[ad_1]
Ngân hàng Nhà nước vừa tăng room tín dụng cho Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank với tổng tỷ lệ điều chỉnh là 2%. Tuy nhiên chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới…
Theo ghi nhận của VnEconomy, Ngân hàng Nhà nước vừa tăng room tín dụng cho các ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank với tổng tỷ lệ điều chỉnh là 2%.
Đề cập tới việc Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, Thủ tướng trong cuộc họp tiếp xúc cử trị sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc nới hạn mức tín dụng hợp lý. Với tín hiệu mở đường từ Thủ tưởng, Ngân hàng Nhà nước công bố hạn mức tín dụng mới cho các ngân hàng, nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề về thanh khoản cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, bởi 2 yếu tố.
Thứ nhất, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại là 13% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.
Gần đây nhất, đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh room tín dụng. Được biết, mức điều chỉnh cao nhất thời điểm đó thuộc về VPBank với hạn mức được điều chỉnh gần 45.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB trên 20.000 tỷ đồng và HDBank xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục được điều chỉnh room tín dụng tháng 10 nhưng hạn mức chưa đến 9.000 tỷ đồng.
Thứ hai, hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các ngân hàng thương mại như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn dành cho Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì thông thường đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.
Thứ ba, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Trước đó, như VnEconomy đã đưa, tại “Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có những quan điểm về việc nới room tín dụng.
Theo ông Hùng, số liệu thống kê cho thấy, dư nợ tín dụng gần tương đương với tổng huy động, trong khi tăng trưởng huy động chưa bằng một nửa tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có nới trần tín dụng thì các ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay ra.
Trong trường hợp muốn đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được”, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ thẳng thắn.
Bên cạnh những khó khăn trên, ông Hùng cũng lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/chinh-thuc-noi-han-muc-tin-dung-cho-nhom-big4-thanh-khoan-co-bot-cang.htm
[ad_2]