[ad_1]
Nhu cầu cơ sở du lịch đến năm 2030 cần hơn 1,4 triệu phòng khách sạn, condotel… trong khi đó hiện Việt Nam mới đang có 667.000 phòng. Điều đó cho thấy, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang cần phát triển để đáp ứng cho nhu cầu khách du lịch trong thời gian tới.
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức mới đây, đề xuất về tín dụng cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, theo đại diện Tập đoàn Sungroup, cần coi bất động sản du lịch là ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ tất cả vấn đề về vốn vay, lãi suất. Hiện lãi suất người mua đang ở mức 14-17%/năm, chủ đầu tư cũng lên đến 14%/năm, chi phí tài chính cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không có.
Vị đại diện Sungroup cho biết, hiện đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Đơn cử, với loại hình condotel, hiện chưa có cơ chế để huy động nguồn lực, dẫn đến vướng mắc trong thực thi của cơ quan quản lý địa phương.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hưng Thịnh Land đề nghị nới room, giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay cả condotel. Ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết ở một số quốc gia, việc huy động vốn từ trái phiếu là kênh rất tốt cho doanh nghiệp nhưng hiện nay kênh này đang gặp bế tắc.
“Hiện các trái chủ đang rất lo ngại về việc doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không… Do đó, để giải quyết vấn đề này, NHNN cần xem xét nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh và đầu tư thì lúc đó doanh nghiệp sẽ tồn tại vững mạnh. Chúng tôi thấy việc gia hạn nợ cũng là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp”, ông Khương nói.
Vị lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp này thời gian qua cũng có kế hoạch xây nhà ở xã hội, nhưng đang bế tắc nguồn vốn. Cùng với đó, chính sách đối với người mua trong lĩnh vực condotel cũng đang gặp khó khăn. Do đó, ông Khương đề xuất ngân hàng có chính sách về lãi suất để cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm phù hợp, vừa túi tiền cho người dân và hỗ trợ cho vay đối với sản phẩm condotel.
Có thể nói, việc một số doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đều có những lý do. Tổng quan về ngành du lịch thời gian qua có thể thấy, ngành du lịch đang có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, trong đó phải kể đến hạ tầng du lịch là các cơ sở lưu trú đang hút một lượng khách quốc tế vào Việt Nam.
Năm 2019, du lịch đóng góp khoảng 9,2% tổng GDP của cả nước (tương đương với 32,8 tỉ đô la). Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD).
Trong 2 năm 2020-2021, do chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đến nay, sau một thời gian mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, khách du lịch nội địa đã vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, du lịch quốc tế từng bước được phục hồi, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã hoạt động bình thường.
Chiến lược phát triển ngành du lịch đến năm 2030 đặt ra, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 – 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 – 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11% – 12%/năm; đóng góp 15% – 17% vào GDP; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm.
Để có thể đạt được chỉ tiêu trên, Việt Nam cần trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hạ tầng và cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam hiện đang còn thiếu và yếu. Hiện khách quốc tế mới quay trở lại ít, nhưng các cơ sở lưu trú đón khách nội địa trong các ngày lễ tết hầu như đều lấp đầy từ 80-85%.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, cả nước có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 phòng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 phòng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 phòng.
Theo dự báo của ngành du lịch, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 phòng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 phòng.
Như vậy, với cơ sở vật chất hiện tại thì ngành du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu đối với khách du lịch lưu trú, trong khi đó Việt Nam rất cần các cơ sở lưu trú được nhà nước đánh giá, xếp hạng để có thể thu hút được khách quốc tế.
[ad_2]
Nguồn: https://markettimes.vn/dai-dien-tap-doan-sungroup-can-coi-bat-dong-san-du-lich-la-nganh-san-xuat-kinh-doanh-16598.html