[ad_1]
Trong ngày đầu xuân mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ về những thành quả trong năm qua và những dự định, kế hoạch ấp ủ để đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
PV: Trước hết xin cảm ơn Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN. Năm qua, cùng với cả nước, Thủ đô chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, tuy nhiên Hà Nội vẫn đạt những kết quả nổi bật, trong đó có tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 2,92%, cao hơn bình quân chung cả nước. Vì sao Hà Nội có được kết quả khả quan này, thưa ông?
Ông Đinh Tiến Dũng: Trước tiên, các cấp ủy Đảng thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt sớm, đưa Nghị quyết đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố vào cuộc sống.
Đảng bộ Hà Nội đã chọn hướng đột phá từ những việc còn khó khăn, vướng mắc, tồn tại để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm kết quả cụ thể trong nhiệm kỳ này…
Thứ hai mang tính chất quyết định, đó là, thành phố chủ động dự báo trước tình hình, có giải pháp trúng, đúng, nên đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Từ khi mở lại các hoạt động đến nay, mặc dù số ca F0 thành phố tăng cao, nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Thứ ba về kinh tế và an sinh xã hội, thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, hết năm, tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm vẫn đạt 2,92%, cao hơn bình quân chung của cả nước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố tăng 12,3% so với dự toán Trung ương giao. Lạm phát được kiểm soát tốt. 100% số xã của thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả cao. Thành phố cũng đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, quy định quan trọng về công tác cán bộ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, ngành bảo đảm hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
PV: Trong năm 2022 này, Đảng bộ thành phố Hà Nội triển khai những giải pháp nào để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố?
Ông Đinh Tiến Dũng: Thành phố sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, với chủ đề công tác tiếp nối của năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5% so với năm 2021.
Trên quan điểm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, thành phố sẽ quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; triển khai các chủ trương, dự án lớn như: Đầu tư đường Vành đai 4; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…
Hà Nội sẽ dành nguồn lực đáng kể đặt trọng tâm đầu tư vào 3 lĩnh vực: Một là đầu tư nâng cấp hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, xây dựng mới một số bệnh viện. Hai là đầu tư phát triển giáo dục tập trung vào cả cơ sở vật chất và con người. Ba là tập trung phát triển văn hóa, đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị của 5.922 di tích trên địa bàn thành phố… đi lên của Thủ đô.
PV: Thưa ông, truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến của Thăng Long – Hà Nội là một nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn trong quá trình phát triển, là “sức mạnh mềm” của Thủ đô. Được biết Thành ủy Hà Nội lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá, một bước cụ thể hóa tinh thần hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua. Vậy để chuyển hóa văn hóa thành sức mạnh trong phát triển bền vững Thủ đô, Thành uỷ Hà Nội có các giải pháp gì?
Ông Đinh Tiến Dũng: Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng to lớn. Kể từ khi đức Vua Lý Thái Tổ đặt nền móng định đô ở Thăng Long đến nay, thành phố ngàn năm không chỉ xứng đáng là trái tim của cả nước mà còn được bạn bè thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”… “Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị” từ lâu đã trở thành những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nội.
Có thể nói, khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững. Phát triển văn hóa phải đặt trong tổng thể phát triển chung, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Muốn làm tốt, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố cần chỉ đạo hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các cấp, các ngành phải quán triệt nhận thức phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và lấy văn hóa, con người làm nền tảng, là nguồn lực, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô.
Chúng ta phấn đầu mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP; đến năm 2030 đóng góp 8% và đến năm 2045 đóng góp 10% vào GRDP thành phố.
Tôi tin tưởng, với truyền thống đoàn kết cùng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó trước khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phấn đấu, giành được những kết quả cao trên các lĩnh vực, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô, là trái tim của cả nước.
Xin gửi tới Nhân dân, cán bộ Thủ đô và cả nước lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, năm mới đạt được nhiều thành công mới!
PV: Xin cảm ơn ông!
[ad_2]