[ad_1]

Các hãng công nghệ Mỹ sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn để hoạt động tại Trung Quốc, trong khi hầu hết công ty Internet muốn cũng không thể tham gia.

Sự đánh đổi của Apple, Tesla

Mỹ được đánh giá là thị trường quan trọng bậc nhất của Apple – công ty có trụ sở đặt tại Thung lũng Silicon. Nhưng cách đó hàng nghìn dặm về phía Tây, một nơi khác cũng quan trọng không kém: Trung Quốc.

Apple phụ thuộc nhiều vào các đối tác sản xuất, chủ yếu có nhà máy đặt tại đất nước tỷ dân. Theo ước tính của giới phân tích trong quý III/2021, 40% doanh thu của Apple là từ Trung Quốc, đồng thời doanh số iPhone cũng chiếm 1/5.

Tim Cook trong một sự kiện tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: News.cn

CEO Apple Tim Cook trong một sự kiện tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: News.cn

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng khiến Apple rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, buộc công ty phải lựa chọn giữa việc tuân thủ mong muốn của chính phủ nước này, hoặc bỏ lỡ một thị trường phát triển mạnh.

Lựa chọn của Apple khiến họ phải đánh đổi. Năm 2018, công ty phải đặt máy chủ iCloud tại Trung Quốc. Giữa năm nay, New York Times đưa tin nhà sản xuất iPhone lưu trữ dữ liệu của hàng nghìn người dùng trên máy chủ tại Trung Quốc nhưng không mã hóa, được cho là do sức ép từ nước này.

Tháng 11, CEO Tim Cook thừa nhận Apple “có trách nhiệm” ở những nơi đặt chân kinh doanh, đồng thời tuân thủ luật tuỳ thuộc những nơi đó. Ông cũng được cho là đã ký thoả thuận bí mật trị giá 275 tỷ USD với chính quyền Trung Quốc từ năm 2016 để được hoạt động mà không gặp trở ngại.

Tương tự, Tesla của Elon Musk cũng kinh doanh tại Trung Quốc và phải nhiều lần nhượng bộ để bán xe điện tại đây. Năm 2014, Tesla giao xe cho khách hàng Trung Quốc. Khi đó, Musk đích thân bay tới Bắc Kinh để trao chìa khoá cho những khách hàng đầu tiên.

Hồi tháng 5, trong bài đăng Weibo, Tesla cho biết công ty đặt máy chủ lưu dữ liệu tại Trung Quốc, nhưng khẳng định chúng chỉ dành cho người dùng trong nước và đến từ các mẫu xe đang bán tại đây như Model 3 và Model Y. Công ty cũng dự kiến mở rộng trung tâm dữ liệu của mình tại Trung Quốc trong tương lai. Theo Reuters, hành động của Tesla được đánh giá là nhằm xoa dịu chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh khi đó đang soạn thảo quy tắc kiểm soát xe thông minh, gồm tính bảo mật của dữ liệu do các phương tiện này tạo ra, cũng như đảm bảo về quyền riêng tư và an ninh quốc gia.

Great Firewall ‘cấm cửa’ hầu hết công ty Internet Mỹ

Trong khi những công ty như Apple hay Tesla vẫn có thể thỏa hiệp, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Internet dường như không có cơ hội làm điều đó, hoặc đã làm nhưng thất bại. Trung Quốc từ lâu đã cấm hầu hết các dịch vụ trực tuyến từ Mỹ để phát triển các sản phẩm riêng với tính năng tương tự. Great Firewall làm nhiệm vụ này.

Great Firewall của Trung Quốc kiểm duyệt hầu hết nội dung bên ngoài biên giới. Facebook, Twitter và YouTube đã bị chặn vào năm 2009 vì không tuân thủ các yêu cầu của chính phủ, nhưng một số người dùng Trung Quốc vẫn tìm cách truy cập các trang này bằng mạng riêng ảo (VPN).

Facebook đã cố gắng tiến vào Trung Quốc nhưng không có kết quả, dù doanh thu quảng cáo của mạng xã hội này từ các công ty Trung Quốc vẫn tăng trưởng đáng kể trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, LinkedIn – mạng xã hội việc làm thuộc sở hữu của Microsoft, là nền tảng hiếm hoi có xuất xứ Mỹ còn hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Để tồn tại, phiên bản “bản địa hóa” của LinkedIn có bộ quy tắc riêng, được thiết lập theo các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực Internet.

Tuy nhiên, trong thông báo hôm 14/10, LinkedIn cho biết họ sẽ rút khỏi Trung Quốc từ cuối năm nay do yêu cầu kiểm duyệt ngày càng cao từ nước này.

Google cũng phải rút công cụ tìm kiếm của mình vào năm 2010 tại thị trường tỷ dân. Dù vậy, hãng nhiều lần cố gắng quay lại, như xây dựng trung tâm nghiên cứu về AI tại Bắc Kinh năm 2017, hay tạo ra một dự án tìm kiếm riêng chịu sự kiểm duyệt có tên Project Dragonfly.

Thị trường không thể bỏ lỡ

“Khi bỏ lỡ một thị trường khổng lồ, màu mỡ và phát triển như Trung Quốc, nghĩa là công ty đó có khả năng bị tụt lại phía sau đối thủ khác”, trang Business Insider giải thích việc các công ty Mỹ đang chọn cách nhượng bộ để tiếp tục kinh doanh tại đây.

Theo WSJ, người Trung Quốc vẫn chuộng hàng Mỹ, còn các doanh nghiệp Mỹ không muốn bỏ qua thị trường tiêu thụ khổng lồ. Điều này khiến Trung Quốc là điểm đến của nhiều công ty Mỹ, bất chấp Covid-19 và chiến tranh thương mại diễn ra nhiều năm qua.

“Trung Quốc đơn giản là một cơ hội quá lớn không thể bỏ qua. Quy mô thị trường, số lượng người dùng và tốc độ tăng trưởng liên tục của quốc gia này hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn với bất cứ doanh nghiệp nào”, một chuyên gia nói với CNN hồi tháng 7.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện có lợi thế về sản xuất, khi hầu hết các nhà máy gia công, cũng như chuỗi cung ứng được đặt tại đây. Cộng với chi phí nhân công rẻ hơn các khu vực khác và các chính sách ưu đãi về thuế, các công ty có thể tạo ra các sản phẩm giá tốt hơn so với ở Mỹ, giúp họ tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo The Information, trong thoả thuận bí mật trị giá 275 tỷ USD, Tim Cook được cho là đã đồng ý hỗ trợ Trung Quốc tạo các công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng nhiều linh kiện từ nhà cung cấp ở nước này, ưu tiên ký hợp đồng với các công ty phần mềm bản địa, đầu tư trực tiếp vào công ty công nghệ Trung Quốc… Bên cạnh đó, Apple cam kết bắt tay nghiên cứu với các trường đại học và đào tạo nhân lực lành nghề cho Trung Quốc. Công ty cũng được cho là đã hứa chi hàng tỷ USD để xây dựng các cơ sở R&D, mở thêm các cửa hàng bán lẻ và thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với Tesla, công ty đầu tư hàng triệu USD để xây dựng và đưa siêu nhà máy tại Thượng Hải vào vận hành cuối năm 2019, chỉ sau 10 tháng xây dựng. Elon Musk đặt mục tiêu sản xuất 500.000 xe một năm tại nhà máy đầu tiên bên ngoài nước Mỹ này.

Bảo Lâm tổng hợp

[ad_2]