[ad_1]

Người với người chung sống với nhau là một loại học vấn; xa rời nhau quá sẽ nhạt phai, nhưng gần nhau quá thì ân oán lại tìm đến

Có người ví von rằng, người với người chung sống với nhau là một loại học vấn, thật không hề dễ dàng. Xa rời nhau quá sẽ nhạt phai, nhưng gần nhau quá thì ân ân oán oán lại tìm đến.

Bất kể là người nhà, bạn bè, bạn học hay đồng nghiệp, khi tốt với nhau thì hai người có thể cùng chung manh áo tấm chăn, lúc trở mặt thì sống chết cũng không qua lại.

Đời người như cái thước, cần phải có mức độ. Tình cảm như thể diện, chớ vượt quá ranh giới. Chung sống giữa người với người, nhất định phải kiểm soát được mức độ, quan hệ dẫu tốt thế nào cũng không nên bước lại quá gần, nếu không cuối cùng rồi sẽ dần dần xa nhau.

Bước lại gần ai quá đều sẽ gây tổn thương

Giữa bạn bè với nhau, gần gũi quá thì nói năng không chú ý, tiền bạc không có phép tắc, hành động không được tôn trọng, thời gian lâu dần thì đường ai nấy đi.

Giữa người nhà với nhau, chớ quá can dự vào việc gia đình riêng của đôi bên, ngày ngày cứ dính chặt với chuyện con cháu thì không còn bản thân mình, cuối cùng tình cảm cũng trở nên xa cách.

Do đó muốn chung sống hòa thuận với người nhà, bạn bè thân thiết thì phải giữ một khoảng cách nhất định.

Vậy trong cuộc sống, làm thế nào để giữ được khoảng cách thích hợp? Xin đưa ra 5 điểm dưới đây để chúng ta cùng tham khảo.

1. Giữa vợ chồng, hãy giữ một chút không gian

Vợ chồng với nhau, quan hệ rất thân mật, nhưng điều đó không có nghĩa là giữa hai người không có chút bí mật nhỏ nào.

Nhất là khi vợ hoặc chồng có sở thích hứng thú khác biệt, không nên cưỡng ép người kia cùng sở thích giống với mình. Cần phải giữ một khoảng cách nhất định, tán thành sở thích của người kia, sau đó ai nấy có nhóm bạn riêng của mình, chung sống hòa thuận vui vẻ.

2. Với con cái, giữ khoảng cách “một bát canh”

Trong xã hội ngày nay, có nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn, không còn giành được nhiều thời gian để ở bên cạnh chăm sóc con cái. Lại cũng có nhiều bậc cha mẹ gần gũi và chăm sóc con cái quá nhiệt tình, không chuyện gì không tham gia vào.

Giữa cha mẹ và con cái là cần có khoảng cách. Tuy nhiên, khoảng cách ấy không được xa quá hoặc gần quá, như vậy hai bên mới đều có thể chăm sóc cho nhau, lại còn có thể tránh được một số mâu thuẫn và phiền phức không đáng có.

Có giới hạn, có khoảng cách, có liên lạc, có trông nom, khoảng cách tốt nhất chính là “khoảng cách một bát canh”. Con cái có bát canh ngon thì ân cần mang đến cho cha mẹ, cha mẹ có bát canh ngon thì có thể đem cho con cái. Chính là như vậy!

Trong cuộc sống giữ khoảng cách “một bát canh” với con cái, có thể thường xuyên ghé thăm, cho con cái bát canh ngon. Về tâm lý cũng cần giữ khoảng cách “một bát canh” với con cái, sẽ không vì nóng quá mà làm con bị bỏng, cũng không vì lạnh quá mà thờ ơ bận bịu chẳng quan tâm.

3. Giữa người thân không thể không có cái tâm cung kính

Tình thân là tình cảm khó mà chia cắt được. Tuy nhiên sống với người thân, chớ nên tùy ý quá, nhất định phải có lòng cung kính. Được người thân giúp đỡ phải cảm tạ, người thân có khó khăn thì phải kịp thời giúp đỡ.

Sự tình của người thân trong nhà, người nhà nguyện ý nghe thì hãy nói, không muốn nghe thì nói ít thôi, chớ can thiệp, càng không nên không e dè gì.

Trong tâm mỗi người đều có một góc riêng không muốn người khác đặt chân tới, vậy nên tôn trọng họ chính là tôn trọng tình thân của mình.

4. Giữa bạn bè luôn luôn ghi nhớ kỹ ‘không cầu xin mong muốn gì’

Một số người hễ có quan hệ với bạn bè thân cận một chút là bắt đầu có đủ loại yêu cầu, nếu bạn bè không đáp ứng được thì bắt đầu oán trách. Bạn bè như vậy sống với nhau sẽ khiến người ta cảm thấy mệt mỏi.

Tình bạn chân chính thì thuần khiết chân thành, không nhuốm màu công danh lợi lộc. Bạn bè giúp nhau được thì chính là duyên phận tình bạn, không nên dùng đạo đức để cưỡng ép họ, yêu cầu họ đáp ứng nhu cầu vô hạn của mình.

5. Giữa những người xa lạ, gặp người nên nói dăm câu ba điều

Cổ nhân có câu: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

Có người lần đầu tiên gặp nhau một hai lần mà đã tỏ ra vồ vập, thân thiết lắm. Với người lạ, dù ấn tượng tốt mấy cũng nên giữ chừng mực. Chớ có ý thăm dò đời tư của họ, nói chuyện cần phải giữ lại đường lùi, không nên bắt bí gây khó xử cho người.

***

Người ta khi càng có tuổi, càng trải nghiệm cuộc sống sẽ thấy rằng, tình yêu, tình thân, tình bạn… tình cảm nào cũng đáng nâng niu, trân quý. Do vậy, để giữ được sự trân quý ấy mới có lời khuyên rằng “không nên bước lại quá gần”. Giữ lại cho mình một khoảng thời gian hòa hoãn đủ để suy tư suy ngẫm, giữ lại cho người khác một không gian riêng, đó mới là khoảng cách tốt nhất.

Không cần phải gần gũi quá, bởi ai cũng có cuộc sống riêng của mình.

Không cần phải xa nhau quá, bởi cuộc sống này chúng ta còn cần gặp gỡ.

Một khoảng cách thích hợp vừa phải sẽ sinh sôi nảy nở điều tốt đẹp. Kỳ thực cũng chính là tôn trọng và trân quý lẫn nhau.

Xem thêm

[ad_2]