[ad_1]

I. Đặc điểm của lan phi điệp

Lan phi điệp hay còn được biết đến với cái tên lưỡng điểm hạc, giả hạc, mang danh pháp khoa học là Dendrobium anosmum. Đây là loại cây thuộc dòng hoàng thảo ưa thích khí hậu nhiệt đới vì vậy dòng lan này được phân bố chủ yếu ở các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia… Phong lan phi điệp thuộc chi hoàng thảo.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 1

1. Thân lan phi điệp

Cây lan phi điệp tím có thân rất dài, chiều cao trung bình khoảng 2m, thân chia như đốt mía. Người chơi lan Việt Nam xếp phi điệp vào dòng thân thòng vì khi mọc dài ra thân nó mềm thòng hướng ngọn xuống đất, hoa nở tạo thành một dải như hình thác nước chứ không dựng đứng như các loại đùi gà, các loại kiều, long nhãn, kim thoa…

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 2

Thân lan tơ to bằng ngón tay út nhưng có những cây trưởng thành thân to như ngón tay cái của người lớn. Đặc biệt, trên thân tơ thường có các chấm tròn nhỏ màu tím ở vùng nách lá.

2. Lá lan phi điệp

Lá của lan phi điệp mọc so le nhau, mọng nước và trên lá có chấm tím. Mỗi lá có chiều dài trung bình từ 7-12cm và chiều rộng từ 4-7cm. Hình dạng lá dạng tròn hay thon đều phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống.

Khi cây chuẩn bị ra hoa thì lá sẽ rụng, thân chuyển sang màu trắng xám và loang lổ các đốm đen. Thân cây khi già sẽ khô và teo lại, chuyển thành màu nâu tím hoặc màu vàng rơm và khá bóng.

3. Hoa lan phi điệp

Hoa thường mọc tại các đốt của thân cây, xếp khá đều nhau. Mỗi hoa lan có đường kính khoảng từ 6-10cm. Hoa có mùi hương dịu nhẹ, rất dễ chịu. Tùy cảm nhận của mỗi người sẽ liên tưởng tới những mùi khác nhau như mùi của mù tạt, quả mâm xôi hay mùi đại hoàng.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 4

Hoa lan phi điệp

Lan phi điệp nở rộ vào tầm cuối xuân – đầu hạ. Đặc trưng của hoa lan phi điệp là chỉ chơi được 15-20 ngày.

II. Phân loại lan phi điệp

1. Phân loại theo màu sắc

Dựa vào màu sắc, hoa có các màu như: lan phi điệp tím, lan phi điệp vàng, lan phi điệp hồng, lan phi điệp trắng…

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 5

Lan phi điệp có nhiều màu sắc khác nhau

2. Phân loại theo vùng miền

– Hòa Bình: Thân to, đốt thân ngắn, lá to và dày hơn những dòng khác. Hoa cũng to hơn, mọc dày và xum xuê hơn. Do đó, lan phi điệp Hòa Bình luôn được bán với giá thành cao gấp 2-3 lần những dòng khác.

– Kon Tum: Dòng hoa này thích hợp với khí hậu vùng Tây Nguyên, nở vào Xuân – Hè.

– Thanh Hóa – Nghệ An: Đặc điểm của hoa này thuộc vùng nóng và nở vào cuối Hè.

– Quảng Bình – Quảng Trị: Đây là loại hoa nở muộn vào cuối Thu.

– Di Linh – Đức Trọng: Hoa xuất xứ từ huyện Di Linh (Lâm Đồng), là loại duy nhất trong tự nhiên nở vào Đông – Xuân (đúng vào dịp tết Nguyên Đán).

3. Phân loại theo đặc điểm cấu tạo

Lan phi điệp được phân biệt theo nhiều đặc điểm riêng biệt về màu sắc cánh, hình dạng cánh, mắt hoa, đặc điểm mũi… khiến người chơi mê mẩn vì sự đa dạng mà nó mang lại:

– Màu sắc cánh: 5 cánh trắng, ám, khói…

– Hình dạng cánh: cánh mai, cánh bầu, cánh bay…

– Đặc điểm mắt: mắt mù, mắt xước, 6 mắt…

– Đặc điểm mũi: mũi hồng, mũi tây…

4. Phân loại theo nguồn gốc

Loại hoa này có nhiều ở các nước Đông Nam Á, vì thế được chia thành lan phi điệp Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan…

III. Nhận biết các loại lan phi điệp

1. Lan phi điệp tím

– Mùa hoa: hoa lan phi điệp tím nở vào dịp sau tết từ tháng 4-8 hàng năm.

