[ad_1]

Cúi đầu là một loại trí huệ, người biết hạ mình mới có thể thành công

“Những người thông thái thật sự cũng tựa như những bông lúa. Khi còn lép, chúng vươn cao đầu lên đầy kiêu hãnh, nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống”. Trong đời, càng là người học rộng, tài cao thì càng thấu được đạo lý khiêm tốn, hiểu được rằng làm người phải học cách “cúi đầu”.

Bất cứ người Nhật trưởng thành nào cũng đều lấy câu thành ngữ: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” để làm kim chỉ nam cho văn hóa ứng xử của mình. Hành động cúi chào là điều phổ biến trong cách hành xử văn minh của nền văn hóa xứ Phù Tang.

Bức ảnh tại một cây xăng mới mở ở Hà Nội chụp hình ảnh ông Tổng giám đốc đứng rất lâu dưới trời mưa, cúi đầu mời và cảm ơn khách hàng vào đổ xăng đang làm dậy sóng cộng đồng mạng mấy ngày qua.

Đối với nhiều người Việt, hình ảnh gập người, cúi đầu của ông chủ cây xăng trong mưa gió có thể… gây sốc. Bởi trong quan niệm của nhiều người, “cúi đầu” là hành động tạ lỗi, là biểu hiện cho thấy mình thấp kém hơn người đối diện. Nhưng với người Nhật, cái cúi đầu là một cử chỉ hàng ngày, vô cùng quen thuộc và quan trọng.

Không chỉ là sự tạ lỗi, cái cúi đầu ấy còn là một lời chào, lời cảm ơn và đặc biệt là sự tôn trọng đối với người đối diện. Có thể thấy “cúi đầu” chính là một cách ứng xử, một nét đẹp truyền thống.

Lại có một câu chuyện khác kể rằng, một hôm có người hỏi Socrates, triết gia nổi tiếng Hy Lạp cổ đại, rằng: “Ông là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, vậy có biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu không?”.

Socrates trả lời: “Ba thước”. (Một thước = 0,33 m).

Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 thước. Nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”.

Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.

Câu chuyện cổ xưa này nói cho chúng ta biết một đạo lý thực sự sâu sắc. “Cúi đầu” chính là một cảnh giới ứng xử, một cảnh giới xử thế trong đời.

Cúi xuống để thấu hiểu mình hơn

Cúi xuống không phải là hành động cụ thể mà là cách hành xử giữa người với người. Cúi xuống không đồng nghĩa với sự nhẫn nhục, luồn cúi thấp hèn. Cái cúi xuống ở đây chính là sự cúi đầu giản dị, khiêm nhường của những người có đạo đức, văn hóa trong xã hội. Cúi xuống cũng chính là để hiểu rõ mình hơn, nhận ra giá trị, vị thế của mình. Biết cúi mình khiêm tốn cũng chính là tự nâng mình lên một bậc.

Người xưa nói: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” hay “Ngoài núi còn có núi cao hơn“, người giỏi sẽ có người giỏi hơn. Cúi đầu chính là biểu hiện của tinh thần học hỏi, cầu tiến, thừa nhận sự bình thường, yếu kém của bản thân để học hỏi những người xung quanh. Cúi xuống là để hiểu người hơn, là để nâng người khác lớn lên. Cúi xuống cũng là để hiểu mình hơn, để tự nâng mình lên.

Có những người luôn thích kiễng chân lên, vươn cổ cao lên để vượt hơn người khác, nổi danh hơn người khác. Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp đều thăng lên như “thang máy”, trong khi bản thân mãi cứ lận đận liền cảm thấy oán trách trời đất, xã hội bất công. Nhưng chỉ cần cúi đầu xuống sẽ phát hiện ra những thứ mà bản thân mình có được là rất nhiều, chính là vì mải “ngẩng lên” mà không nhận ra và trân trọng nó mà thôi!

Cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: Rất nhiều người cả đời ngẩng đầu phấn đấu, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, thứ mà mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là vật ngoài thân mà thôi. Những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, tiến bộ nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu” khiêm tốn.

Khiêm tốn để thành công

Trong khiêm tốn, người ta tự cho mình là kém và cần học nữa, họ coi thành công như sự an ủi. Các nhà bác học càng lớn càng thấy mình cần phải khiêm tốn là lẽ đương nhiên. Nhà vật lý học Isaac Newton đã so sánh mình như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Ông còn nói: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”.

Thái độ khiêm tốn, giản dị luôn được coi là một biểu hiện của văn hóa và đạo đức ở mọi thời. Người sống khiêm tốn sẽ nhận được nhiều sự yêu mến, kính trọng của người khác. Những người càng có đạo đức thì càng biết sống nhún nhường, giản dị, không khoe khoang hình thức. Sự giản dị, khiêm tốn ấy không làm cho họ mất đi giá trị mà chỉ càng khiến cho người xung quanh kính nể hơn.

Abraham Lincoln đã kinh qua hết thất bại này đến thất bại khác trong suốt 28 năm. Năm 1833, ông mắc chứng suy nhược thần kinh và bị thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên. Năm 1848, ông bị thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm 1860 ông đắc cử Tổng thống và đi vào lịch sử là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ.

Ngoài ra, ta còn biết Lincoln cũng là một người đàn ông phải chịu nhiều đau khổ và cay đắng. Người yêu đầu tiên của ông đã chết trước khi ông có thể cưới cô. Cuộc hôn nhân của ông với Mary Todd có lẽ cũng đủ để tiêu hủy bất cứ người đàn ông nào có ít can đảm và nghị lực hơn Lincoln. Tuy nhiên, các sử gia đều đồng ý rằng, nếu Lincoln hạnh phúc trong hôn nhân, có lẽ ông đã không bao giờ trở thành một vị Tổng thống.

Abraham Lincoln đã không ngừng nỗ lực đứng dậy từ những thất bại và đau thương trong đời. Ông đã tận tụy dấn thân và hy sinh quên mình để đem lại hòa bình, phúc lợi và phẩm giá cho con người. Trong một ngày lễ Tạ Ơn, ông đã phát biểu như sau: “Tất cả những điều tốt đẹp chúng ta có ngày nay không phải do một người nào trên đời hướng dẫn hay do bàn tay của con người làm nên. Tất cả những điều đó là những món quà quý giá đặc biệt mà Thiên Chúa toàn năng đã làm cho chúng ta”. Cuối cùng ông đã có thể dâng hiến chính mạng sống mình cho một chính nghĩa vĩ đại. Cuộc đời ông đã trở thành bản trường ca yêu thương và tạ ơn Thượng Đế.

Khiêm tốn, cúi đầu không phải khuyến khích người ta chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là để nhắc nhở cho người ta biết cách ứng xử cần thiết để trưởng thành hơn. Tuổi thanh niên luôn có ý thức khẳng định mình và cũng tràn đầy khát khao ý chí. Đó là điều rất đáng trân trọng. Nhưng tuổi trẻ cũng dễ mắc những nhược điểm như: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, đôi khi thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn. Vì quá tự tôn nên đôi khi không thể chấp nhận thành công của người khác, không chịu học tập người khác.

Xem thêm

[ad_2]