[ad_1]

Tạm dừng triển khai dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Thành phố tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Nhà hát Thủ Thiêm) do chưa bố trí được vốn và cần ưu tiên cho các hoạt động an sinh xã hội, phục hồi kinh tế…

Nhà hát TP.HCM hiện nay. Nhà hát TP.HCM hiện nay.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP.HCM về tình hình triển khai các dự án đầu tư công; trong đó dự án xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm do cần ưu tiên cho các hoạt động an sinh xã hội và phục hồi kinh tế nên dừng triển khai.

Từ năm 2015 đến nay, qua công tác rà soát TP.HCM có 678 dự án chậm triển khai, có hai dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm: Dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 (vốn hơn 351 tỷ đồng).

Dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM được lập kế hoạch từ năm 1993. Sáu năm sau, chính quyền TP.HCM có quyết định sẽ xây dựng nhà hát này tại vị trí số 23 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1. Song, dư luận cùng các nhà chuyên môn cho rằng xây dự án tại vị trí nói trên là không phù hợp.

Sau đó, năm 2012, Thành phố quyết định chọn địa điểm mới để xây dựng nhà hát, đó là tại công viên 23 tháng 9, khu vực cạnh chợ Bến Thành sầm uất. Dự án rộng 1,2 ha, tổng vốn đầu khoảng 2.200 tỷ đồng, gồm hai khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ (khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ), hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành. Nhà hát này được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng – Lê Lai – Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Với kinh phí lớn như vậy, cộng với vị trí xây dựng nhà hát có thể phá vỡ cấu trúc không gian đô thị, công viên 23 tháng 9,… dư luận đã tỏ ra không đồng tình, nhiều chuyên gia phản biện về tính khả thi của dự án. Dự án nhà hát một lần nữa chưa được triển khai.

Tháng 8/2017, Ủy ban nhân dân TP.HCM quyết định lựa chọn khu vực Thủ Thiêm (khu đô thị mới Thủ Thiêm) để triển khai dự án nhà hát. Đến tháng 10/2018, dự án được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư, thuộc danh mục nhóm A, đầu tư bằng ngân sách Thành phố. Tổng kinh phí lúc bấy giờ được dự tính là 1.508 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện, Thành phố dự tính dùng khoản tiền sẽ bán dấu giá “khu đất vàng” ở số 23 Lê Duẩn nói trên.

Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư lên 1.988 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh thời gian triển khai từ năm 2018 đến 2024. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm nhiện tại, dự án vẫn chưa có quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Cuối năm 2021, chủ đầu tư dự án từng trao hai giải nhì (không có giải nhất) cho hai đơn vị tham gia cuộc thi phác thảo ý tưởng thiết kế kiến trúc công trình nhà hát Thủ Thiêm.

Về các nguyên nhân chậm trễ triển khai dự án, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, do tiến độ tổ chức thi tuyển thiết kế, thời gian thẩm định, góp ý, phản biện của các sở, ngành và các đơn vị liên quan còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 đã làm kéo dài, kéo giãn các khung thời gian…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục và chờ nguồn vốn đầu tư và hiện chưa được ưu tiên bố trí vốn. Trong khi đó, Ban quản lý Dự án Đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM cho rằng, dự án chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 mà cần tập trung các nguồn lực đầu tư cho các công trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy vậy, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM,  cho biết sắp tới khi TP.HCM được tăng trần vốn đầu tư trung hạn thì có thể được phân bổ vốn để triển khai dự án này.

Nguồn: https://vneconomy.vn/tp-hcm-tam-dung-xay-dung-nha-hat-nghin-ty-o-thu-thiem.htm

[ad_2]