– Đặc điểm hoa: hoa có màu trắng phớt tím, lưỡi màu tím, có nhiều biến thể như: năm cánh trắng, mắt nai, 6 mắt hay trắng tinh… với hương thơm quyến rũ. Khi ra hoa, phi điệp tím cần phải xuống lá.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 6

– Đặc điểm thân, lá: Thân có màu tím (trừ loại đột biến), lá tròn, bầu, các lá hơi so le nhau.

– Phân bố: Cây có thể trồng được ở khắp mọi miền tổ quốc.

2. Lan phi điệp vàng

– Mùa hoa: hoa lan phi điệp vàng nở vào tháng 9-11 hàng năm.

– Đặc điểm hoa: Hoa màu vàng, lưỡi màu nâu, cụm hoa không có nhiều biến thiên, hương thơm khá hắc, các bông hoa mọc cụm lại. Khi ra hoa, phi điệp vàng không cần phải xuống lá.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 7

– Đặc điểm thân, lá: Thân lá nhỏ hơn so với phi điệp tím, có màu xanh, hình nhọn và thuôn dài, hướng lên trên.

– Phân bố: Cây chỉ thích hợp phát triển ở vùng lạnh như Tây Bắc, Lâm Đồng.

3. Lan phi điệp đột biến

Lan phi điệp được gọi là đột biến khi chúng có một số thay đổi độc, lạ nào đó về bất kỳ bộ phận nào của hoa. Vì sự lỏng lẻo trong cấu trúc nhiễm sắc thể làm cho lan phi điệp có nhiều đột biến xảy ra. Một số giống lan phi điệp đột biến có thể kể đến như trắng đại ẩm, năm cánh trắng Hòa Bình, năm cánh trắng kim…

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 8

Để phân biệt lan đột biến và lan thường, có thể quan sát phần mắt hoa. Lan phi điệp đột biến có mắt sọc tím xen kẽ sọc trắng còn lan phi điệp thường có mắt màu tím đậm. Ngoài ra, cánh hoa của lan phi điệp có màu tím nhạt còn lan phi điệp đột biến cánh hoa có màu trắng.

4. Lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ

Thân cây có chiều dài đến 1,6m hoặc hơn. Kích thước thân lớn, hoa có cánh đỉnh vươn thẳng, đầu cánh hơi cong, hai cánh ngang xếp đều nhau. Cánh hoa có màu trắng, môi hoa hình tim và có nhung tuyết, hai mắt màu tím, mùi hương dễ chịu, thoang thoảng.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 9

5. Lan phi điệp 5 cánh trắng Di Linh

Theo một số thông tin thì cây lan được tìm thấy tại vùng rừng Tam Bố thuộc huyện Di Linh. Đây là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng – nơi đã tìm ra khá nhiều mặt hoa đẹp và nổi tiếng.

Lan phi điệp trắng tuyền, còn lưỡi là mắt màu tím, hồng, đỏ, xanh tím, vàng tím. Độ bền của hoa khoảng 10-15 ngày nếu ở trong điều kiện nóng và khô, cũng có thể hoa bền đến khoảng 20 ngày.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 10

Loài này được biết đến là một trong những dòng lan phi điệp có thân thủ cực đẹp. Nét đặc trưng là thân nù lá khá dày và đặc biệt hoa nở vào mùa xuân.

6. Lan phi điệp Hòa Bình

Cây có nhiều giả hành (mỗi giả hành là một thân lan), các giả hành mọc thành bụi, phân thành nhiều đốt giống hệt đốt tre nứa. Cây sống bám trên các giá thể thân gỗ (như thông, xơ dừa…). Thân cây cực kỳ to, đốt lại rất ngắn, cộng thêm lá cây bự với dày dặn hơn hẳn những loài ở vùng miền khác nên nhìn tổng thể, giò lan phi điệp Hoà Bình bao giờ cũng xum xuê và nặng.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 11

Vì thân lớn đốt lại lùn, nên hoa dòng này cho bông rất bự, được đánh giá là đẹp hơn nhiều những dòng khác. Không những mang nhiều mặt bông độc lạ, lan phi điệp Hoà bình còn hay xảy ra đột biến.

