, hành vi… và hỗ trợ bạn đưa ra phương án giải quyết cuối cùng thì người bạn này rất đáng để kết giao. Họ vừa lý trí, vừa thấu cảm và giỏi quan sát mọi người.
4. Hỏi thị phi, xem ý chí
Hãy nói những câu chuyện phải trái đúng sai để xem ý kiến của đối phương có phân định rõ được hay không. Nếu một người trả lời ba phải, không rõ ràng mà chỉ trốn tránh vấn đề, hoặc không dám biểu đạt bản thân thì bạn có thể nhìn ra thái độ của họ từ đáp án đó.
Ở cùng với tiểu nhân, nếu không thể tránh được cùng làm chung, thì cần phải biết ẩn mình. Không nên khinh suất bộc lộ quan điểm, cũng không nên nhẹ dạ nói với họ điểm tốt/xấu, mạnh/yếu của mình, cũng không bình phẩm người khác với họ hoặc khi có mặt họ. Những lời vô tâm có thể trở thành vũ khí để họ để công kích người khác nói ra.
Ngược lại, nếu đối phương nêu rõ quan điểm chính xác, nói có sách mách có chứng, đưa ra lập luận xác đáng để minh chứng cho kết luận của mình thì bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy tầm nhìn và nguyện vọng của họ.
5. Giải quyết vấn đề biết được nhân cách
Qua sự phản ứng về thái độ và ngôn từ của người đối diện có thể hiếu rõ tâm tính của họ. Nếu một người không thể tranh luận thắng, sau đó tỏ thái độ phớt lờ và chiến tranh lạnh, muốn ép bạn nhún nhường ngược lại thì không nên kết giao.
Nếu họ thắng bạn rồi thể hiện thái độ huênh hoang, khiêu khích và tự cao thì nên tránh xa. Nếu đối phương có thể bình tĩnh và tỉnh táo thảo luận với bạn từ đầu tới cuối, chứng tỏ họ có được tâm tính tốt đẹp, hiền hòa và đầy bản lĩnh, xứng đáng để học tập và kết thân.
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử cũng có nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”
Có nghĩa là: “Xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, thì sẽ biết anh ta là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”
Nhìn vào lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế, thái độ và hành động của một người khi phản ứng những vấn đề khác nhau sẽ giúp chúng ta quan sát, nhận ra tính cách thật sự của một người. Từ đó, bạn mới có thể chọn bạn mà chơi, chọn người mà tin.
Hằng Tâm
[ad_2]