[ad_1]
Bảng giá đất là gì? Khi nào điều chỉnh bảng giá đất?
1. Bảng giá đất là gì?
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
2. Bảng giá đất được dùng để làm gì?
Theo khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013 thì bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
– Tính tiền sử dụng đất khi:
+ Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức;
+ Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;
– Tính thuế sử dụng đất;
– Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
– Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
– Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;
– Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
3. Căn cứ xây dựng bảng giá đất
Điều 10 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định việc xây dựng khung giá đất phải căn cứ vào:
– Nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 112 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
+ Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;
+ Theo thời hạn sử dụng đất;
+ Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;
+ Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.
– Phương pháp định giá đất quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, bao gồm các phương pháp:
+ Phương pháp so sánh trực tiếp.
+ Phương pháp chiết trừ.
+ Phương pháp thu nhập.
+ Phương pháp thặng dư.
+ Phương pháp hệ số điều chỉnh đất.
– Khung giá đất do Chính phủ quy định
– Kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường;
– Các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất.
4. Trường hợp được quy định giá trong bảng giá đất cao hơn giá trong khung giá đất
Theo nguyên tắc tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 44/2014/NĐ-CP thì giá đất trong bảng giá đất phải phù hợp với khung giá đất. Tuy nhiên trong các trường hợp dưới đây thì UBND cấp tỉnh được quy định giá trong bảng giá đất cao hơn giá trong khung giá đất:
– UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất đối với:
+ Đất ở tại đô thị;
+ Đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế tại địa phương.
Lưu ý: Trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.
– UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường sau khi căn cứ vào thực tế tại địa phương.
5. Điều chỉnh bảng giá đất
5.1. Trường hợp điều chỉnh bảng giá đất
Theo khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, khoản 1 Điều 14 Nghị định 44/2014/NĐ-CP thì các trường hợp điều chỉnh bảng giá đất bao gồm:
– Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự;
– Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.
5.2. Nội dung điều chỉnh bảng giá đất
Nội dung điều chỉnh bảng giá đất:
– Điều chỉnh giá của một loại đất hoặc một số loại đất hoặc tất cả các loại đất trong bảng giá đất;
– Điều chỉnh bảng giá đất tại một vị trí đất hoặc một số vị trí đất hoặc tất cả các vị trí đất.
(Khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013)
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/bat-dong-san/41656/bang-gia-dat-dung-de-lam-gi-khi-nao-dieu-chinh-bang-gia-dat
[ad_2]