7. Lan phi điệp lá mít

Nhắc tới phi điệp lá mít thi hầu như ai cũng biết, giá trị của nó cũng rất cao, được nhiều người tìm mua và sưu tầm. Loại này rất dễ nhận biết, lá to bự hơi giống lá mít. Cây chuẩn thì lá to hơi tròn, xanh đậm, lá phải xếp đều từ gốc tới ngọn. Giống hoa này tập trung nhiều nhất ở miền Bắc.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 12

8. Lan phi điệp cánh ám

Những người chưa hiểu rõ hoặc ít kinh nghiệm rất dễ nhầm với loại phi điệp 5 cánh trắng. Mặt hoa ám có nhiều loại, nhưng có đặc điểm chung là cánh gần như trắng tinh chỉ có một vệt rất nhỏ có màu khác (thường là đỏ, hồng), phải nhìn thật kỹ mới có thể phát hiện.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 13

Ngoài ra thì còn có ám khói cũng rất đẹp cánh hoa có màu đục hơn không trắng trong như 5 cánh trắng. Theo giá thị trường thì hầu hết các bông ám không có giá bằng 5 cánh trắng nhưng vẫn có giá cao hơn nhiều so với các loại phi điệp thông thường.

9. Lan phi điệp hồng

Khi chơi phi điệp hồng thì người chơi đã có kiến thức nhất định về mặt bông. Nhưng với nhiều người lầm tưởng hay vì niềm đam mê mà vô tình quên đi tông màu cơ bản của bông hồng. Nói đến hồng là nói đến đồng nhất một màu hồng hay là sự pha trộn nhấn nhá giữa các màu hồng với nhau, giữa mắt, mũi, môi và bộ cánh của bông như hồng phai, hồng cánh sen, hồng đào, hồng phấn, hồng… mà điểm nhấn là mắt và mũi bông. Một bông phi điệp hồng xuất sắc được xác định là đồng nhất một màu hồng cho toàn bộ mặt bông.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 14

10. Lan phi điệp mắt xước

Mắt xước là 2 mắt của mặt bông nó không rõ ràng, bị xước giống như vết cào. Những cây mắt xước kết hợp với cánh đẹp, môi đẹp có giá rất cao. Đặc biệt là những cây lan phi điệp rừng của Việt Nam.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 15

11. Lan phi điệp lưỡi bệt

Nói đến mặt hoa phi điệp bệt là nói muốn nói đến chỉ riêng bộ phận lưỡi của bông hoa. Quan trọng hơn cả là màu sắc của lưỡi và đôi mắt ngự trị trên lưỡi hoa, cụ thể như:

– Lưỡi và màu sắc của lưỡi hoa: Phải đồng nhất 1 màu như đỏ tươi, đỏ tím, tím, tím đen, không có bất kỳ một vệt sáng màu nào, kể cả chóp lưỡi và viền lưỡi.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 16

– Tuy nhiên lưỡi hoa chỉ đóng vai trò cần và đủ cho một bông bệt, còn cấp độ độc đáo và giá trị của 1 bông hoa bệt lại phụ thuộc chủ yếu vào sự hiện diện của đôi mắt ngự trị trên lưỡi hoa.

12. Lan phi điệp môi tuyết

Phi Điệp môi tuyết là phần ngoài cùng của lưỡi có những sợi lông màu trắng tạo cảm giác như có 1 lớp tuyết bao phủ phía trên.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 17

13. Lan phi điệp cánh bay

Cánh bay là 5 cánh của mặt hoa phải thẳng hoặc ngược về sau không rủ xuống che hết mặt bông.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 18

14. Lan phi điệp Easo

Easo không phải là khái niệm của lan phi điệp mà là tên của một xã thuộc tỉnh Đắc Lắc. Dòng Easo thường cho mặt hoa cánh hồng nhẹ có vân hồng đậm trên cánh, mắt tím đậm, mũi tím.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 19

15. Lan phi điệp kiến

Kiến có nghĩa là nhỏ như con kiến, ý nhắc tới những cây lan con mới được sinh ra từ hạt. Lan Kiến đúng nghĩa phải là kiến mọc tự nhiên trên rừng, khái niệm này không dành cho hàng công nghiệp. Nó được mọc lên từ cây lan mẹ ra hoa kết quả, gió đưa những hạt trong quả bay dính vào các cành cây khác và chúng mọc lên thì người ta gọi là kiến.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 20

