[ad_1]
Mỗi một câu chuyện hay một lời nói của cổ nhân đều là những kinh nghiệm được đúc kết ra từ các hiện tượng, sự việc có thật xảy ra trong một thời gian lâu dài, là những bài học vô cùng quý giá cho hậu thế.
Trải qua hàng ngàn năm, người xưa đã đúc kết lại cho hậu thế những bài học đối nhân xử thế vô cùng hữu ích. Dưới đây là lời khuyên của cổ nhân về 3 việc nhất định không nên làm trong cuộc đời mỗi người.
1. Việc đi đường tắt, đừng làm
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Những tư tưởng và tu dưỡng của ông đã cổ vũ khích lệ cho hậu thế. Nhưng tư chất bẩm sinh mà trời ban cho ông lại không được cao, hay nói đúng hơn là rất kém. Mặc dù tư chất bẩm sinh không được thông minh, nhưng đối với chuyện học hành, ông rất kiên trì, không đi đường tắt. Nếu không đọc thuộc câu trước, ông sẽ không đọc tiếp câu sau, không đọc xong quyển sách này, ông sẽ không sờ đến quyển sách kia.
Mặc dù Tăng Quốc Phiên thi tú tài 9 năm mới đỗ đạt, nhưng nút thắt vừa được khai thông thì con đường phía sau của ông ngày càng thông thuận. Năm trước đỗ tú tài thì năm sau ông trúng cử nhân, 4 năm sau, ông lại thi đỗ tiến sỹ. Trong khi những người bạn của ông đi học rất sớm nhưng sau này chẳng ai đỗ đạt cử nhân hay thi đỗ tiến sĩ.
Trong đánh giặc, Tăng Quốc Phiên cũng không dùng “kỹ xảo”, không đi đường tắt. Mỗi lần quân của ông đi đến đâu đều xây dựng cơ sở tạm thời, đem nhiệm vụ tiến công biến thành nhiệm vụ phòng thủ. Mỗi lần quân của ông chiến thắng, tính ra phải mất thời gian cả năm mà không phải hai, ba tháng. Phương pháp đánh của Tăng Quốc Phiên bị không ít người đánh giá là “ngốc nghếch” nhưng kết quả lại vô cùng hữu hiệu.
Tăng Quốc Phiên cho rằng, những thành công mà ông đạt được là nhờ vào sự dụng tâm chuyên nhất, không đi đường tắt. Bởi vì ông quan niệm rằng:“Người ngốc nhất thiên hạ có thể thắng được người khôn khéo nhất thiên hạ.”
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đừng dùng “đường tắt” để đạt được thành công hay được một thứ gì đó. Một người muốn đạt được thành công nhất định phải trả giá, phải dành thời gian, tâm huyết để làm thì thành công ấy mới được bền vững lâu dài.
2. Việc tổn hại người khác, đừng làm
Ác quan Chu Hưng dưới thời Võ Tắc Thiên cũng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”. Khi ông ta đương chức cũng dùng cách bức cung nhục hình vô cùng tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị ông ta hãm hại. Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo là “tạo phản”.
Khi Chu Hưng bị tố tạo phản, người xét xử ông ta là một ác quan khác, tên là Tuấn Thần. Trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có xin thỉnh giáo Chu Hưng về phương pháp ép phạm nhân nhận tội.
Chu Hưng hãnh diện nói: “Việc này không khó, chỉ cần đệ bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh thì lo gì hắn không nhận tội!”
Sau này khi đến lượt Tuấn Thần xét xử Chu Hưng, đã nói: “Đệ phụng theo mật chỉ, nói có người tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào chum đi!”
Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn bay phách lạc, toàn thân mềm nhũn, liên tục dập đầu nhận tội. Câu chuyện này về sau nổi tiếng và được người dân dùng cụm từ “gậy ông đập lưng ông” để miêu tả.
Bởi vậy, cổ nhân khuyên rằng những việc làm tổn hại người khác thì đừng làm. Nếu không, kết cục của việc ấy cuối cùng là hại chính mình.
3. Việc chiếm lợi của người khác, đừng làm
Người ham chiếm lợi của người khác thường thường cuối cùng sẽ bị thiệt thòi lớn. Bởi vì trên đời không có mất thì không có được. Đời người phải hiểu được rằng muốn có hồi báo thì phải có trả giá.
Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích đức. Cổ nhân hiểu rằng, đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất.
Tả Tông Đường, danh tướng triều nhà Thanh từng nói: “Hảo tiện nghi giả, bất khả dữ chi giao tài“, tức là người luôn chiếm lợi của người khác thì không thể giao tài vật cho người đó, không nên kết giao với người như vậy. Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.
[ad_2]