[ad_1]

CII dự kiến nghiên cứu 6 dự án BOT trong điều kiện các dự án hạ tầng đang được tạo điều kiện thuân lợi. Việc dự thầu và quyết định đầu tư sẽ do ĐHĐCĐ quyết định.

CII đang nghiên cứu 6 dự án BOT quy mô gần 75.000 tỷ đồng
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương thường xuyên bị ùn tắc, cần được mở rộng.

Nội dung chính:

  •  CII xin ý kiến cổ đông bố trí ngân sách nghiên cứu 6 dự án BOT với quy mô 75.000 tỷ đồng. 
  • CII đồng thời sẽ nghiên cứu hai lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí.
  • Quyết định dự thầu hay tham gia đầu tư sẽ do ĐHĐCĐ quyết định khi có cơ hội. 

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) lên kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào 19/9/2023 nhằm xin ý kiến cổ đông về kế hoạch nghiên cứu, đầu tư của công ty trong giai đoạn 2024 – 2030.

Cơ sở của những nghị quyết mà Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đưa ra là tình hình khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư công – lĩnh vực mà CII đang có thế mạnh trên thị trường, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

Việc xin ý kiến cổ đông nằm trong quy trình đầu tư của công ty. 

Với đặc thù các dự án hạ tầng cần thời gian nghiên cứu, đồng thời phải đấu thầu và đầu tư, trong khi các thông tin phải bảo mật theo đúng quy trình, CII buộc phải xin phép cổ đông được quyết định việc nghiên cứu. Việc quyết định đấu thầu và đầu tư sẽ được xin ý kiến ĐHĐCĐ lần nữa. Tuy nhiên, mức giá đấu thầu cùng chi tiết triển khai dự án, HĐQT CII đề nghị được tự quyết định nhằm đảm bảo tiến độ. 

Nghiên cứu 6 dự án BOT tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng

Nội dung quan trọng nhất trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần này của CII là xin ý kiến cổ đông về việc bố trí ngân sách nghiên cứu 6 dự án BOT với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng. Chi phí nghiên cứu các dự án BOT không được nêu ra trong tài liệu ĐHĐCĐ bất thường của CII.

Trong 6 dự án, có 5 dự án thuộc địa phận TP.HCM và 1 dự án cao tốc kéo dài qua địa phận các tỉnh TP.HCM – Long An – Tiền Giang. 

Cụ thể như sau: 

CII đang nghiên cứu 6 dự án BOT quy mô gần 75.000 tỷ đồng

CII cho biết lý do công ty muốn đồng loạt nghiên cứu một loạt dự án BOT là do điều kiện hiện tại đang thuận lợi. 

Trước đây, nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ban hành năm 2017 quy định chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức BOT với các tuyến đường mới.

Quy định này khiến các doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng BOT như CII gặp khó khăn do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và đánh giá khả năng hoàn vốn của dự án, do khó có thể đánh giá được lưu lượng giao thông trong tương lai, do đó khó tính toán thời gian hoàn vốn. Ngoài ra, quy định này cũng khiến công ty khó huy động vốn tín dụng cho dự án, một hệ quả của những khó khăn về giải phóng mặt bằng và tính toán khả năng hoàn vốn. 

Nghị quyết được Quốc hội ban hành cuối tháng 6/2023 (NQ 98/2023/QH15) đã cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu đã phần nào giải quyết những khó khăn nói trên – mở rộng cơ hội đầu tư cho CII. 

Tranh cãi giữa quyết định đầu tư dự án BOT trên nền đường cũ hay không đã kéo dài nhiều năm tại TP.HCM. 

Các ý kiến ủng hộ việc triển khai dự án BOT chỉ trên nền đường mới cho rằng cần phải tiết kiệm chi phí cho người dân, cho họ cơ hội lựa chọn/quyết định lựa chọn tuyến đường thu phí hay đường cũ miễn phí. 

Các ý kiến ủng hộ việc triển khai dự án BOT trên nền đường cũ cho rằng cần giải quyết bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư và lợi ích tổng thể – không chỉ so với chi phí người dân bỏ ra. Bởi thành phố vẫn cần cải tạo, mở rộng các tuyến đường hiện có, giảm ùn tắc giao thông, phát huy tiềm năng, trong khi nguồn vốn có hạn, cần huy động các doanh nghiệp vào cuộc. 

Nghiên cứu lĩnh vực hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí

Không công bố cụ thể các dự án thuộc hai lĩnh vực mới mẻ là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí, CII đồng thời xin ý kiến ĐHĐCĐ về việc mở rộng đầu tư các lĩnh vực này. Nội dung xin ý kiến là bố trí ngân sách nghiên cứu trước khi có quyết định đầu tư hay đấu thầu.  

Ý tưởng của CII xuất phát từ bối cảnh quá tải trầm trọng của hệ thống khám chữa bệnh tại TP.HCM, trong khi Nhà nước cho phép thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực này. 

CII cho biết công ty đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP.HCM, bao gồm khối Nhà nước và tư nhân để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như: hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, giảm tại cho khu vực khám nội thành… 

Về lĩnh vực bất động sản hưu trí, CII cho biết công ty dự kiến đón đầu một phân khúc mới nhiều tiềm năng nhưng còn rất sơ khai. Công ty đang nghiên cứu phát triển mô hình bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, hướng tới tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi… Mô hình này tương tự các viện dưỡng lão, nhưng thay vì không gian nhỏ hẹp, khách hàng sẽ được sống và sinh hoạt trong một không gian rộng lớn với đầy đủ tiện ích, đặc biệt là các tiện ích chăm sóc sức khỏe.

PPP (Public – Private Partnership): Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

BOT (Build-Operate-Transfer): Dự án BOT là một loại hình dự án PPP, trong đó chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình (Buid), tổ chức quản lý và kinh doanh (Operate) có thu phí các dịch vụ sử dụng công trình với thời hạn dự tính thu hồi đủ vốn và thu được lợi nhuận; sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng thì công trình đó được chuyển giao (Transfer) không bồi hoàn cho Nhà nước để tiếp tục quản lý và sử dụng.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/cii-dang-nghien-cuu-6-du-an-bot-quy-mo-gan-75-000-ty-dong-38778.html