16. Lan phi điệp xổ số

Xổ số ý nhắc tới những cây lan mới lấy từ trên rừng về và chưa biết mặt hoa. Còn những cây đã có hoa thì người ta không gọi là xổ số. Dân chơi lan chuyên nghiệp nhìn vào lá và thân có thể đón biết được mặt hoa và giá trị của cây lan như thế nào. Giá trị thực tế thì phải chờ cây ra mặt hoa thì mới biết được. Người chơi lan rất thích sưu tầm hàng xổ số, vì nó mang lại cảm giác đợi chờ và khát khao. Mỗi khi hàng xổ số ra nụ là trông đợi, ngắm nghía nó hằng ngày để rồi một mai em nó bung nụ lại thất vọng tràn trề.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 21

IV. Cách nhân giống lan phi điệp

1. Nhân giống bằng lan rừng

Sử dụng những loại lan mọc tự nhiên để nhân giống. Tuy nhiên, vì số lượng lan trong tự nhiên ở Việt Nam đã trở nên khan hiếm nên giống lan được cung cấp từ Campuchia hay Lào. Lan rừng được mang về thuần và tiến hành nhân giống.

2. Nhân giống bằng lan vườn

Cách này chủ yếu là để nhân giống cho các dòng lan Việt Nam đặc biệt là hàng miền bắc như Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, đặc biệt là các dòng đột biến. Việc nhân kei cũng không quá phức tạp, chủ yếu là nhân từ những thân già không ra hoa và còn mắt, những thân này sẽ được chọn riêng chuẩn bị giá thể rêu ẩm và một ít kei để kích cho rễ lên.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 22

V. Cách trồng lan phi điệp

1. Các bước chuẩn bị

– Thời điểm trồng:

+ Trồng tháng 11 âm lịch đến tháng 2 âm lịch năm sau thì cây ra hoa vào mùa xuân.

+ Trồng cuối xuân hoặc đầu hè thì hoa nở vào mùa hè.

– Giá thể: Giá thể có thể là gỗ hoặc vỏ của các loại cây như vỏ thông, vỏ dừa… nhưng phải có lỗ thoát nước.

– Chọn lan giống: Có thể mua cây non mọc từ thân già hoặc mua lan trưởng thành nhưng để đảm bảo cây sống tốt thì người ta thường mua lan trưởng thành.

2. Cách trồng lan phi điệp trong chậu

Giá thể sử dụng để trồng lan phi điệp trong chậu có thể là vỏ thông với các bước như sau:

– Vỏ thông sau khi đem về băm nhỏ với kích thước bằng đốt ngón tay. Ngâm trong nước lã qua một đêm, sau đó pha với thuốc sát khuẩn và ngừa nấm như Physan 20. Ngâm tiếp tục trong vài tiếng đến khi vỏ thông ngậm nước là được.

– Trước tiên, đặt một miếng xốp trắng đến 1/2 chậu để giúp thoát nước tốt. Tiếp theo bóc vỏ thông dàn đều mặt chậu, dùng kéo cắt tỉa phần rễ cũ của lan trước khi trồng giúp lan ra rễ mới dễ dàng hơn.

– Cuối cùng, đặt khóm lan vào chậu sao cho phần rễ tiếp xúc với vỏ thông, xếp thêm một lớp vỏ thông xung quanh chậu, đảm bảo phần gốc và rễ để lộ thiên.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 23

3. Cách trồng lan phi điệp ghép gỗ

Cách trồng lan phi điệp vào gỗ cũng thực hiện đơn giản như trồng chậu:

– Trước khi trồng cần cắt tỉa những lá và rễ già, ngâm trong dung dịch chống thối nhũn và ngừa nấm.

– Cây mới ghép không cần tưới nước trong một tuần đầu tiên, sang tuần thứ hai có thể tưới nước và phun thuốc kích rễ.

– Nên đặt cây vào nơi râm mát và tránh trời mưa trong vòng một tháng sau khi trồng.

Lưu ý: Chỉ thực hiện trồng cây khi thời tiết khô ráo, vì nếu trời mưa cây dễ dàng nhiễm bệnh. Không được ghép lan vào cây gỗ khi chúng đang ra hoa sẽ làm cây dễ mất sức.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 24

VI. Cách chăm sóc cây lan phi điệp

1. Ánh sáng

Ánh sáng luôn là điều kiện cực kỳ quan trọng cho việc phát triển của bất cứ loại cây nào. Lan phi điệp rất ưa ánh sáng nên có thể để cây ngoài nắng nhưng tiếp xúc quá nhiều sẽ làm cây yếu đi, cháy lá dẫn đến không phát triển được. Còn nếu ánh sáng yếu quá cây sẽ dễ bị bệnh nấm mốc và khó ra hoa. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên để ánh sáng tốt nhất là vào khoảng 70%, đặt ở vị trí thoáng mát, không tù bí. Có thể đặt dưới một tấm lưới che để điều chỉnh cường độ ánh sáng hợp lý.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 25

2. Độ ẩm

Độ ẩm lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của lan phi điệp tùy thuộc theo mùa:

– Mùa xuân và cuối đông: 60-70%.

