[ad_1]
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, được yêu cầu rà soát, cân đối nguồn vốn đầu tư, đặc biệt đối với dự án thành phần nhằm đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất…
Sơ đồ hướng tuyến các dự án thành phần đi qua các địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Bộ Giao thông vận tải đã phát đi Thông báo số 508/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm tại buổi làm việc với các địa phương liên quan về dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1.
Ngày 23/11/2022, tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm đã chủ trì cuộc họp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 và dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhận định, công tác triển khai thực hiện dự án bước đầu đã đạt được nhiều kết quả, tiến độ bám sát các mốc thời gian yêu cầu của Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên giữa các dự án thành phần còn chưa có sự thống nhất chung, trong khi khối lượng công việc còn rất nhiều, thời gian yêu cầu gấp.
Để bảo đảm tính đồng bộ giữa các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị các chủ đầu tư, sở, ban, ngành của các địa phương và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai thực hiện dự án để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đối với Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận, chủ đầu tư), Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm giao chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở quy chế đã xây dựng, khẩn trương phối hợp và có hướng dẫn, hỗ trợ địa phương để chỉ đạo tư vấn thiết kế về các nội dung kỹ thuật cụ thể như định hướng thiết kế (giải pháp kỹ thuật, khảo sát nguồn vật liệu cát đắp, trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS) cùng các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương dự án chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Chính phủ hoàn thành thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), khung chính sách giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần, bảo đảm đủ điều kiện phê duyệt dự án đầu tư.
Nguồn vốn đầu tư, do dự án sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, cần phải xác định cụ thể từng nguồn vốn cho từng dự án, từng địa phương. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có thủ tục giao vốn cho dự án; đồng thời cần có quyết định phê duyệt dự án đầu tư làm cơ sở giao kế hoạch năm cho các dự án thành phần.
Đến nay, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án cao tốc đầu tiên của vùng ĐBSCL đi vào hoạt động.
Về tổng mức đầu tư các dự án thành phần, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Mỹ Thuận chủ trì làm việc với các chủ đầu tư các dự án thành phần, rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án; báo cáo Bộ Giao thông vận tải thông qua Cục Quản lý Đầu tư xây dựng để xem xét, có phương án cân đối nguồn vốn giữa các dự án thành phần.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25 m.
Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gồm bốn dự án thành phần: Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng; dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng; dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng; và dự án thành thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay Cục Quản lý Đầu tư xây dựng đã có ý kiến về thiết kế cơ bản 157/189,4 km để triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án thành phần 1 đạt 57/57 km; dự án thành phần 2 đạt 36,5/37,4 km; dự án thành phần 3 đạt 9,6/36,68 km; và dự án thành phần 4 đạt 53,9/58,3 km.
Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, đến giữa tháng 11/2022, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã hoàn thành công tác bay chụp, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, công tác thí nghiệm và điều tra bãi đổ thải 4/4 dự án thành phần; khảo sát mỏ vật liệu 3/4 dự án đạt 100%.
#box1670241221851{background-color:#c1e6c4}
Nguồn: https://vneconomy.vn/day-nhanh-tien-do-va-can-doi-nguon-von-dau-tu-cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang.htm
[ad_2]