[ad_1]
Được mất, danh lợi của đời người chính là chỗ khảo nghiệm con người. Giữa những vướng mắc lợi ích, tranh chấp danh lợi, người đó có thể đối diện bằng một tâm thái thản nhiên, tùy duyên hay cứ mãi khổ đau, chấp nhất? Lựa chọn thái độ nào sẽ quyết định cảnh giới cao thấp của mỗi người.
Những người có tu dưỡng và trí huệ, sống giữa thế gian bằng tâm hồn bình thản tựa như mặt hồ thu không chút gợn sóng. Khi gặp nguy nan, họ không sợ hãi, có được danh tiếng cũng không tự cao tự đại, chịu nhục không tức, được mất không buồn. Họ chính là dùng cái tâm tùy duyên mà đối diện với danh, lợi, tình. Đó là một loại cảnh giới tinh thần cao thượng, là sự nhàn nhã từ dáng vẻ đến tâm hồn, cũng là điều mà người bình thường không mong có được.
Julius Victor Carstens là họa sĩ xuất chúng của nước Đức. Tranh của ông đều tả những cảnh tượng vui tươi, hạnh phúc bởi bản thân ông là một người vô cùng vui vẻ. Thế nhưng lại có rất ít người tìm đến mua tranh của ông. Điều này đôi khi cũng khiến ông cảm thấy có phần bi thương.
Một ngày kia, người bạn thân của ông khuyên rằng: “Anh hãy thử chơi cá độ bóng đá xem sao! Chỉ tốn 2 đồng Mác là có thể ăn được rất nhiều tiền!”.
Julius bản tính hiền lành, thật thà, nghe xong liền bỏ 2 đồng mua một tờ vé số. Cuối cùng, ông may mắn trúng giải, nhờ vậy mà kiếm được 500 nghìn đồng Mác.
Đám bạn thân của ông đến chúc mừng, nói với ông: “Anh thật là may mắn quá! Bây giờ anh vẫn còn vẽ tranh nữa chứ?”.
Julius cười đáp rằng: “Bây giờ tôi chỉ vẽ con số trên tờ chi phiếu mà thôi!”. Julius đã mua một căn biệt thự, tranh thủ tận hưởng những tiện nghi của cuộc đời. Ông mua một tấm thảm Afghanistan, tủ ăn Vienna, bộ bàn Firenze của Ý, đồ sứ Meissen của Đức, lại sắm thêm bộ đèn treo Venezia cổ để trang hoàng căn biệt thự.
Sau khi trang trí xong, ông rất hài lòng, bèn ngồi xuống ghế sofa, hút một điếu thuốc, lâng lâng tận hưởng những giây sảng khoái trong ngôi nhà mới của mình. Bỗng ông sực nhớ ra là cần phải đến thăm một người bạn ốm, liền ném điếu thuốc xuống sàn, vội vàng ra ngoài. Điếu thuốc nằm trên đất, vẫn còn đang cháy, một lúc sau đã đốt cháy tấm thảm Afghanistan đẹp đẽ…
Chỉ một giờ sau, tòa biệt thự đã biến thành biển lửa, cháy thành tro bụi. Bạn bè ông biết tin đều đến chia buồn, an ủi. Không ngờ, Julius điềm nhiên hỏi lại: “Sao lại cho là bất hạnh chứ?”.
Mọi người đều ái ngại nói: “Lửa lớn thiêu rụi cả rồi. Julius, giờ anh đã chẳng còn gì cả!”.
Julius cười lớn mà đáp rằng: “Sao lại không còn gì cả chứ? Chẳng qua chỉ tốn có 2 đồng Mác mà thôi!”.
***
Đối diện với được mất của sự đời, nếu có thể dùng tấm lòng khoan hòa, bình thản mà ứng xử thì chẳng còn gì có thể khiến người ta phải sợ hãi nữa. Con người thường xuyên tự hỏi vì sao cuộc đời lắm nhiễu nhương, bất hạnh đến thế mà không hiểu nguyên do chính bởi sự mệt mỏi của những ràng buộc danh lợi gây nên.
Xưa nay, kẻ tầm thường chỉ biết quấn mình trong danh lợi, tình tiền, ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần suy nhược cũng chỉ vì mấy chữ ấy. Còn người chân chính thì luôn ôm giữ lòng cảm ân, thường giữ tâm thiện, bình thản sống trên đời.
Cái tâm bình thản ấy lại là một thứ trí huệ, là một thái độ sống tốt đẹp nhất. Đó là cảnh giới siêu trần thoát tục, đạt đến khi người ta đã trải qua mọi phồn hoa, cám dỗ. Lão Tử, thủy tổ của Đạo gia, từng nói “Họa là nơi phúc ẩn, phúc là nơi họa nấp”. Phúc họa trong đời đôi khi chẳng thể lường trước.
Có những chuyện mới nhìn thì tưởng là chuyện xấu nhưng qua thời gian, biến hóa vượt ngoài dự tính của con người, nó lại trở thành chuyện tốt muôn phần. Câu chuyện “Tái ông thất mã” hàng nghìn năm nay đã luôn minh chứng cho chân lý ấy. Chuyện kể rằng có một ông lão được con ngựa quý. Cả làng thấy thế đến mừng, ông lão nói: “Chắc gì là chuyện vui?”. Hôm sau, con ngựa bỏ đi mất, dân làng lại đến chia buồn. Ông lão cười khà: “Chắc gì là chuyện rủi?”.
Vài ngày sau, con ngựa trở về, lại dắt theo một con ngựa khác nữa. Hàng xóm thấy vậy cả mừng, lại đến chúc tụng. Ông lão vẫn bình thản: “Cũng chưa chắc là chuyện hay”. Hôm sau, con trai ông lão cưỡi con ngựa mới đi chơi, chẳng may bị ngã gãy chân. Người thân nhìn thấy, đều ái ngại. Ông lão không hề đổi sắc mặt, nói: “Việc này chưa hẳn là xấu”. Năm ấy chinh chiến liên miên, trai làng đi lính, tử trận rất nhiều. Riêng con trai ông lão vì thương tật nên không phải ra trận. Chính là họa phúc tiềm tàng trong nhau, thực khó mà biết được vậy.
Sự bình thản của ông lão mất ngựa hay của họa sĩ Julius trên kia có được đều là phải trải qua một quá trình tu dưỡng lâu dài, trải qua muôn vàn đau khổ, thất bại mà nghiệm ra.
Người đời thường tự buộc lên mình đủ loại ràng buộc, dây thừng nên không phút bình yên, trăm năm đau khổ. Chỉ khi tự mình rũ bỏ được khỏi những sợi dây trói buộc do chính mình tạo nên, bạn mới cảm nhận được sự thanh thản, thanh tĩnh tuyệt đối trong tâm hồn.
Như thế gọi là:
Lòng phiền nay rũ bỏ
Tâm sáng tựa trăng rằm
Được mất là mây khói
Thanh thản hưởng trăm năm.
Theo dkn.tv
[ad_2]