– Mùa hè và mùa thu: 80-90%.

3. Tưới nước

Yêu cầu về nước của hoa phi điệp khác nhau tùy vào từng mùa trong năm:

– Mùa hè: 2-4 lần/tuần.

– Mùa thu: 1 lần/tuần.

– Mùa đông: phun sương 2 lần/tháng

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 26

4. Nhiệt độ

Lan phi điệp cần nuôi trong nhiệt độ từ 8-25 độ C. Tuy nhiên, ưu điểm của chúng là có thể chịu nóng tới 38 độ C và chịu lạnh cho dù ở mức nhiệt là 3,3 độ C nên hoàn toàn có thể yên tâm trồng cây này trong điều kiện thời tiết bình thường.

5. Phân bón

Bón phân là việc làm cần thiết và thường xuyên giúp lan sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa đẹp. Công thức phân bón cho lan phi điệp theo từng tháng sẽ khác nhau:

– Tháng 2-9: bón phân theo tỷ lệ 15-15-15.

– Tháng 9-10: bón liều lượng 10-30-12.

– Tháng 12: kết thúc việc bón phân.

Lưu ý: Lan phi điệp không ưa những loại phân bón có chứa Nitrogen. Nếu bón quá nhiều phân có chứa loại chất này sẽ kích thích cây ra nhiều cây con mà không hình thành nụ.

Ngày nay, phân trùn quế dạng viên nén chậm tan được ưa chuộng sử dụng cho lan. Bón phân trực tiếp hoặc cho vào túi lưới 20-30g phân trùn, sau đó tưới nước cho cây.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 27

6. Phòng bệnh

– Để lan phi điệp phát triển tốt, sạch sâu bệnh, ra hoa đẹp… đòi hỏi người chơi phải có một kiến thức sâu rộng về lan. Trong đó, biện pháp phòng trừ sâu bệnh là hết sức cần thiết nếu không muốn tiêu hủy cả vườn lan.

Các bệnh thường gặp ở lan phi điệp cụ thể như:

+ Bệnh do tác nhân nấm gây nên: bệnh đốm lá, thối đọt, thối rễ, thán thư, thối hạch, đốm vòng trên cánh hoa, đốm nâu.

+ Bệnh do vi khuẩn gây ra: bệnh thối nâu và thối mềm.

– Nên thường xuyên kiểm tra tình trạng phát triển của cây để phát hiện kịp thời mầm bệnh, tránh hiện tượng lây lan mạnh.

Hai biện pháp phòng bệnh chủ yếu trên phi điệp:

+ Phòng bệnh bằng sử dụng nước vôi trong: Tiến hành lấy một lượng vôi bằng ngón tay cái hòa với 1,5 lít nước. Đợi vôi lắng xuống rồi lấy phần nước vôi trong xịt lên giá thể trồng lan. Thực hiện đều đặn 2 lần/tháng. Việc này có tác dụng diệt khuẩn và giúp cây cứng cáp hơn do trong vôi chứa canxi.

Lưu ý: phải tiến hành phun lại bằng nước sạch sau đó hai tiếng, nếu không cây dễ bị nóng và cháy lá.

+ Phòng bệnh bằng thuốc hóa học: Ridomil Gold được sử dụng để phun phòng bệnh thối nhũn và ngăn ngừa nấm. Đặc biệt, Starner là loại thuốc chuyên sử dụng cho những loại hoa lan thân thòng như phi điệp, thuốc có tác dụng diệt khuẩn và không gây hại cho thân thòng.

Nhận biết lan phi điệp và cách trồng cho hoa tuôn như suối - 28

VII. Mua lan phi điệp ở đâu và giá bao nhiêu?

Lan phi điệp bán tại các cửa hàng, vườn ươm có uy tín và đảm bảo chất lượng trên toàn quốc hoặc có thể tìm mua trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada… với mức giá tham khảo là 750.000 đồng/cây

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Nguồn: https://eva.vn/cay-canh-vuon/nhan-biet-lan-phi-diep-va-cach-trong-cho-hoa-tuon-nhu-suoi-c283a522473.html

[ad_2]