[ad_1]

Thời gian gần đây, giá đất thuộc nhiều khu vực nông thôn ở các tỉnh Tây Nguyên bỗng dưng tăng “dựng đứng” khiến người dân địa phương ngỡ ngàng. Dù không có bất kỳ cơ sở hạ tầng nào mới được xây dựng hay thông tin quy hoạch nào đáng chú ý giá đất quê vẫn đang “ấm” lên từng ngày.

Đất quê bỗng dưng “dậy sóng”, người dân vừa mừng vừa lo

Giá đất ở nhiều vùng nông thôn đang tăng mạnh (Ảnh minh hoạ)

Anh Tường, một môi giới bất động sản ở Đắk Lắk cho biết, thời gian gần đây anh nhận được nhiều yêu cầu tìm mua đất của khách hàng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Đáng chú ý là thay vì chọn những khu vực ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột thì khách lại muốn tìm giúp các khu đất thuộc các xã ven trung tâm.

“Có thể người ta mua để làm trang trại hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần”, anh Tường nói.

Cũng theo môi giới này, vì nhu cầu của khách nhiều nên giá đất tại các xã nông thôn quanh trung tâm thành phố cũng bị đẩy lên cao hơn so với trước. Đặc biệt, những khu đất có vị trí thuận tiện đường giao thông xe ô tô có thể ra vào và nằm cạnh các dòng sông, suối, ao hồ lại có giá bán càng cao.

Cuối năm 2020, anh Tường giúp một vị khách mua thành công một khu đất rẫy cà phê diện tích khoảng 2ha nằm gần một con sông lớn với giá hơn 2 tỉ đồng. Mới đây, khu đất này đã có người muốn mua lại với giá khoảng 3,5 tỉ đồng nhưng khách của anh không bán.

Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng hơn 50km là xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cũng đang có sự biến động giá đất khá lớn.

Ông Tường một người dân ở đây cho biết, không hiểu vì sao trong thời gian gần đây giá đất của địa phương mình tăng rất mạnh.

Đầu năm 2021, ông Tường mua mảnh đất ngang 5m nằm mặt tiền đường liên thôn với giá 40 triệu đồng một mét ngang thì mới đây đã có người tới hỏi mua trả giá gần gấp đôi. Trong số người hỏi mua thì chỉ có vài người là dân địa phương, còn phần lớn là cò đất hỏi mua giùm cho khách hàng ở địa phương khác.

Theo ông Tường, xã Đức Mạnh nằm cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 70km, cách thành phố Buôn Ma Thuộc (tỉnh Đắk Lắk) khoảng 50km. Kinh tế chủ yếu của địa phương là nông nghiệp với những loại cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, sầu riêng… ngoài ra không có bất kỳ khu công nghiệp hay cơ sở hạ tầng giao thông nào nổi bật.

Thời gian gần đây, nhiều người đồn đoán về việc huyện của ông Tường sẽ quy hoạch lên thị xã nên giá đất tăng nhưng những thông tin này từng xuất hiện nhiều năm trước đó đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Cũng theo ông Tường, do nhiều người hỏi mua đất giá cao nên người dân có nhu cầu bán tỏ ra rất phấn khởi. Tuy nhiên, không ít người cũng tỏ ra lo ngại, thắc mắc vì giá đất tăng quá nóng một cách bất thường.

Anh Thái, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, việc nhiều vùng đất ở nông thôn bỗng dưng có giá đất tăng đột biến có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất địa phương đó có quy hoạch hạ tầng giao thông quan trọng như cao tốc, sân bay, hay thông tin lên thành phố, thị xã hoặc là có doanh nghiệp nào đó xin làm dự án đô thị lớn, khu công nghiệp… nên nhà đầu tư nắm được thông tin này về thâu gom đất để đón đầu.

Tuy nhiên, nếu những vùng đất không có tất cả những yếu tố trên mà vẫn sốt nóng giá thì phải cẩn trọng trước nguy cơ bị các nhóm đầu cơ đẩy giá.

Theo anh Thái, tình trạng nhóm đầu cơ làm giá trước đây chủ yếu xuất hiện ở các thành phố lớn nhưng hiện nay thông tin quy hoạch đã rõ ràng, người dân hiểu biết nhiều hơn, chính quyền quản lý chặt cùng với đó là quỹ đất cạn kiệt nên những nhóm đầu cơ phải dịch chuyển dần về khu vực xa hơn.

Nhóm đầu cơ nhắm đến những khu vực nông thôn giá đất còn rẻ và người dân chưa có nhiều kinh nghiệm để tạo cuộc chơi. Có hai khả năng xảy ra, nhiều người dân thấy giá đất tăng cao sẽ bán ồ ạt đối diện với nguy cơ thiếu đất cánh tác sau này. Với những người dân địa phương có điều kiện, có tiền tích luỹ khi thấy giá đất tăng cao mỗi ngày, mua bán có lời sẽ nảy lòng tham dồn tiền vào gom đất để bán lại thì nguy cơ cao là sẽ “đu đỉnh”, họ sẽ là người cuối cùng cầm cục than nóng do các nhóm đầu cơ tạo nên.

[ad_2]