[ad_1]
Trước tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng chậm, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh lo ngại nguy cơ khách hàng không vay vì lãi suất vẫn còn quá cao.
Không dám vay… vì lãi vẫn cao
Chị Bùi Thu Hà (Hoài Đức, Hà Nội), là công nhân môi trường của thành phố. Làm việc tại quận Nam Từ Liêm, nhưng gia đình 4 người hiện đang phải thuê nhà tại làng Di Trạch vì giá thuê rẻ. Vừa rồi, bố mẹ chồng ở quê gom góp được 500 triệu đồng tính hỗ trợ các con mua nhà ở xã hội tại Trung Văn (Nam Từ Liêm), tuy nhiên chị không may mắn nên không bốc thăm mua được căn hộ.
Chị cho biết, dù thuộc diện được vay gói 120.000 tỷ đồng, nhưng sau khi bàn đi tính lại thì vợ chồng chị quyết định không vay, vì tiền chi tiêu sinh hoạt hàng tháng tằn tiệm mới đủ, không có khả năng thanh toán khoản lãi vay 8,2%/năm gói hỗ trợ này.
Tình cảnh của chị Hà cũng như bao gia đình lao động có thu nhập thấp khác, họ chỉ có thể đi thuê nhà hoặc nếu mua được cũng chỉ mong chờ hỗ trợ từ gia đình chứ không đủ khả năng vay tín dụng trong gói 120.000 tỷ đồng với lãi suất 8,2%/năm.
Một nhân viên giao dịch của Ngân hàng Vietinbank trên phố Nguyễn Cơ Thạch cho hay, có khá nhiều khách hàng hỏi thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhân viên này tạm tính cả gốc và lãi cho khoản vay 500 triệu đồng, mỗi tháng chỉ riêng tiền lãi 3,4 triệu đồng, thì các khách hàng cá nhân đều chia sẻ rằng điều kiện vay đủ, nhưng họ không dám vay vì thu nhập hàng tháng chi tiêu cho sinh hoạt còn khó khăn.
Trước đó, trước vấn đề chậm triển khai gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân vay xây, mua nhà ở xã hội, mới đây Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị liên quan đến gói hỗ trợ này.
Theo Bộ Xây dựng, hiện đang có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng, do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư nên các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án vì vậy các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.
Mong chờ vay gói lãi suất 4,8%
Mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Tại văn bản, HoREA cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí.
Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 – 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm.
Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
“Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp”, HoREA nói.
Dẫn chứng lãi suất cao, HoREA cho rằng, căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng. Với lãi suất 8,2%/năm, chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Còn với mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lại khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư khi hiện nay, lãi suất vay rất cao, có thể lên đến 12-13%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xác định định kỳ 6 tháng một lần; theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/6/2023 làm cho tâm lý của người vay thêm “bất an”.
Cũng theo HoREA, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.
Ngoài ra, HoREA cho biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang còn tồn gần 11.000 tỷ đồng để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng do không có nhà ở xã hội nên không có người vay. Nếu tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách Xã hội còn có thể cho khoảng 18.000 người vay mua nhà ở xã hội.
HoREA nhấn mạnh, nếu có nguồn cung nhà ở xã hội, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Khi ấy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị “ế” khi người mua, thuê mua nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.
[ad_2]
Nguồn: https://markettimes.vn/goi-120-000-ty-dong-nguy-co-e-vi-lai-suat-cao-31135.html