[ad_1]
Quý IV/2021, tổng khối lượng đầu tư bất động sản đa quốc gia đạt giá trị 126 tỷ USD, một con số kỷ lục, theo dữ liệu của JLL. Đó là một sự tương phản rõ rệt so với chỉ nửa năm trước, khi các nhà đầu tư gần như chỉ có thể tìm kiếm cơ hội trong nước bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.
Sean Coghlan, chuyên viên chiến lược tại JLL cho biết: “Mặc dù các hạn chế về việc đi lại đã ảnh hưởng đến khả năng triển khai vốn giữa các khu vực của các nhà đầu tư, nhưng chúng tôi hiện đang thấy khối lượng đầu tư giữa các vùng đang tăng tốc”.
Tất cả khu vực đều thu hút vốn đầu tư trong nước đáng kể. Trong đó, khu vực hoạt động tốt nhất là châu Mỹ, nơi có dòng vốn đầu tư đa quốc gia chiếm 29% khối lượng toàn cầu trong quý IV/2021.
Tại châu Âu và châu Á Thái Bình Dương (APAC), các dòng vốn đa quốc gia đang tăng trở lại, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn so với thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Các nhà đầu tư toàn cầu đã tích cực tiến vào thị trường châu Âu trong năm 2021 với tổng mức đầu tư cả năm đạt 36 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước đó. Các công ty Mỹ và Singapore đã thúc đẩy khối lượng giao dịch liên vùng trong khu vực, đặc biệt nhắm mục tiêu đến các tài sản văn phòng và logistics ở Vương quốc Anh. Trong khi đó, tại APAC, sự trở lại của các công ty trong khu vực – đặc biệt là các doanh nghiệp Hong Kong và Singapore, đã hỗ trợ cho sự phục hồi của dòng vốn đa quốc gia.
“Nhu cầu cao với các tài sản logistics, đời sống và các tài sản thay thế đã thúc đẩy sự quay trở lại của dòng vốn đa quốc gia. Các nhà đầu tư lớn đang đầu tư trên quy mô lớn. Xu hướng này và hoạt động M&A gia tăng bền vững từ các nhà đầu tư toàn cầu đã làm nổi bật khả năng phục hồi của thị trường vốn trong lĩnh vực bất động sản”, ông Coghlan nói.
Thị trường nhà đất và logistics tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi
Các nhà đầu tư đa quốc gia tiếp tục tăng cường tiếp xúc với sự ổn định thu nhập do tài sản nhà đất mang lại. Chỉ tính riêng tại Mỹ, nguồn vốn lên tới hơn 50 tỷ USD đã được đổ vào thị trường này trong năm 2021.
Các danh mục đầu tư bất động sản logistics có giá trị giao dịch lớn hơn, chẳng hạn như việc GIC chi 6,8 tỷ USD mua danh mục đầu tư từ EQT Exeter ở Mỹ, đại diện cho hơn một nửa khối lượng đầu tư liên vùng ở châu Mỹ.
“Ở tất cả khu vực, nhu cầu mua bất động sản logistics của các nhà đầu tư đa quốc gia đang rất cao. Đầu tư vào văn phòng, dù được cải thiện nhanh chóng, song đã bị tụt lại, mặc dù các hạn chế về đại dịch giảm bớt và việc quay trở lại nơi làm việc tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vẫn sẽ gia tăng trên thị trường này”, ông Coghlan nói.
Khối lượng đầu tư đa quốc gia vào các văn phòng ở châu Mỹ tăng gần gấp đôi vào năm 2021, trong khi khu vực APAC cũng chứng kiến sự phục hồi. Tại APAC, phân khúc văn phòng cho thuê chiếm tới 43% giao dịch mua giữa các quốc gia trong năm qua, cao hơn con số 19% vào năm 2020.
“Các thị trường đa dạng và trưởng thành nhất trên thế giới cho đến nay đã dẫn đầu sự phục hồi. Các khu vực địa lý ít được chú ý hơn cũng đang xây dựng động lực riêng. Điều tương tự cũng có thể được nói đối với các lĩnh vực bị gián đoạn nhiều trong mùa dịch vừa qua”, ông Coghlan nhấn mạnh.
[ad_2]